Nóng: Từ cuối năm 2019, khi bị chậm chuyến bay hoặc huỷ chuyến, hành khách có thể được bồi thường 170 triệu/ người

Gia Hiển, Theo Nhịp Sống Việt 15:20 14/09/2019

Thông tin từ dự thảo Nghị định mới của Bộ GTVT, trường hợp khách đi máy bay tử vong hoặc bị thương sẽ được bồi thường gần 4,1 tỷ đồng/ người, thiệt hại do chậm, huỷ chuyến bay là gần 170 triệu đồng/ người.

Một điều nghe vô lý nhưng lại là thực trạng thường thấy ở các sân bay Việt Nam: Được đi 1 chuyến bay đúng giờ, không delay hay huỷ chuyến với nhiều người còn mừng hơn trúng số. Thế nhưng, tình trạng này chắc chắn sẽ sớm được thay đổi, vì Bộ GTVT Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong khi vận chuyển bằng đường hàng không. Trong đó, các mức bồi thường mới được cho là đã tăng lên đáng kể so với trước đây.

Nóng: Từ cuối năm 2019, khi bị chậm chuyến bay hoặc huỷ chuyến, hành khách có thể được bồi thường 170 triệu/ người - Ảnh 1.

Tình cảnh đông đúc, xếp hàng chờ trực ở sân bay vì huỷ chuyến, delay chuyến sẽ sớm được cải thiện.

Theo thanhnien.vn, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là 128.821 SDR (đơn vị tính toán đặc biệt do IMF quy định) cho mỗi hành khách, tương đương với 4,07 tỷ đồng.

Trường hợp hành khách bị thiệt hại do chậm hủy chuyến bay, mức bồi thường tăng từ 4.150 SDR lên 5.346 SDR, tương đương với gần 170 triệu đồng/người.

Nóng: Từ cuối năm 2019, khi bị chậm chuyến bay hoặc huỷ chuyến, hành khách có thể được bồi thường 170 triệu/ người - Ảnh 2.

Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 1.288 SDR, tương đương 42 triệu đồng cho mỗi hành khách.

Nóng: Từ cuối năm 2019, khi bị chậm chuyến bay hoặc huỷ chuyến, hành khách có thể được bồi thường 170 triệu/ người - Ảnh 3.

Hành khách mất hành lý hay hư hỏng đồ ký gửi cũng có thể được bồi thường 42 triệu đồng.

Đối với trường hợp khách hàng có kê khai giá trị hành lý ký gửi tại địa điểm đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo đúng mức giá trị mà khách hàng đã kê khai. Tuy nhiên, điều khoản này sẽ không được áp dụng nếu như đơn vị vận chuyển hàng không chứng minh rằng giá trị kê khai của khách hàng lớn hơn giá trị thực tế.

Ngoài ra, khách hàng có thể nhận mức đền bù cao nhất là 720 nghìn đồng/khách nếu như hàng hóa của mình gửi bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng, vận chuyển chậm.

Nóng: Từ cuối năm 2019, khi bị chậm chuyến bay hoặc huỷ chuyến, hành khách có thể được bồi thường 170 triệu/ người - Ảnh 4.

Được biết, hiện tại các hãng hàng không đều đã mua bảo hiểm bắt buộc đối với các thiệt hại trong khi vận chuyển bằng đường hàng không, với mức cao hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới nhất mà tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đề xuất. Trong thường hợp Nghị định này được áp dụng vào thực tế thì nó không làm phát sinh thêm các chi phí của hãng hàng không.

Theo Vietnamnet, thông tin từ Bộ GTVT cho hay, sau khi lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ sẽ sớm trình lên Chính phủ để ban hành quy định với hiệu lực là ngày 28/12/2019.