Vụ việc xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cô Châu là kế toán của một công ty nông lâm thủy sản trong thành phố. Cô có nhiệm vụ báo cáo tài chính, thu thập, xử lý, kiểm tra và phân tích các hoạt động liên quan đến tài chính. Công việc này yêu cầu mức độ cẩn thận và chính xác cao, để đảm bảo không xảy ra bất kỳ sai sót nào trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, trong một lần thực hiện giao dịch tiền, cô Châu đã bị xao nhãng dẫn đến chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người lạ. Theo lời kể của nữ nhân viên, cô đã chuyển hơn 3 triệu NDT (khoảng 10 tỷ đồng) của công ty cho một người đàn ông tên Vương.
Sau khi phát hiện sai sót, cô Châu lập tức thông báo với giám đốc công ty và liên hệ tới ngân hàng để nhờ xử lý. Phía công ty cũng đã liên lạc được với ông Vương để yêu cầu hoàn trả. Ban đầu, người đàn ông này đồng ý trả lại số tiền đã nhận được từ tài khoản của công ty cô Châu. Tuy nhiên, sự việc xảy ra sau đó lại khiến nhiều người khó hiểu.
Ảnh minh họa.
Ngay sau khi nhận được cuộc gọi của cô Châu, ông Vương đã chuyển trả 600.000 NDT (khoảng 2 tỷ đồng). Tuy nhiên nhiều giờ sau, ông này không có động thái trả lại 2,4 triệu NDT. Phía công ty sau đó liên hệ thì được ông Vương cho biết: Không thể chuyển nốt số tiền 2,4 triệu NDT còn lại vì ngân hàng đã tự động khấu trừ toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng để thu hồi nợ.
Đến đây, ông Vương mới tiết lộ bản thân từng vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng và vẫn chưa thể trả được. Ông này cũng đã cung cấp biên bản khấu trừ từ ngân hàng và khẳng định bản thân không còn tiền. Ông Vương khuyên phía công ty nên làm việc trực tiếp với phía ngân hàng nếu muốn đòi lại số tiền 2,4 triệu NDT.
Sau đó, phía công ty đã yêu cầu ngân hàng trả lại 2,4 triệu NDT nhưng bị từ chối. Ngân hàng khẳng định họ đã thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc thu hồi nợ và không có trách nhiệm hoàn trả. Họ cũng cho rằng phía công ty nên tiếp tục thương lượng với ông Vương để giải quyết.
Trước tình hình đó, công ty cô Châu quyết định khởi kiện ông Vương với cáo buộc chiếm đoạt tài sản, yêu cầu ông này hoàn trả số tiền còn lại.
Tòa án đã thụ lý và xét xử vụ việc dựa trên các điều khoản trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc. Theo Điều 675, người vay tiền có nghĩa vụ trả nợ đúng thời hạn theo hợp đồng với bên cho vay. Trong trường hợp này, ông Vương có khoản vay 2,6 triệu NDT với ngân hàng và buộc phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Tuy nhiên, tòa chỉ rõ rằng số tiền 3 triệu NDT mà ông Vương nhận được là do cô Châu chuyển nhầm, không phải là tài sản hợp pháp của ông này. Điều này có nghĩa là ông Vương không có quyền sử dụng và ngân hàng cũng không thể khấu trừ khoản tiền đó từ tài sản của ông Vương.
Tòa án dẫn Điều 465 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nhấn mạnh rằng hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý giữa các bên tham gia ký kết. Mối quan hệ vay nợ giữa ông Vương và ngân hàng là một giao dịch dân sự riêng biệt, không liên quan đến phía công ty kia. Do vậy, hành động khấu trừ tiền từ phía ngân hàng được xem là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nông lâm thủy sản, đơn vị hoàn toàn không có hợp đồng hay ràng buộc pháp lý nào với ngân hàng.
Từ những phân tích trên, tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng: ngân hàng phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền 2,4 triệu NDT còn thiếu cho công ty nông lâm thủy sản. Phán quyết này được cho là phù hợp với nguyên tắc “tiền chuyển nhầm không thể được xem là tài sản hợp pháp của người nhận” và “ngân hàng không có quyền tự ý xử lý tài sản không thuộc sở hữu của khách hàng”.
Vụ việc đã khép lại với kết quả nghiêng về phía công ty nông lâm thủy sản, đồng thời trở thành bài học đắt giá về quá trình giao dịch của các cá nhân, doanh nghiệp cũng như công tác quản trị rủi ro trong giao dịch ngân hàng.
Theo Toutiao