Nhà giàu vung tiền cho con hưởng mọi nguồn lực giáo dục tốt nhất, còn với gia đình bình thường đâu là cách giáo dục ưu việt nhất - Giáo sư Harvard và các nhà tâm lý học hợp sức đưa đáp án!

Diệu Đan, Theo Thanh niên Việt 17:11 02/07/2025
Chia sẻ

4 điều dưới đây chính là phương pháp giáo dục tối ưu mà gia đình bình thường có thể dạy dỗ con cái, chắp cánh cho chúng bay xa bay cao trong đời.

Có người từng nói: Nuôi dạy con cái cũng giống như trồng cây vậy, đất đồi thì trồng măng tre, chuối; đất cát thì trồng dưa hấu và dưa lưới; còn bùn lầy thì trồng khoai môn.

Giáo dục cũng vậy.

Các gia đình ở tầng lớp khác nhau có cách giáo dục khác nhau. Người giàu có thể vung tiền cho con hưởng những nguồn lực giáo dục tốt nhất với kỳ vọng con sẽ thành công, nổi trội trong môi trường cạnh tranh cao. Còn với những gia đình bình thường, cách nuôi con tốt nhất chính là: lao động, đọc sách, biết vui chơi, và tử tế.

Nhà giàu vung tiền cho con hưởng mọi nguồn lực giáo dục tốt nhất, còn với gia đình bình thường đâu là cách giáo dục ưu việt nhất - Giáo sư Harvard và các nhà tâm lý học hợp sức đưa đáp án!- Ảnh 1.

01 - Lao động

Từng có một nghiên cứu của Đại học Harvard, họ đã tiến hành khảo sát theo dõi suốt 75 năm với 456 thiếu niên. Kết luận cuối cùng là: Những đứa trẻ làm việc nhà thì tương lai sẽ có tiền đồ hơn. Không chỉ vậy, tỷ lệ có việc làm khi trưởng thành giữa trẻ thích làm việc nhà và không thích làm việc nhà là 15:1, tỷ lệ phạm tội là 1:10.

Đồng thời, những đứa trẻ thích làm việc nhà cũng có tỷ lệ mắc bệnh tâm lý thấp hơn.

Trước đây, tôi từng nghi ngờ kết luận này. Nhưng giờ đây, tôi thực sự tin vào một đạo lý: Trẻ biết lao động chắc chắn sẽ không tệ. Xung quanh tôi có quá nhiều bậc cha mẹ, việc lớn việc nhỏ gì cũng ôm hết vào người. Từ giặt tất, giặt đồ, đến thu dọn cặp sách, dọn phòng, họ không để con cái đụng tay vào bất cứ việc gì.

Lý do rất đơn giản: "Con cứ chuyên tâm học hành, mấy việc khác không cần lo".

Thế là, bọn trẻ chỉ việc chìa tay ra là có quần áo mặc, há miệng ra là có cơm ăn, chưa từng rửa qua cái bát, thậm chí còn không biết buộc dây giày.

Những đứa trẻ như vậy lớn lên thường thiếu tính độc lập, thiếu tự giác, dễ hình thành những tính cách không lành mạnh như "em bé khổng lồ" hay "con trai mẹ".

Những bậc cha mẹ lo liệu mọi việc một cách thái quá, cứ tưởng là đang đối xử tốt với con, nhưng thực chất lại đang hủy hoại chính con mình.

Nhà vật lý người Trung Quốc đạt giải Nobel - Chu Đệ Văn từng nói về phương pháp giáo dục của mẹ ông. Cách mẹ ông dạy con rất đơn giản: cho con làm thật nhiều việc nhà. Giặt giũ nấu ăn, quét dọn vệ sinh, dọn dẹp sân vườn, đi chợ mua rau, xách nước từ sông về... Khi còn nhỏ, Chu Đệ Văn đã làm không biết bao nhiêu việc như thế. Nhưng chính nhờ những công việc lao động đó mà khả năng thực hành và quan sát của ông vượt xa bạn bè cùng trang lứa. Ông nói: "Thật khó tưởng tượng nổi một đứa trẻ chỉ biết học, đến trứng rán hay trứng luộc cũng không biết làm, thì có thể biết cách làm thí nghiệm".

Con chim hoàng yến chỉ biết chờ được cho ăn mãi mãi sẽ không thể trở thành đại bàng tung cánh giữa bầu trời.

Chúng ta vẫn thường nói: "Quét không xong một căn phòng, sao có thể quản nổi thiên hạ".   Một đứa trẻ nếu ngay cả việc nhỏ của bản thân còn không biết chịu trách nhiệm, thì sau này sao có thể chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình?

Nhà giàu vung tiền cho con hưởng mọi nguồn lực giáo dục tốt nhất, còn với gia đình bình thường đâu là cách giáo dục ưu việt nhất - Giáo sư Harvard và các nhà tâm lý học hợp sức đưa đáp án!- Ảnh 2.

02 - Đọc sách

Năm 1703, nhà văn Defoe bị bắt giam vì chỉ trích chính quyền, để lại bảy đứa con nhỏ ở nhà. Ông xin được một khoản trợ cấp, trích ra một phần để mua sách cho các con đọc.

Trong thư gửi bạn, ông giải thích: "Nếu tôi không thể dùng tiền để làm đầy túi của con, thì ít nhất cũng phải dùng sách để làm đầy đầu óc của chúng. Trên đời này chỉ có món nợ đọc sách là một khi đã nợ thì vĩnh viễn không thể trả nổi".

Sách là nền tảng để một người đứng vững trong cuộc đời. Khi khiến trẻ yêu thích đọc sách và hình thành thói quen đọc, đó sẽ là khoản đầu tư giáo dục sinh lời nhất trong đời làm cha mẹ.

Con trai của nhà khoa học Tiền Học Sâm, Tiền Vĩnh Cương, từng nói: "Cha tôi dạy tôi phải yêu việc đọc sách và sống khiêm nhường. Ông cho rằng trong giai đoạn giáo dục nền tảng, trẻ cần đọc càng nhiều càng tốt".

Trong quan niệm của Tiền Học Sâm, việc đọc sách còn quan trọng hơn cả điểm số. Có lần, Tiền Vĩnh Cương bị thầy giáo trách phạt vì không đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra. Sau khi biết chuyện, Tiền Học Sâm không nói gì, chỉ mỉm cười bỏ qua. Nhưng chính Tiền Vĩnh Cương lại không cam lòng, nỗ lực nửa học kỳ sau để đạt điểm tuyệt đối ở mọi môn.

Tiền Học Sâm lại chẳng mấy quan tâm. Ông chưa bao giờ yêu cầu con mình phải đạt điểm tối đa, cũng không lấy điểm số làm thước đo duy nhất, mà chỉ chú trọng việc đọc, yêu cầu con đọc nhiều sách.

Mùa hè năm lớp hai, Tiền Học Sâm mang đến cho con cuốn Một Vạn Câu Hỏi Vì Sao, yêu cầu mỗi ngày đọc 70 trang, nếu không hiểu thì có thể hỏi ông. Dưới ảnh hưởng của nếp nhà ấy, Tiền Vĩnh Cương cũng hình thành thói quen đọc sách, mỗi khi có tiền tiêu vặt là lại đi mua sách về đọc.

Nhà văn Lâm Thanh Huyền từng nói: "Một gia đình có thể ngửi thấy mùi sách, nghe được sự bình lặng, là nơi có thể đánh thức những hạt giống trong lòng người; ngược lại, hạt giống ấy sẽ mục nát trong ồn ào".

Nói nhỏ thì, khi trẻ yêu thích đọc sách, sẽ giúp ích rất lớn cho khả năng viết lách. Nói rộng ra, đọc sách giúp mở rộng tầm nhìn, rèn luyện tâm tính, và hình thành nhân cách. Dù sau này đi đến đâu, những cuốn sách từng lật giở, những dòng chữ từng đọc qua, đều sẽ nuôi dưỡng cuộc đời của đứa trẻ ấy.

Nhà giàu vung tiền cho con hưởng mọi nguồn lực giáo dục tốt nhất, còn với gia đình bình thường đâu là cách giáo dục ưu việt nhất - Giáo sư Harvard và các nhà tâm lý học hợp sức đưa đáp án!- Ảnh 3.

03 - Biết vui chơi

Đôi khi, tôi thật sự thấy xót cho trẻ em ngày nay. Các em hoặc là bị nhốt trong nhà làm bài tập, hoặc là phải khổ luyện ở các lớp học thêm, sống một cuộc đời cô đơn và đầy áp lực. Chúng tôi ngày trước, dù điều kiện học hành kém xa các em, nhưng lại sống thư thái và vui vẻ. Giờ ra chơi ở trường, bọn con trai chúng tôi thường ùa ra sân.

Có người nằm rạp dưới đất chơi bắn bi, không ngại quần áo dính bụi, cũng chẳng sợ nắng gắt trên đầu. Có người chơi bài "Thủy Hử" hay "Vua trò chơi", trải xuống đất, vỗ tay đến đỏ rát. Các bạn nữ thì thích nhảy dây, đá cầu, chơi ô ăn quan, chơi trò chuyền khăn. Trên đường về sau giờ học, chúng tôi đi theo nhóm, đứa này đuổi đứa kia, trêu chọc nhau, nhiều lúc chỉ cần nhặt được một cành cây thẳng cũng coi như kho báu. Cuối tuần, chúng tôi đi bắt cá bống ở ao, vớt tôm nhỏ bên sông, trèo cây tìm tổ chim, tiếng la mắng của bố mẹ hay áp lực học tập đều bị quẳng ra sau đầu.

Một bác sĩ tâm lý từng nói: thật ra trẻ con ngày xưa cũng có áp lực, nhưng các em có lối thoát, ra ngoài chạy nhảy, chơi đùa cùng bạn bè, mọi điều không vui đều tiêu tan theo gió. Chơi là bản năng của mỗi đứa trẻ, chỉ khi được phép chơi đùa, trái tim trẻ thơ mới tràn đầy hạnh phúc. Nếu chỉ nuôi nhốt mãi, không vận động ngoài trời, không chơi đùa trong thiên nhiên, thì làm sao trẻ có thể không ốm, không căng thẳng?

Nhà tâm lý học John Money từng làm một thí nghiệm. Ông chia vài chục con khỉ con thành hai nhóm: một nhóm được chơi đùa đuổi bắt trong chuồng, nhóm còn lại thì bị tách riêng, mỗi con nhốt trong một chiếc lồng, không được tiếp xúc, chơi đùa cùng bạn đồng loại. Kết quả là những con khỉ bị tước quyền chơi đùa đó, khi trưởng thành có tính cách và hành vi khác biệt rõ rệt: chúng trở nên cô lập, chậm chạp, thậm chí dễ nhạy cảm, nóng nảy, bốc đồng.

Thí nghiệm nổi tiếng này đã mang lại cho giới giáo dục một gợi mở lớn: chơi đùa đối với trẻ nhỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Một tuổi thơ tràn đầy sức sống là hình ảnh đẹp nhất. Chơi chưa bao giờ là điều xấu. Trẻ có thể vui chơi để bộc lộ cá tính, phát huy khả năng sáng tạo, rèn luyện tinh thần cạnh tranh. Biết cách vui chơi chính là biết cách sống hòa hợp với bản thân. Chơi giỏi còn giúp trẻ tỏa sáng trong thời đại đề cao sự thể hiện bản thân như hiện nay.

Nhà giàu vung tiền cho con hưởng mọi nguồn lực giáo dục tốt nhất, còn với gia đình bình thường đâu là cách giáo dục ưu việt nhất - Giáo sư Harvard và các nhà tâm lý học hợp sức đưa đáp án!- Ảnh 4.

04 - Tử tế

Thái Nguyên Bồi trong cuốn Tu Dưỡng Của Người Trung Quốc từng viết: Điều quyết định cả đời một đứa trẻ không phải là thành tích học tập, mà là nhân cách và phẩm chất toàn diện. Giáo dục là một cuộc đua để trở thành người tử tế, chứ không chỉ đơn thuần là cuộc đua điểm số.

Từ lâu, có một bà mẹ từng chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng. Con trai chị học tiếng Anh rất giỏi, là cán sự môn tiếng Anh trong lớp. Một ngày nọ, cậu bé buồn bã than thở với mẹ: "Cô chủ nhiệm cứ bắt con giảng bài cho các bạn, không chỉ làm mất thời gian học của con, mà bạn ấy còn học giỏi lên rồi vượt điểm con".   Nghe đến đây, tim người mẹ bỗng chùng xuống. Chị chợt nhận ra, có lẽ cách giáo dục con từ trước đến nay đã có vấn đề. Bấy lâu nay, chị chỉ dạy con cách làm sao để thành công, mà quên mất dạy con cách làm người. Nghĩ vậy, chị đưa ra một quyết định táo bạo, dẫn con trai đi vùng quê để dạy học tình nguyện. Để con tận mắt thấy trường học ở nông thôn, tận tay hướng dẫn những đứa trẻ có nền tảng tiếng Anh yếu.

Người mẹ nghiêm túc nói với con: "Không phải ai cũng may mắn như con, sinh ra đã không phải lo ăn lo mặc. Ở những vùng xa xôi của đất nước, có rất nhiều đứa trẻ trạc tuổi con cũng muốn học giỏi tiếng Anh, nhưng lại không có thầy cô chuyên môn để dạy".

Chính trải nghiệm đó đã khiến cậu bé thay đổi. Về sau, khi mẹ hỏi một lần nữa rằng lớn lên con muốn làm gì, cậu bé trả lời: "Con học tiếng Anh tốt, con muốn trở thành một nhà ngoại giao. Đồng thời, con cũng muốn giúp nhiều trẻ em nông thôn học giỏi tiếng Anh, để các bạn ấy có cơ hội thực hiện ước mơ".

Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là nuôi dưỡng những con người vui vẻ, ấm áp, có nhân cách lành mạnh, chứ không phải những kẻ vị kỷ, lạnh lùng, chỉ biết đến bản thân.

Dù trẻ từ nhỏ luôn đứng đầu, vào trường danh tiếng, làm việc ở công ty nổi tiếng, nhưng nếu bất hiếu với cha mẹ, thờ ơ với người khác, ích kỷ và vô cảm thì kết quả ấy chưa chắc đã là điều ta mong đợi.

Nhà giàu vung tiền cho con hưởng mọi nguồn lực giáo dục tốt nhất, còn với gia đình bình thường đâu là cách giáo dục ưu việt nhất - Giáo sư Harvard và các nhà tâm lý học hợp sức đưa đáp án!- Ảnh 5.

Tôi rất thích một câu nói: Giáo dục cao cấp nhất dành cho con cái là dạy con cách làm người. Làm nghề gì, không phân sang hèn; nhưng trở thành người như thế nào, lại có cao thấp. Hoa có muôn loài, ta có thể để con tự chọn loài hoa mà con yêu, đi con đường mà con muốn. Nhưng về nhân cách, ta nhất định phải yêu cầu con trở thành một người tử tế.

Tựu chung lại, n hững đứa trẻ biết làm việc, yêu đọc sách, chơi giỏi, và luôn giữ lòng tốt chắc chắn sẽ không kém cỏi trong tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày