Nữ bác sĩ nuôi dạy 2 con gái đỗ ĐH Harvard: Chồng nói đùa “bán nửa gia tài” để chữa tàn nhang, tôi quyết tâm phải tìm cách chữa da cho chính mình

Thu Hoài/ TK: Hải An, Theo Đời Sống Pháp Luật 11:59 08/03/2024

“Vừa sinh xong, ông xã tôi bảo 'Hà xem ở đâu chữa tàn nhang được thì bán nửa gia tài anh cũng chữa cho Hà'. Nghe xong mà lòng tôi trùng xuống, vừa lo lắng cho con gái liệu sau này có bị như mình không, vừa chạnh lòng vì những gì anh nói. Tôi nhận ra đã đến lúc phải tìm cách 'lột xác' cho làn da của mình”.

BS. Lã Thanh Hà là bác sĩ da liễu, thẩm mỹ nổi tiếng tại Việt Nam. Chị từng là thủ khoa đầu vào và đầu ra của Học viện Quân y. Sau đó, chị tiếp tục theo học Chuyên Khoa Răng Hàm Mặt - Bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo khóa I của Học Viện Quân Y và Bác sĩ Da liễu tại ĐH Y Hà Nội. BS Lã Hà chính là người đã tái sinh làn da cho hàng ngàn bệnh nhân gặp các vấn đề nghiêm trọng về mụn, sẹo, nám, nhiễm độc da… Chị cũng chính là "bà mẹ hổ" từng nổi đình nổi đám khi có 2 con gái cùng đỗ vào trường ĐH Harvard danh giá nhất thế giới

Nữ bác sĩ nuôi dạy 2 con gái đỗ ĐH Harvard: Chồng nói đùa “bán nửa gia tài” để chữa tàn nhang, tôi quyết tâm phải tìm cách chữa da cho chính mình - Ảnh 1.

Điều gì đã thôi thúc chị lựa chọn gắn bó với ngành y?

Có lẽ là ảnh hưởng của ba tôi, ông là bác sĩ ngoại khoa yêu nghề và cũng yêu con vô điều kiện... Ông thường xuyên vắng nhà, nên mẹ tôi đôi lúc yêu cầu ba tôi tự trông tôi để bà đi làm. Một lần, ba mang tôi theo vào viện, cho tôi đứng ngoài phòng mổ đợi ba làm việc. Qua vết xước sơn ở ô cửa phòng mổ, tôi tình cờ chứng kiến toàn bộ cả mổ cam go mà ba thực hiện.

Khi ba hoàn thành công việc, ông bước ra khỏi phòng mổ với gương mặt đẫm mồ hôi, mái tóc bù xù như tổ chim sẻ… nhưng nụ cười thì rạng rỡ. Người nhà bệnh nhân hồ hởi cảm ơn ba ríu rít. Chứng kiến giây phút đó, tôi cảm thấy tự hào quá và nhen nhóm ước mơ "trở thành bác sĩ giống như ba".

Chị từng là bác sĩ Răng Hàm Mặt, nhưng sau đó lại chuyển sang chuyên ngành da liễu. Bước ngoặt này có thách thức như thế nào và mở ra cơ hội nghề nghiệp ra sao?

Thực ra, tôi là người yêu cái đẹp và luôn mong ước mình được xinh đẹp. Khi còn nhỏ, tôi có làn da trắng hồng tự nhiên. Nhưng ở tuổi dậy thì, than ôi… tàn nhang chi chít làm tôi vô cùng tự ti, bạn bè hay trêu chọc… Tôi buồn lắm. Ước mơ trở thành bác sĩ, tôi rất mong đến lúc có thể tự chữa cho mình để có làn da trắng đẹp.

Khi vừa sinh con đầu lòng, có lần chồng tôi tay bồng con, nhìn con ngây thơ và tinh khôi dưới giàn hoa giấy và nói bâng quơ: "Lớn lên mà Hà Anh cũng bị tàn nhang như mẹ nó thì thiệt thòi." Rồi anh quay sang tôi thủ thỉ: "Hà xem ở đâu chữa tàn nhang được thì cả bán nửa cái gia tài đi anh cũng chữa cho Hà". Nghe xong mà lòng tôi trùng xuống, vừa lo lắng cho cô công chúa nhỏ, vừa chạnh lòng vì những lời anh nói. Tôi nhận ra đã đến lúc phải tìm mọi cách để một lần nữa "lột xác" làn da đầy tàn nhang của mình..

Vượt qua mặc cảm, tôi cố gắng học hành. Nhưng thời đó, ngành da liễu chỉ tập trung những bệnh lý về da, bệnh phong, bệnh hoa liễu, bệnh tự miễn (vẩy nến, viêm bì cơ, v.v.) chứ các bệnh lý da mang tính thẩm mỹ (hay còn gọi tắt là "thẩm mỹ da") như mụn, sẹo, nám, tàn nhang, v.v. chưa được quan tâm. Nên nghĩ rằng chắc mình sẽ phải học rộng ra một chút, và tôi đã chọn theo chuyên ngành Răng Hàm Mặt. Tôi nghĩ đơn giản ngành này sẽ là nền tảng vững chắc để hiểu về cấu trúc hàm mặt và từ đó là thẩm mỹ da. Nhưng tìm hiểu đến tận phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ rồi vẫn không tìm được cách điều trị thẩm mỹ da.

Sau khi Việt Nam hội nhập phát triển ứng dụng công nghệ cao trong điều trị da liễu thì tôi thấy mở ra 1 chân trời mới cho công nghệ thẩm mỹ da. Và tôi quyết định học lại Bác sĩ Da liễu dù lúc đó đã có bằng Bác sĩ Răng Hàm Mặt và chuyên ngành này cũng đang rất hot. Với kinh nghiệm ngoại khoa có sẵn, chuyển sang chuyên ngành da liễu, tôi như được chắp thêm cánh để học hỏi và nâng cấp kỹ năng lâm sàng vì đã có nền tảng sẵn.

Tôi nhận ra, da muốn đẹp thì trước tiên phải khỏe, muốn làm thẩm mỹ tốt thì phải xử lý tốt phần bệnh lý về da trước. Càng ngày tôi càng thấy nghiện nghề khi hằng ngày thực hiện những ca bệnh đưa đến vẻ đẹp ngày càng hoàn hảo cho bệnh nhân.

Điều gì là khó khăn nhất với chị khi theo đuổi thẩm mỹ da ở thời kỳ sơ khai trước đây?

Thời kỳ sơ khai chưa có máy móc thiết bị nên việc thực hiện các kĩ thuật để chữa trị các bệnh lý về da nói chung và đặc biệt là thẩm mỹ da nói riêng còn khó khăn. Sau điều trị để lại khá nhiều vết thâm và thậm chí là sẹo, tăng sắc tố, mất sắc tố… Đặc biệt, nám và sẹo lõm không có gì hỗ trợ điều trị gì ngoài bôi, thoa nên kém hiệu quả.

Khác với sự hối hả ở các ngành ngoại khoa, ở ngành da liễu, việc điều trị cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn mới có thể thấy được kết quả. Sự thay đổi này khiến tôi đôi khi khá sốt ruột. Nhưng nghĩ tới một ngày có thể tự chữa cho bản thân và mọi người có làn da trắng đẹp không tỳ vết, tôi lại vui vẻ đi tiếp.

Nữ bác sĩ nuôi dạy 2 con gái đỗ ĐH Harvard: Chồng nói đùa “bán nửa gia tài” để chữa tàn nhang, tôi quyết tâm phải tìm cách chữa da cho chính mình - Ảnh 2.

Theo chị, hiện nay sai lầm phổ biến nhất dẫn khiến các bệnh da liễu điều trị gặp nhiều trở ngại là gì?

Ngày nay, mạng xã hội, internet phát triển, nhiều người tự tìm hiểu về da liễu thẩm mỹ và các kỹ thuật chăm sóc da làm đẹp da. Việc đọc, truyền miệng, và hiểu các kiến thức y khoa không đầy đủ, không tuân thủ điều trị (ví dụ: điều trị công nghệ cao xong về nhà các bạn tự trang điểm, tẩy trang, tẩy da chết, tự mua thêm các sản phẩm skincare để bôi thoa mà không có chỉ định của bác sĩ, v.v.) làm công việc của các bác sĩ chuyên khoa chúng tôi khó khăn hơn nhiều.

Ngày nay, việc làm đẹp rất phổ biến. Nhiều người chi tiền để làm đẹp mà chưa hiểu rõ bản chất, công nghệ dẫn đến tiền mất tật mang. Là một chuyên gia thẩm mỹ da, chị có lời khuyên nào cho những người có nhu cầu làm đẹp để đạt hiệu quả tốt nhất?

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng không nên lạm dụng thẩm mỹ quá mức. Nhiều người tiếp cận lượng thông tin từ internet quá nhiều mà thiếu chọn lọc, tạo nên sự kỳ vọng thái quá. Ví dụ, một số người có thể kỳ vọng rằng họ sẽ có làn da hoàn hảo chỉ sau một vài buổi điều trị duy nhất. Nhưng thực tế là quá trình làm đẹp thường là một quá trình dài hơi và kết quả có thể khác nhau với từng người. Hay có khách hàng muốn có một cái cằm đầy hơn hay một cái mũi cao hơn, nhưng về bản chất lại không hài hòa với luôn mặt. Bởi thế, các bác sĩ chúng tôi cố gắng đưa ra chính kiến của mình và phân tích logic khoa học nhưng dễ hiểu để bệnh nhân hiểu rằng, mỗi người có mỗi vẻ, cái đẹp là sự hài hoà, cân đối, chứ không phải bắt chước, sao chép từ một người khác một cách gượng ép.

Mỗi bác sĩ được đào tạo chuyên sâu và mất nhiều năm hành nghề mới có đủ kinh nghiệm để điều trị, tạo hình thẩm mỹ giỏi. Khi điều trị da và tạo hình thẩm mỹ, người bác sĩ phải rất yêu cái đẹp và phải có gu thẩm mỹ bởi sự tỉ mỉ, chỉn chu. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư công nghệ thiết bị cũng như các hoạt chất và nghiên cứu kỹ càng các phác đồ điều trị để đưa ra những phác đồ tối ưu phù hợp với từng làn da.

Bởi vậy, khi mong muốn làm đẹp, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn cơ sở có bác sĩ đúng chuyên ngành, giàu kinh nghiệm và uy tín để có thể gửi gắm làn da và khuôn mặt của mình. Trước khi quyết định làm đẹp, hãy bàn bạc cởi mở và chân thành với bác sĩ để bác sĩ đánh giá tình trạng làm da của bạn, lắng nghe nhu cầu và mong muốn của bạn, sau đó đưa ra đề xuất và giải pháp phù hợp nhất.

Nữ bác sĩ nuôi dạy 2 con gái đỗ ĐH Harvard: Chồng nói đùa “bán nửa gia tài” để chữa tàn nhang, tôi quyết tâm phải tìm cách chữa da cho chính mình - Ảnh 3.

Điều gì khiến các bệnh nhân có niềm tin trao gửi làn da tưởng như "tuyệt vọng" cho bác sĩ Lã Hà?

Cả cuộc đời làm nghề tôi chỉ cố gắng làm sao khi đứng trên bục giảng thì được sinh viên tin trọng, điều trị cho bệnh nhân được bệnh nhân tin tưởng. Đó là hạnh phúc và thành công lớn nhất của cuộc đời làm giảng viên, bác sĩ như tôi. Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng ngoài sự an toàn trong điều trị và kết quả tích cực sau điều trị thì họ cảm thấy được chữa lành về tâm hồn và lấy lại sự tự tin. Tôi cũng chỉ biết cố gắng hết mình và đồng cảm cùng nỗi lòng của họ, vì khi mọi người tìm đến nhiều trường hợp cũng đã gõ cửa nhiều nơi mà không thành công và đã mất lòng tin rằng một ngày mình có thể tìm lại một làn da khỏe mạnh.

Theo chị, bác sĩ da liễu có phải là công việc dễ kiếm tiền?

Bác sĩ da liễu là một ngành nhiều thách thức và đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Công việc của bác sĩ da liễu không chỉ đóng vai trò trong việc chẩn đoán và điều trị các vấn đề da liễu của bệnh nhân, mà còn đảm nhiệm vai trò tư vấn và giáo dục về sức khỏe da cho cộng đồng.

Về mặt thu nhập, công việc của một bác sĩ da liễu có thể đem lại một mức lương ổn định. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là trách nhiệm và đam mê trong nghề, không chỉ dừng lại ở điều trị bệnh lý da mà còn có cơ hội góp phần vào sự cải thiện chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân. Đó là món quà vô giá với các bác sĩ chúng tôi.

Nữ bác sĩ nuôi dạy 2 con gái đỗ ĐH Harvard: Chồng nói đùa “bán nửa gia tài” để chữa tàn nhang, tôi quyết tâm phải tìm cách chữa da cho chính mình - Ảnh 4.

Chị luôn hết mình, trọn vẹn trách nhiệm với công việc. Còn ở phương diện là một người phụ nữ, chị có cảm thấy mình là một người mẹ hạnh phúc? Chị có muốn thay đổi điều gì không?

Ở vị trí 1 bác sĩ, tôi chỉ mong có thể đọc nhiều, học nhiều hơn, tích lũy nhiều kiến thức hơn nữa để áp dụng vào điều trị cho bệnh nhân. Còn ở cương vị 1 người mẹ, tôi hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình. Nhưng đã là mẹ thì có bao giờ hết lo cho con (cười).

Giai đoạn những năm đầu đời tôi áp sát các con nhiều, rèn cho các con tính kỷ luật, tự lập. Khi các con lớn hơn, tôi có phần nào an tâm vì các con tự lo cho bản thân tốt, sống trung thực, có trách nhiệm. Vì công việc của bố mẹ quá bận rộn, Hà Anh Hiền Anh tự ăn, tự học, tự chăm sóc bản thân từ sớm.

Đến giờ nhớ lại, có một lần Hiền Anh gọi điện hỏi tôi có thể về ăn cơm sớm với con được không. Tôi trả lời con: "Đợi mẹ thêm 1 chút, mẹ chỉ còn 1, 2 bệnh nhân nữa thôi". Tôi đã thầm khóc, tự nhủ xin lỗi con, mẹ không thể bỏ bệnh nhân mà đi được. Sự day dứt giữa một bên là gia đình, con cái, một bên là người bệnh, là tình yêu với nghề luôn ở trong tôi.

Tôi cảm thấy mình "nhiều con" quá, ngoài 2 con gái còn có sinh viên trông mong vào cô, bệnh nhân đặt hi vọng ở bác sĩ, nên thời gian của tôi bị xé nhỏ rất nhiều. Nếu được làm lại, tôi muốn có thể dành nhiều thời gian hơn cho Hà Anh và Hiền Anh. Các con tôi rất thiệt thòi khi mẹ làm bác sĩ và quá bận rộn. Trong cuộc sống, chúng ta khó mà chu toàn được mọi việc. Nói đến đây chắc nhiều người trong chúng ta khi làm cha mẹ cũng đã từng trải qua ít nhất một lần cảm giác này.

Không theo con sát được, tôi chỉ hi vọng sự phấn đấu và tình yêu sự nghiệp bác sĩ của tôi truyền cảm hứng cho các con trong quá trình học tập và làm việc. Hi vọng điều này có thể tiếp tục tiếp lửa để các con có một tinh thần "thiện chiến" hết mình để đạt được mục tiêu đã chọn.

Nổi tiếng với phương pháp dạy con của "mẹ hổ", chị và các con có bao giờ mâu thuẫn không? Làm sao để các con luôn tin tưởng và tâm sự với mẹ mỗi khi có chuyện?

Với tôi cái gì cũng phải đúng và phải thật.

Tôi cũng hơi "cứng" khiến các con áp lực, và có phần sợ mẹ. Có lần, tôi nhắc nhở Hà Anh vì chỉ còn 1 ngày là phải nộp bài tập mà con vẫn chưa làm chút nào. Nhưng Hiền Anh nghe mà sợ lây. Với tôi cái gì cũng phải đúng và thật, nên tôi cũng yêu cầu các con trung thực và tự chịu trách nhiệm với việc học tập và cuộc sống của mình.

Tất nhiên, trẻ con vẫn luôn có sự thoải mái hơn. Tuy vậy, tôi hiểu rằng mình cần thay đổi để gần gũi với các con hơn, phân tích cho các con tại sao lại thế. Và thường xuyên cổ vũ, khen ngợi các con kịp thời để con nhận ra bài học cho chính mình.

Nữ bác sĩ nuôi dạy 2 con gái đỗ ĐH Harvard: Chồng nói đùa “bán nửa gia tài” để chữa tàn nhang, tôi quyết tâm phải tìm cách chữa da cho chính mình - Ảnh 5.

Đến nay, khi đã trở thành bà ngoại, chị khuyên con gái nuôi dạy con như thế nào?

Con gái lớn Hà Anh của tôi đã lập gia đình và có 1 con nhỏ. Tôi chia sẻ với con rằng, dù công việc vất vả bận rộn thế nào, hãy cố gắng dành thời gian áp sát, gần gũi với con. Bởi khi có cha, mẹ đồng hành, đứa trẻ lớn lên mạnh mẽ và tự tin hơn rất nhiều. Điều quan trọng nữa là nên kết hợp việc uốn nắn, rèn luyện kỷ luật, với việc tạo điều kiện để con trẻ phát triển đa chiều, tiếp xúc và trải nghiệm nhiều hơn để bộc lộ cá tính, thiên hướng phát triển.

Tất nhiên, mọi quyền quyết định về nuôi dạy con vẫn là tùy thuộc ở Hà Anh.

Khi gặp áp lực trong công việc lẫn cuộc sống chị thường giải tỏa bằng cách nào?

Không phải đi du lịch, xem tivi giải trí, cách giải tỏa stress hữu hiệu nhất đối với tôi là điều trị và được nhìn thấy sự thay đổi tích cực của các bệnh nhân. Nhìn nụ cười rạng rỡ trở lại của họ là tôi tan biến hết buồn bã, sầu muộn.

Theo chị, phụ nữ hiện đại cần điều gì là quan trọng nhất để hạnh phúc, thành công?

Theo tôi, hạnh phúc và thành công được đo bằng sự vui vẻ tích cực mỗi ngày. Phụ nữ cũng cần có đam mê. Niềm đam mê giúp mình làm việc với sự hạnh phúc cả đời và đồng thời nó cũng tác động tích đến cuộc sống cá nhân.

Là một bác sĩ, với chị điều gì quan trọng nhất trong nghề Y?

Điều quan trọng nhất của một bác sĩ là tình yêu với nghề và cái tâm với bệnh nhân. Tôi không dám nhận mình là bàn tay vàng tay bạc đâu. Tôi chỉ là một bác sĩ bình thường, cố gắng nỗ lực từng ngày trong công việc, ngày ngày gặm nhấm hạnh phúc nhỏ bé của mình.

Xin cảm ơn chia sẻ của chị!