Nỗi đau ám ảnh phía sau kiệt tác "Mộ đom đóm": Một nước Nhật bao phủ dưới bóng đêm chiến tranh trong con mắt của những đứa trẻ

Phạm Trang, Theo thanhnienviet.vn 00:04 25/09/2024
Chia sẻ

Bộ phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng "Mộ đom đóm" đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả khi kể về câu chuyện hậu thế chiến II của hai anh em Seita và Setsuko.

Những nỗi đau thật đầy ám ảnh

Với bất cứ ai yêu thích những bộ phim hoạt hình Nhật Bản thì chắc chắn không thể không biết tới "Mộ đom đóm" (tên tiếng Anh: Grave of the Fireflies) - bộ phim hoạt hình kinh điển do Studio Ghibli sản xuất.

Bối cảnh trong phim kể lại câu chuyện của hai anh em là Seita và Setsuko - những đứa trẻ đã chết vì đói và bệnh tật trong thời kỳ hậu thế chiến thứ II, khi nước Nhật sống trong sự đen tối, bi thảm của chiến tranh. Dù hoạt hình thường được nhắc đến như một thể loại dành cho trẻ em nhưng chủ đề của bộ phim này hoàn toàn không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ.

Tác phẩm tưởng chừng hư cấu do nội dung mạch truyện vô cùng hấp dẫn nhưng ít ai biết, một phần trong đó xuất phát từ chính cuộc đời thật của nhà văn Akiyuki Nosaka - người viết nên kiệt tác này.

Nỗi đau ám ảnh phía sau kiệt tác "Mộ đom đóm": Một nước Nhật bao phủ dưới bóng đêm chiến tranh trong con mắt của những đứa trẻ- Ảnh 1.

Trước khi qua đời vào năm 2015, Akiyuki Nosaka đã đạt được thành công lớn với cuốn sách mang tựa đề "Mộ đom đóm" khoảng 21 năm trước khi Studio Ghibli phát hành phiên bản hoạt hình của nó. Tác phẩm này đã giúp ông đạt được giải thưởng Naoki, giải thưởng vinh danh những tài năng mới trong nền văn học Nhật Bản.

Cuốn sách viết về những cuộc sống của người dân Nhật Bản bình thường hậu thế chiến II và cũng chính là đau thương mà cố nhà văn đã trải qua thười niên thiếu. Giống như cậu bé Seita - nhân vật chính trong "Mộ đom đóm" nhà văn Nosaka đã từng có một cô em gái.

Mẹ của nhà văn Nosaka đã qua đời sau khi sinh cô bé, cha của ông cũng hoàn toàn cắt đứt liên lạc với 3 mẹ con. Dù được dì nhận nuôi nhưng sau đó bà cũng bị thương nặng do bom đạn chiến tranh. Cha nuôi của ông cũng chết vì nguyên nhân ấy.

Nỗi đau ám ảnh phía sau kiệt tác "Mộ đom đóm": Một nước Nhật bao phủ dưới bóng đêm chiến tranh trong con mắt của những đứa trẻ- Ảnh 2.

Vậy nhưng, cái chết khiến nhà văn ám ảnh nhất có lẽ là của chính em gái mình. Cô bé đã chẳng thể sống quá 16 tháng tuổi vì đói. Nhà văn Nosaka vẫn luôn tự trách bản thân vì cái chết ấy cho dù câu chuyện đã trôi qua nhiều thập kỷ.

Trong phim, nhân vật Seita đã đối xử vô cùng tốt với em gái mình, "nhưng điều này không đúng thực tế" - ít nhất là với nhà văn Nosaka.

Ở tuổi 14, ông không biết làm thế nào để chăm sóc cho một em bé sơ sinh, ông cảm thấy mình đã ăn những thứ bản thân có thể chia cho em gái, ông không biết làm thế nào để em ngừng khóc... Những dằn vặt ấy cứ mãi theo nhà văn cho đến cuối đời và ông quyết định viết nên một phiên bản "lý tưởng hoá" cho các sự kiện, khi Seita đã hết lòng chăm sóc cho em gái mình.

Nỗi đau ám ảnh phía sau kiệt tác "Mộ đom đóm": Một nước Nhật bao phủ dưới bóng đêm chiến tranh trong con mắt của những đứa trẻ- Ảnh 3.

"Mộ đom đóm" như một lời xin lỗi, một cách nhà văn Nosaka yêu thương người em gái cũng là một con đường dẫn đến nỗi đau của người anh đã vật lộn để cố gắng sống sót trong chiến tranh.

Trên thực tế, câu chuyện của anh em nhà văn Nosaka hay cũng chính là anh em Seita và Setsuko trong "Mộ đom đóm" cũng chính là câu chuyện của nhiều trẻ em Nhật Bản vào thời điểm ấy. Một trong những bức ảnh nổi tiếng Nhật phản ảnh cuộc sống khổ cực của trẻ em giai đoạn này được chụp bởi nhiếp ảnh gia Joe O'Donnell tại thành phố Nagasaki, Nhật Bản.

Nỗi đau ám ảnh phía sau kiệt tác "Mộ đom đóm": Một nước Nhật bao phủ dưới bóng đêm chiến tranh trong con mắt của những đứa trẻ- Ảnh 4.

Nỗi đau của những đứa trẻ Nhật Bản trong chiến tranh.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hai đứa trẻ; một đứa lớn đang cõng đứa bé trên vai. Đau lòng thay, đứa em nhỏ trên vai đã qua đời và chuẩn bị lên giàn hỏa thiêu. Đứa lớn đứng im, tay xuôi xuống quần và mím chặt môi, ngẩng cao đầu, không dám bật khóc.

Trong trí nhớ của Joe O'Donnell vẫn luôn in hằn hình ảnh cậu bé ấy:

"Em không có giày với khuôn mặt đầy căng thẳng, còn đứa nhỏ trên vai em dường như đang ngủ rất sâu. Cậu bé cứ đứng đó chừng 5 hay 10 phút.

Một lúc sau, người đàn ông đeo khẩu trang trắng tiến về phía em, cởi dây và đỡ lấy đứa bé. Đó là lúc tôi nhận ra em đã chết. Người đàn ông giữ lấy đứa nhỏ và đặt trên giàn hỏa thiêu. Người anh cứ đứng đó, trân trân nhìn ngọn lửa đang cháy. Nó cắn môi dưới của mình thật đến nỗi tôi thấy máu tóe ra ngoài.

Khi ngọn lửa cháy rụi, cậu bé quay đầu lại và bỏ đi trong im lặng".

Từng từ chối nhiều lời mời chuyển thể thành phim

Sau khi cuốn sách được xuất bản vào tháng 10 năm 1967, Nosaka đã nhận được nhiều lời đề nghị chuyển thể tiểu thuyết thành phim nhưng ông vẫn không đồng ý bởi ông tin rằng sẽ không nhà sản xuất nào có thể tái hiện được một bộ phim trong thời chiến tranh dưới góc nhìn của trẻ em một cách thuyết phục.

Tuy nhiên, khi được Studio Ghibli đề nghị chuyển thể thành phim hoạt hình, ông đã rất ngạc nhiên và thích thú. Sau khi xem bảng phân cảnh cho bộ phim của đạo diễn, nhà biên kịch cũng là người đồng sáng lập Studio Ghibli - Isao Takahata, Nosaka kết luận rằng đây là cách duy nhất có thể đưa câu chuyện của mình lên màn ảnh .

Đến năm 1988, "Mộ đom đóm" được Studio Ghibli sản xuất với thể loại phim hoạt hình.

Mở đầu phim là cảnh tượng một cậu bé đau đớn trong một ga xe lửa và chết dần vì suy dinh dưỡng. Sau khi cậu bé qua đời, linh hồn cậu đã được đoàn tụ với em gái và cùng nhau dần ôn lại những sự kiện dẫn đến cái chết của họ.

Dù khởi đầu bi thảm nhưng thực chất Takahata làm vậy để giảm bớt nỗi đau của khán giả bằng cách tiết lộ mọi thứ ngay từ đầu. Nhờ việc biết được số phận của các nhân vật, khán giả không còn phải lo lắng hay kỳ vọng vào một bước ngoặt trong cốt truyện và sự mong đợi về thời điểm mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Nỗi đau ám ảnh phía sau kiệt tác "Mộ đom đóm": Một nước Nhật bao phủ dưới bóng đêm chiến tranh trong con mắt của những đứa trẻ- Ảnh 5.

"Mộ đom đóm" có thể được phân loại là một bộ phim phản chiến nhưng bản thân Isao Takahata đã nhiều lần phủ nhận điều này. Đơn giản bởi ông không tin tác phẩm của mình có thể ngăn cản một cuộc chiến tranh xảy ra nhưng ông vẫn tạo ra "Mộ đom đóm" như một lời nhắn gửi để bất cứ ai xem qua tác phẩm cũng cần suy ngẫm về tầm quan trọng của việc duy trì một thế giời hoà bình cũng như việc con người cần nương tựa vào nhau thế nào để tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.

Dù "Mộ đom đóm" có thể không ấm áp hay hấp dẫn với những nhân vật siêu thực như các tác phẩm khác của Studio Ghibli nhưng chắc chắn đây là bộ phim để lại cho người xem một thông điệp mạnh mẽ, vang vọng trong ký ức mỗi người xem sau 36 năm phát hành.ư

Nguồn: esquiremag, collider

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày