Ngày nào cũng thấy vợ đưa con đi học, 5 năm sau chồng nhận tin "rợn người": Bé chưa đến lớp dù chỉ 1 ngày

Đông, Theo Đời sống & Pháp luật 07:23 02/07/2025
Chia sẻ

Không ai thể ngờ rằng chuyện này có thể xảy ra.

Năm 2013, một người phụ nữ tên Mã Thúy (tên đã được thay đổi) bước vào chuỗi ngày tăm tối nhất cuộc đời chỉ vì một phút cả tin người lạ. Câu chuyện cô kể lại trên tờ Sohu tưởng chừng là tình tiết trong một bộ phim bi kịch, nhưng lại là sự thật đầy cay đắng khiến tương lai của con gái cô bị trì hoãn đến tận 5 năm.

1. Cuộc gặp định mệnh

Trong một bữa tiệc diễn ra năm 2013, Mã Thúy quen biết một người đàn ông tên Lý Kiệt (tên nhân vật đã được thay đổi). Anh ta giới thiệu mình quê ở Thương Lạc (Thiểm Tây, Trung Quốc), hơn cô 4 tuổi, tốt nghiệp đại học danh giá và đang sở hữu một mỏ khoáng sản trị giá hàng chục triệu tệ. Để tạo lòng tin, Lý Kiệt còn đưa cô xem bản hợp đồng chuyển nhượng trị giá 21 triệu tệ, khẳng định chỉ cần giải quyết vài thủ tục thì tiền sẽ về tay.

Vẻ ngoài chất phác, ăn nói khéo léo và những lời tâm sự có vẻ “chân thật” khiến Mã Thúy chẳng chút đề phòng. “Anh ấy rất đáng tin. Tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ bị lừa”, cô chia sẻ.

Hai người trở nên thân thiết hơn và cũng từ đó, Lý Kiệt liên tục vay tiền với đủ lý do khi vài trăm tệ, khi vài nghìn, có lúc lên tới cả chục nghìn. Nhưng Mã Thúy hoàn toàn không mảy may nghi ngờ.

Ngày nào cũng thấy vợ đưa con đi học, 5 năm sau chồng nhận tin "rợn người": Bé chưa đến lớp dù chỉ 1 ngày- Ảnh 1.

Mã Thúy "sập bẫy" lừa đảo trong một cuộc gặp. (Ảnh minh họa)

2. Bắt đầu chuỗi ngày lừa đảo

Năm 2016, con gái Mã Thúy bước vào độ tuổi tiểu học. Do hộ khẩu gia đình ở Hán Trung (Thiểm Tây), con cô không đủ điều kiện nhập học tại Tây An. Đang lúc loay hoay tìm trường, Lý Kiệt ngỏ lời giúp, nói rằng anh ta có quen biết để đưa bé vào trường tiểu học ở khu Đông thành phố, lại chi phí thấp.

Mã Thúy đồng ý. Từ đó, Lý Kiệt bắt đầu yêu cầu nhiều khoản tiền hơn với lý do “lo đút lót”, “biếu quà”, “đóng học phí”. Mỗi lần vài trăm đến vài nghìn, có lần lên đến hàng chục nghìn tệ. Có khi anh ta bảo “mỏ khoáng gặp sự cố”, cần tiền xoay xở. Cô đều tin tưởng và gửi tiền không chút do dự.

Khi Lý Kiệt thông báo đã sắp xếp được trường, anh ta yêu cầu thêm 2.000 tệ để “chốt suất học”. Mã Thúy tức tốc từ nơi khác về Tây An để nộp tiền, hy vọng mọi việc sẽ suôn sẻ.

Ngày 1/9/2016, Lý Kiệt đích thân giao sách giáo khoa cho con gái cô, nói rằng đã giúp làm thủ tục nhập học. Mặc dù mã QR trên sách không quét được, Mã Thúy vẫn cảm động vì nghĩ anh ta chu đáo.

Sáng hôm sau, khi hai mẹ con chuẩn bị đến trường, Lý Kiệt chặn lại, bảo còn thiếu vài giấy tờ nên chưa thể học ngay. Mã Thúy lo sợ nếu phản ứng sẽ mất trắng toàn bộ số tiền đã đưa nên tiếp tục chờ đợi.

3. Những ngày giả vờ đưa con đi học

Từ đó, Mã Thúy sống trong vòng luẩn quẩn của sự lừa dối và đau khổ. Mỗi sáng, cô đều giả vờ đưa con đến trường, thực chất chỉ dẫn con loanh quanh các công viên, siêu thị ở khu Đông thành phố. Khi chồng hỏi, cô nói dối mọi thứ vẫn ổn để tránh gây mâu thuẫn.

Con gái nhỏ không biết gì, vẫn ngây thơ đi theo mẹ mỗi ngày. Trong lúc con chơi, cô tranh thủ gọi cho Lý Kiệt hỏi tiến độ. Anh ta liên tục hứa hẹn: “Tuần sau sẽ xong”, “Đang nhờ người lo liệu” rồi lại tiếp tục đòi thêm tiền.

Thời gian trôi qua, những lời hứa vẫn không thành hiện thực. Nhưng vì sợ chồng nổi giận, cô không dám nói ra. Mã Thúy tâm sự, chồng cô là người làm kinh doanh, tính nóng, từng cảnh cáo cô rằng “chuyện gì anh cũng có thể làm” nếu phát hiện bị lừa tiền. Cô không dám đánh đổi sự bình yên của gia đình.

4. Hết tiền vẫn không dừng lại

Năm 2017, Lý Kiệt nói với Mã Thúy rằng phòng giáo dục đã phát hiện người lo việc nhập học có dấu hiệu lừa đảo và sẽ bồi thường tiền. Cô sững sờ, chỉ nói: “Tôi không cần tiền, tôi chỉ cần con tôi được đi học”.

Tiền tiết kiệm dần cạn kiệt nhưng Mã Thúy không dừng lại. Cô vay tiền từ anh chị em, bạn học cũ - những người không quen chồng cô và vẫn tiếp tục gửi tiền cho Lý Kiệt. Cô thậm chí còn duy trì quan hệ thân mật với hắn, nuôi hy vọng con mình sớm được đến trường.

Sau mỗi học kỳ, Lý Kiệt đều đưa “bảng điểm” có chữ ký và lời nhận xét của giáo viên, như một minh chứng cho việc học tập của con cô. Tổng số tiền “chạy học” dần tăng từ hơn 200.000 tệ lên đến trên 1 triệu tệ (hơn 3,5 tỷ đồng).

Năm 2019, cô bắt đầu nghi ngờ. Trước kia, giấy tờ đều có dấu đỏ của trường, nhưng dạo gần đây chỉ là dấu cá nhân, thiếu mộc đỏ chính thức. Lần đầu tiên cô cảm thấy: Mình đã bị lừa.

Ngày nào cũng thấy vợ đưa con đi học, 5 năm sau chồng nhận tin "rợn người": Bé chưa đến lớp dù chỉ 1 ngày- Ảnh 2.

Mã Thúy đưa con đi học để "che giấu" lời nói dối của mình. (Ảnh minh họa)

5. Sự thật phơi bày

Giữa năm 2019, Mã Thúy đến đồn công an trình báo. Lý Kiệt bất ngờ đi cùng, khai rằng giữa họ chỉ là “quan hệ vay nợ cá nhân”. Cảnh sát yêu cầu họ giải quyết qua con đường tố tụng dân sự. Mọi chuyện tiếp tục chìm trong bế tắc.

Mùa thu 2019, Mã Thúy quyết định tìm đến cơ quan giáo dục để làm rõ. Nhưng nơi Lý Kiệt chỉ dẫn chẳng có ai tiếp nhận. Khi đến trường tìm người, Lý Kiệt lại xuất hiện, can ngăn, viện lý do đang họp, rồi người phụ trách đi vắng. Đến lúc này, Mã Thúy mới chắc chắn những người kia không hề tồn tại, chỉ là trò lừa của Lý Kiệt.

6. Giấc mơ dở dang và nỗi đau giấu kín

Con gái Mã Thúy càng lớn càng thắc mắc: “Tại sao các bạn đi học còn con thì không?”. Cô không biết trả lời thế nào. Hai mẹ con ngầm hiểu, không ai dám nói thật với người bố nóng tính.

Sau nhiều năm dối lừa, sự việc cuối cùng cũng bị phát hiện. Người chồng nổi giận, đập phá đồ đạc và chất vấn trong căm phẫn. Rất may, dưới sự can thiệp của người thân, Mã Thúy được bảo vệ an toàn.

Vài tháng sau, cô nhận cuộc gọi từ một người lạ: Lý Kiệt đã tự thú vì hành vi lừa đảo.

Mã Thúy lặng lẽ gom lại hàng xấp hóa đơn và bằng chứng chuyển tiền, di chứng cho chuỗi năm tháng đau khổ mà cô và con phải chịu đựng. Cuối cùng, cô quyết định đưa con rời Tây An, trở về quê sống cùng ông bà ngoại, bắt đầu lại từ đầu, chậm hơn bạn bè đến 5 năm, nhưng ít nhất là thật.

Theo Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày