Bắt nạt học đường không phải là vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Mỗi năm học chúng ta lại chứng kiến vô số vụ bạo hành mà nhân vật chính là các cô cậu học sinh còn đang tuổi ăn, tuổi học.
Là một nhà viết lách tự do chuyên về chủ đề nuôi dạy con cái, sức khỏe, chị Kimberly Rae Dixon, đến từ Calgary (Canada) thú nhận rằng mình từng là kẻ bắt nạt thời trung học. May mắn là chị đã nhận ra hậu quả kinh khủng mà việc bắt nạt gây ra và quyết tâm dừng lại. Không chỉ vậy, chị còn cố gắng làm bạn với nạn nhân và quyết tâm sau này sẽ dạy con tránh xa sai lầm này.
Chị Kimberly Rae Dixon chia sẻ câu chuyện của mình như sau:
"Mùa hè giữa lớp bảy lên lớp tám, gia đình tôi chuyển đến Calgary (Canada). Tôi đã phải rời xa ngôi nhà thân yêu gắn bó suốt bao năm qua và những người bạn thân nhất của mình. Tôi khi ấy vừa sợ hãi, vừa hào hứng khi nghĩ về những người bạn mới.
Ngày đầu tiên ở trường mới, tôi đã chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất và tự hứa với lòng là sẽ cư xử tốt với các bạn. Tôi nhanh chóng kết thân cùng một vài cô bạn gái nổi tiếng trong trường và chỉ mất vài ngày, tôi đã được sống trong phiên bản Mean Girls (Tên một bộ phim, tạm dịch là Những cô gái lắm chiêu) ngoài đời thực.
Ngôi trường tôi theo học thật đông đúc. Những đứa trẻ giàu có, nổi tiếng và những đứa trẻ thích bợ đỡ thường đi cùng nhóm tôi để được "bảo kê". Để duy trì lợi ích và địa vị của mình, tôi bắt buộc phải chọn một học sinh trong trường làm nạn nhân để bắt nạt. Cuối cùng, Nicole (tên nhân vật đã được thay đổi) lọt vào tầm ngắm.
Ban đầu, tôi tiếp cận Nicole với tư cách là một người bạn. Sau khi có đủ lòng tin và biết được những tâm sự bí mật của Nicole, tôi dần lộ nguyên hình.
Tôi tung ảnh Nicole ăn mặc “mát mẻ", kể hết những bí mật thuộc dạng thâm cung bí sử của cô ấy cho tất cả mọi người nghe. Tôi chế giễu, quấy rối và làm phiền Nicole thường xuyên, nhất là ở nơi đông người.
Thế đấy, tôi đã trở thành một kẻ bắt nạt người khác ngay từ khi còn học cấp 2. Nhưng đó không phải là điều tôi tự hào, ngược lại, tôi vô cùng xấu hổ về việc mình đã làm và tôi quyết tâm nuôi dạy hai đứa con của mình đừng đi theo vết xe đổ của mẹ.
Tôi kết thân với Nicole rồi dùng chính niềm tin và bí mật của bạn là "đạn dược" để chế giễu bạn (Ảnh minh họa).
Tôi đã sửa sai như thế nào?
Sang năm học lớp 10, những tin tức không mấy tốt đẹp về Nicole "leo thang" đến mức chóng mặt. Điều này khiến tôi không thoải mái. Vào năm lớp mười một, tôi quyết định làm lành với cô ấy. Tôi bắt đầu bằng một lời xin lỗi chân thành và mong Nicole tha thứ cho mình. Tất nhiên, cô ấy chẳng tin lời tôi nói. Mãi một thời gian sau, Nicole mới thấu hiểu và chấp nhận lời xin lỗi của tôi.
Khi hiểu rõ hơn về Nicole, tôi mới nhận ra rằng hóa ra cô ấy mới thực sự là người mà tôi muốn ở bên chứ không phải là những người bạn nổi tiếng kia.
Sau vài tháng, chúng tôi bắt đầu thân thiết hơn và Nicole đã tâm sự với tôi về cảm giác bị tra tấn tinh thần ở trường. Cô ấy thấy sợ hãi khi thức dậy vào mỗi buổi sáng và từng có ý định tự tử một vài lần. Đây cũng chính nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho những người trong độ tuổi từ 10 đến 34 ở Mỹ.
Nicole đã từng có ý định tử tự bởi "địa ngục" mà tôi mang đến cho cô ấy (Ảnh minh họa).
Trong suy nghĩ của những kẻ bắt nạt, đó chỉ trò trêu chọc vô hại. Trong mắt giáo viên, chúng lại càng là trò trẻ con. Nhưng đối với nạn nhân, nó thực sự có thể kết liễu cuộc đời của họ.
Tôi đã vô cùng xấu hổ, buồn bã và cảm thấy tội lỗi nặng nề khi nghe Nicole tâm sự. Song, tôi cũng biết rằng dù bây giờ tôi cảm thấy tội lỗi đến mấy cũng chẳng là gì so với "địa ngục" mà Nicole phải đối mặt hàng ngày khi ở trường.
Hiện tại tôi đã mất liên lạc với Nicole nhưng những điều mà cô ấy chia sẻ luôn in sâu trong tâm trí tôi. Nó giúp tôi định hình cách nuôi dạy con: Không bao giờ trở thành kẻ bắt nạt và bảo vệ bản thân khỏi những kẻ bắt nạt.
Trên thực tế, có khoảng 20% học sinh ở Mỹ đã từng bị bắt nạt và hơn 70% học sinh đã chứng kiến nó. Đó là lý do tại sao tôi biết rằng điều quan trọng nhất phải dạy các con là nhận biết hành vi bắt nạt ngay từ nhỏ.
Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những xích mích nhưng vợ chồng tôi luôn cố gắng tôn trọng đối phương nhất có thể. Đây là điều đầu tiên mà tôi muốn các con học được về việc tôn trọng đối phương.
Ở tuổi của các con tôi (3 tuổi và 5 tuổi), tôn trọng chính là chia sẻ, không đánh mắng người khác, cư xử đúng mực và nhường nhịn nhau. Những quy tắc này chúng tôi yêu cầu con áp dụng không chỉ ở trong nhà mà còn cả ở ngoài, khi chơi với anh chị em họ hoặc bạn bè.
Tất nhiên không phải lúc nào bọn trẻ cũng thực hiện đúng quy tắc, nhưng tôi sẽ khen ngợi khi các con hòa thuận với nhau, và phạt nghiêm khắc khi những quy định bị phá vỡ.
Chúng tôi cẩn trọng trong việc đưa ra các hình thức kỷ luật và luôn cố gắng giữ bình tĩnh để nói với con một cách rõ ràng về những gì con đã làm sai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng dẫn con những cách để mọi chuyện trở nên dễ chịu hơn.
Trong khi con trai 3 tuổi vẫn còn quá nhỏ để hiểu hết mọi thứ, tôi cố gắng hết sức để nói chuyện với con gái mình về việc bắt nạt. Chúng tôi thảo luận về ý nghĩa của nó, tại sao nó sai và phải làm gì nếu con chứng kiến một vụ bắt nạt.
Tôi đã chỉ cho con một số dấu hiệu của việc bắt nạt:
- Làm cho người khác cảm thấy không được chào đón, bao gồm cả cô lập, chế giễu, hoặc đánh.
- Trêu chọc người khác dựa trên ngoại hình, giới tính hoặc sự khác biệt của họ.
- Quấy rối hoặc làm tổn thương người khác bằng lời nói hoặc hành động.
Bên cạnh đó, vợ chồng tôi cũng chuẩn bị các cuộc thảo luận khi con bước vào tiểu học, cấp 2, cấp 3 với các chủ đề như dấu hiệu bắt nạt, quấy rối tình dục trực tiếp hoặc gián tiếp.
Tôi cũng dạy con nếu thấy hành vi bắt nạt xảy ra, con nên ngăn chặn nó bằng cách nói với giáo viên, bố mẹ hoặc một người lớn có trách nhiệm. Khi đứng giữa kẻ bắt nạt và người bị bắt nạt, con nên khuyến khích nhắc nhở các bạn chơi đẹp và tôn trọng nhau.
Và tôi đã rất vui khi nhiều lần chứng kiến con gái, dù đang học lớp lá, đã biết đứng lên ngăn cản khi thấy các vụ bắt nạt trong lớp. Tôi cũng hy vọng con sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần này đến suốt cuộc đời".