Điểm danh 4 kiểu bắt nạt học đường mà con thường giấu nhẹm, không dám kể với bố mẹ vì quá sợ hãi

Mây, Theo Phụ nữ Việt Nam 12:40 25/05/2020

Từ những cuộc bắt nạt bằng hành động đến quấy rối bằng lời nói, bố mẹ cần phải biết các dấu hiệu của 4 kiểu bắt nạt phổ biến dưới đây để có thể bảo vệ con tốt nhất.

Bắt nạt được định nghĩa là hành vi xấu gây tổn thương xảy ra lặp đi lặp lại trong mối quan hệ mất cân bằng về quyền lực hay sức mạnh. Bắt nạt có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức - bằng lời nói, bằng hành động, cô lập hoặc đe doạ trực tuyến. Mặc dù các trường học đang cố gắng làm rất nhiều điều để đối phó với nạn bắt nạt, nhưng bố mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và giúp đỡ các con ngăn chặn và vượt qua việc này.

Điểm danh 4 kiểu bắt nạt học đường mà con thường giấu nhẹm, không dám kể với bố mẹ vì quá sợ hãi - Ảnh 1.

Dưới đây là những lời khuyên giúp bố mẹ biết cách đối phó với 4 loại bắt nạt phổ biến.

Bắt nạt bằng lời nói

Hành vi bao gồm: Bắt nạt bằng lời nói khiếm nhã, hoặc sử dụng những lời nói độc ác, liên quan đến việc gọi tên liên tục, đe dọa và đưa ra những bình luận thiếu tôn trọng về đặc điểm của ai đó (ngoại hình, tôn giáo, sắc tộc, khuyết tật, giới tính...).

Ví dụ: Khi một đứa trẻ nói với một đứa trẻ khác, "Sao cậu xấu thế, cậu không soi gương hàng ngày à?".

Cách phát hiện các dấu hiệu: Con thường ở một mình, ủ rũ và chán nản, con có thể chán ăn hoặc thay đổi khẩu vị. Con có thể hỏi bố mẹ vài điều xung quanh vấn đề con bị bắt nạt như: “Con có xấu không? Con có béo không?”.

Những điều bố mẹ nên làm để giúp con: Đầu tiên, hãy dạy con về sự tôn trọng. Thông qua hành vi của chính mình, bố mẹ cần nhấn mạnh rằng mọi người đều xứng đáng được đối xử tốt - cảm ơn giáo viên, khen ngợi bạn bè, tử tế với nhân viên cửa hàng. Tăng tính tự trọng và sự tự tin cho con thông qua việc đánh giá cao những điểm mạnh của con, khen ngợi con một cách chân thành trước mọi người.

Shane Jimerson, Tiến sĩ, nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học California nói: "Cách bảo vệ tốt nhất mà cha mẹ có thể đưa ra là thúc đẩy sự tự tin và độc lập của con mình và sẵn sàng hành động khi cần thiết". Thảo luận và thực hiện những cách an toàn nhưng đủ mạnh mẽ mà con có thể phản ứng lại với kẻ bắt nạt. Cùng con tìm ra những cụm từ ngắn gọn để nói với một giọng điệu mạnh mẽ nhưng không mang ý nghĩa thù địch, chẳng hạn như "Đó không phải là điều hay đâu", "Để tớ được yên", hoặc "Tránh xa tớ ra".

Điểm danh 4 kiểu bắt nạt học đường mà con thường giấu nhẹm, không dám kể với bố mẹ vì quá sợ hãi - Ảnh 2.

Những lời nói xấu sau lưng hay chế nhạo trước mặt là một hành vi bắt nạt thường xuyên tại trường học.

Bắt nạt bằng hành động

Hành vi bao gồm: Những việc như đánh, đá, chặn đường, đẩy và chạm cơ thể người khác một cách không phù hợp khi họ phản đối.

Ví dụ: Một đứa trẻ bị bạn xấu đẩy ngã và cười nhạo trong giờ chơi ở giữa sân trường.

Cách phát hiện các dấu hiệu: Nhiều em sẽ nhất định không nói cho cha mẹ biết khi mà việc bắt nạt vừa xảy ra. Bố mẹ cần theo dõi những vết thương không rõ nguyên nhân như bầm tím, trầy xước, vết hằn đỏ. Hay quần áo bị hỏng, thiếu. Con cũng có thể thường xuyên bị đau bụng, đau đầu không rõ nguyên nhân.

Những điều bố mẹ nên làm để giúp con: Nếu nghi ngờ con bị bắt nạt bằng hành động , hãy thử bắt đầu một cuộc trò chuyện tự nhiên như: hỏi con về những điều diễn ra ở trường, trong bữa trưa hoặc giờ ra chơi, hoặc trên đường về nhà. Dựa trên các câu trả lời, hãy hỏi xem có ai cư xử đặc biệt với con không. Luôn cố gắng giữ cảm xúc bình tĩnh để con có thể thoải mái kể. Bố mẹ cũng cần giữ liên lạc với giáo viên và nhà trường để kịp thời nhận thông tin về con.

Điểm danh 4 kiểu bắt nạt học đường mà con thường giấu nhẹm, không dám kể với bố mẹ vì quá sợ hãi - Ảnh 3.

Nếu con thực sự bị bắt nạt bằng hành động, hãy ghi lại chính xác thời gian xảy ra, thu thập thông tin từ những người liên quan (bạn bè của con ở trường, bảo vệ, phụ huynh khác…) về sự việc đã xảy ra. Trao đổi với giáo viên để đưa ra những biện pháp xử lý. Nếu thực sự cần thiết phải liên lạc với cha mẹ của kẻ bắt nạt (hoặc kẻ bắt nạt) giải quyết vấn đề, bố mẹ cần thực sự bình tĩnh và thiện chí.

Bắt nạt bằng các mối quan hệ

Hành động bao gồm: Cô lập người khác, cố tình ngăn ai đó tham gia vào một cộng đồng nhỏ hay một nhóm nhỏ, cho dù đó là ở bàn ăn trưa, trong một trò chơi, ở những giờ học hoặc các hoạt động xã hội.

Ví dụ: Một nhóm các bé gái cô lập người bạn mới đến, phớt lờ đề nghị xin gia nhập và yêu cầu bạn bè khác không chơi với bạn mới.

Cách phát hiện các dấu hiệu: Theo dõi sự thay đổi tâm trạng, rút lui khỏi các nhóm đồng đẳng và chuyển sang ở một mình nhiều hơn bình thường. Các cô gái có nhiều khả năng hơn các chàng trai trải qua sự loại trừ xã hội, không lời nói hoặc đe dọa tình cảm. Cơn đau có thể mạnh như bắt nạt về thể xác và kéo dài hơn nữa.

Bố mẹ nên làm gì để giúp đỡ con: Jennifer Cannon, một nhà trị liệu gia đình ở Newport Beach, California khuyên các bậc phụ huynh nên tạo nói chuyện với con về một ngày ở trường của con vào lúc trước khi đi ngủ. Điều này giúp con nhận ra những điều làm con hạnh phúc, bố mẹ cũng đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con và truyền cho con thông điệp rằng luôn có bố mẹ ở bên yêu thương và quan tâm đến con. Ngoài ra bố mẹ cũng nên tập trung phát triển tài năng và sở thích của con về âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, đọc sách và các hoạt động sau giờ học để con tự xây dựng được mối quan hệ bên ngoài trường học.

Điểm danh 4 kiểu bắt nạt học đường mà con thường giấu nhẹm, không dám kể với bố mẹ vì quá sợ hãi - Ảnh 4.

Bắt nạt trên mạng

Hành động bao gồm: Những việc gây phiền nhiễu cho ai đó bằng cách truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch thông qua e-mail, tin nhắn và bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. Những thông điệp thường là phân biệt giới tính, giàu nghèo, vẻ bên ngoài hay sự ghen tị. Những hành vi này sẽ tạo ra bầu không khí khó chịu, khiến người bị bắt nạt cảm thấy khủng hoảng, bị cô lập, mất niềm tin vào mọi người.

Ví dụ: Khi ai đó đăng post lên facebook: A là một kẻ nói dối. Tránh xa cô ấy ra!

(Trong khi thực tế A chỉ đơn giản không cho tác giả bài post chép bài nên họ tức giận và đặt điều nói xấu.)

Cách phát hiện các dấu hiệu: Theo dõi để xem liệu con có dành nhiều thời gian trực tuyến hơn (truy cập các trang truyền thông xã hội hoặc nhắn tin) nhưng sau đó có vẻ buồn và lo lắng. Cũng nên chú ý thêm nếu con bỗng khó ngủ hơn, xin nghỉ học ở nhà hoặc rời bỏ các hoạt động ngoại khóa mà con từng yêu thích.

Bố mẹ nên làm gì để giúp đỡ con: Khi cho con sử dụng mạng internet, bố mẹ cần nắm rõ các trang web, ứng dụng và thiết bị kỹ thuật số phổ biến và có khả năng làm hại con trước khi con sử dụng chúng. Để con biết rằng bố mẹ sẽ theo dõi các hoạt động trực tuyến của chúng. Nói với con rằng nếu con gặp phải đe doạ trực tuyến, con nhất định không nên tham gia, phản hồi hoặc chuyển tiếp nó cho ai khác. Thay vào đó, hãy thông báo ngay lập tức cho bố mẹ.

Nếu như nhận được thông tin con bị bắt nạt trên mạng, bố mẹ có thể in các bài đăng hay tin nhắn đe dọa bao gồm cả thời gian mà các con nhận được. Cung cấp những bằng chứng này cho nhà trường để có biện pháp xử lý nghiêm. Nếu kẻ bắt nạt không thuộc trường học, hãy liên hệ với các cấp chính quyền để nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Nếu con giúp đỡ bạn bè khi họ bị bắt nạt hoặc giúp đỡ người khác bị bắt nạt, hãy ủng hộ, khen ngợi sự can đảm của con khi nói với bố mẹ. Nhấn mạnh với con rằng khi kể với cha mẹ về việc bị bắt nạt hay chứng kiến ai đó bị bắt nạt là cách làm thông minh và can đảm nhất của con, chứ không phải biểu hiện của kẻ mách lẻo. Điều cuối cùng, hãy luôn sát sao bên con, vì chính bố mẹ sẽ là người nhạy cảm nhất với những sự thay đổi tiêu cực của con.