Nỗi lòng giáo viên môn "phụ": "Muốn dạy thêm nhưng không ai học"

Hà Cường/VTC News, Theo VTC News 15:10 31/03/2023

Các giáo viên dạy môn "phụ" thấy chạnh lòng khi không được coi trọng, muốn dạy thêm để tăng thu nhập cũng khó, chỉ ngậm ngùi sống nhờ vào đồng lương ít ỏi.

"Ra đường, biết tôi làm giáo viên, nhiều người đon đả hỏi thăm, nhưng khi biết tôi dạy Công nghệ, đa phần mọi người đều nói chuyện nhạt dần, rồi bắt đầu ánh mắt dò xét, thậm chí xem thường", cô Lê Thị Mai Hoa (40 tuổi, giáo viên môn Công nghệ trường THCS ở Lương Sơn, Hòa Bình) buồn bã nói.

Ngay từ khi mới bước chân vào nghề giáo, cô phần nào cảm nhận được việc học sinh, phụ huynh coi trọng môn "chính" và xem nhẹ môn "phụ". Xã hội càng phát triển, việc thi cử ngày càng mạnh, trào lưu dạy thêm, học thêm tràn lan, ranh giới môn chính - phụ ngày càng lớn.

Một tuần thời khóa biểu dạy ở trường 24 tiết, tháng nào cô Hoa cũng phải đứng lớp gần trăm tiết, nhưng mức lương nhận được vỏn vẹn gần 8 triệu đồng (tính cả khoản tăng tiết, tăng giờ).

Nỗi lòng giáo viên môn phụ: Muốn dạy thêm nhưng không ai học - Ảnh 1.

Tiết học Mỹ thuật tại một trường THCS ở TP.HCM. (Ảnh minh hoạ: T.N)

Trong khi, một đồng nghiệp thân thiết của cô ở trường dạy Toán mới khoe mua ô tô. Mỗi tháng đồng nghiệp ấy thu nhập gần 40 triệu đồng nhờ tích cực dạy thêm các buổi tối tại nhà. "Nghe đồng nghiệp kể mà tôi chỉ biết cay đắng nhẩm tính, 2 tháng họ dạy thêm bằng tôi thu nhập cả năm. Cùng là phận giáo viên, sao môn 'phụ' hẩm hiu đến thế", cô Hoa nói.

Nhiều khi đùa với đồng nghiệp chia sẻ bí quyết làm giàu bằng nghề giáo, song có hôm cô Hoa nhận lại câu nói dù vô tình nhưng khiến cô chạnh lòng: "Chừng nào học sinh thi vào cấp 3 bằng môn Công nghệ thì mới có nhiều học sinh đi học".

Không biết từ bao giờ hệ thống giáo dục lại phân biệt "chính" - "phụ". Có người nói do ngày xưa không đỗ môn chính nên cô mới phải vào môn "phụ" dạy, nhưng thực tế đó là sở thích của mỗi người về môn học. "Chắc những người chọn học, chọn dạy môn 'phụ' này không biết được thực tế bạc bẽo tới vậy", cô Hoa nói.

Nghề giáo viên không như ngành nghề khác, không có khoản nào khác ngoài tiền lương. Giáo viên môn chính còn dạy tăng tiết, dạy thêm ở nhà, thêm thu nhập. Lương giáo viên môn chính tệ nhất cũng gấp hai, gấp ba thậm chí gấp vài chục lần giáo viên môn "phụ".

Cô Đinh Thị Thu Dung (39 tuổi, Long Biên, Hà Nội), giáo viên một trường THCS chia sẻ, nhiều người nói giáo viên dạy môn "phụ" sẽ có thời gian đi làm thêm việc khác ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, thời khóa biểu sáng, chiều lộn xộn, muốn làm thêm cũng không thể.

Năm học này, cô Dung được phân công dạy Giáo dục công dân khối lớp 8, 9. Một tuần cô có 19 tiết dạy, đa phần sáng 2 tiết, chiều 2 tiết. Ngoài thời gian dạy, cô cũng phải soạn giáo án, chấm bài, làm điểm, hồ sơ, sổ sách, cô "sợ" ngại nhất thi đua giáo viên giỏi, sáng kiến sư phạm - một năm mất rất nhiều thời gian làm việc này.

Tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Sư phạm Hà Nội cộng với 15 năm thâm niên, lương cô Dung nhận gần 6 triệu đồng/tháng. "Khi chồng hỏi về lương tôi đều nói dối rằng lương căn bản là vậy nhưng trường có tạo việc làm thêm nên cũng được kha khá. Nếu biết lương tôi không đủ tiền quần áo, ăn sáng cho hai đứa con thì chắc chắn chồng đã bắt ở nhà chăm lo gia đình", nữ giáo viên nói.

Việc phân biệt môn "chính - phụ" xảy ra ngay trong suy nghĩ của giáo viên. Nhiều người nêu phản ánh thực trạng ở các trường giáo viên môn "chính" luôn có tiếng nói hơn trong cuộc họp. Họ có thể từ chối trực, từ chối tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi, các lần tập huấn, còn giáo viên môn "phụ" thì không thể chối.

Hay mỗi lần cuối năm học, các giáo viên môn "phụ" rơi vào tình cảnh xin điểm. Giáo viên chủ nhiệm lớp từng nói với cô Dung "môn này dễ, cô giúp cho điểm cao cao để vớt mấy môn khác". Nếu không đồng ý thì cô Dung sẽ bị trách móc, mà sửa điểm cho thì cô không cam lòng

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhìn nhận, chừng nào việc thi cử đầu cấp chưa thay đổi thì vấn đề dạy thêm và môn chính, phụ chưa thay đổi. Sở GD&ĐT yêu cầu học sinh thi vào lớp 10 bằng 3 môn Toán, Văn, Anh thì buộc phụ huynh nảy sinh tâm lý "ưu tiên cho con đi học 3 môn này mới đỗ vào lớp 10". Nguồn cơn môn "chính", môn "phụ" cũng từ đó mà ra và ngày càng cắm sâu vào tư duy phụ huynh, xã hội việc "thi cái gì thì học cái đó".

Như vậy, lý do để tồn tại của dạy thêm, học thêm là nền giáo dục nặng về lý thuyết, áp lực kiểm tra, thi cử và tâm lý bằng cấp, hơn thua của phụ huynh. Giáo dục chưa dựa trên nền tảng học thật, thi thật và chất lượng thật mà chạy theo thành tích ảo, xếp loại học sinh giỏi ngày càng tăng, đỗ tốt nghiệp 100%, đỗ đại học 100%, bất chấp tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong xã hội.