Trong ngành công nghiệp thời trang xa xỉ đa phần được dẫn dắt bởi nam giới, không thể phủ nhận vai trò và sức ảnh hưởng của những nhà sáng tạo nữ tài năng đằng sau những nhãn hiệu danh tiếng. Từ Prada đến Chanel, những người phụ nữ này không chỉ định hình các xu hướng mà còn là biểu tượng trong lịch sử thời trang hiện đại.
Sau khi NTK Karl Lagerfeld qua đời vào năm 2019, Virgine Viard là người được chỉ định để kế nhiệm vị trí Giám đốc sáng tạo của Chanel, chịu trách nhiệm thiết kế BST ready-to-wear, Haute Couture và trang sức. Đáng chú ý, Virginie Viard là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Nhà Hoa Trà kể từ người sáng lập hãng, Gabrielle Chanel.
Virginie Viard sinh năm 1962 và lớn lên ở Lyon, Pháp. Đam mê thời trang trong tâm trí NTK được khởi nguồn từ ông bà cô, những người sản xuất lụa. Virginie học Thiết kế Sân khấu tại Cours Georges. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình với vị trí trợ lý cho nhà thiết kế phục trang Dominique Borg.
Virginie bắt đầu làm việc tại thương hiệu nước Pháp vào năm 1987 với tư cách là một thực tập sinh trong đội thêu. Năm 1992, bà theo Karl Lagerfeld sang làm việc tại Chloé, trước khi trở lại Chanel làm việc trong bộ phận Haute Couture. Năm 2000, bà được bổ nhiệm làm giám đốc chế tạo dòng thời trang cao cấp và bắt tay thực hiện các BST ready-to-wear của thương hiệu nước Pháp này.
Trong suốt 32 năm làm việc dưới trướng NTK Karl Lagerfeld, Virginie được nhiều người biết đến như là "cánh tay phải" đắc lực, học trò và tri kỉ của cố NTK.
Trong số những người phụ nữ hiếm hoi đứng đầu những nhà mốt xa xỉ, không ai có thể nổi tiếng bằng Miuccia Prada, người đã dẫn dắt công ty gia đình kể từ năm 1978.
Chân dung Miuccia Prada
Là cháu gái út của Mario Prada, Miuccia đã biến doanh nghiệp gia đình từ một cửa hàng đồ da khiêm tốn thành một đế chế thời trang. Năm 1988, Miuccia đã cho ra mắt bộ sưu tập thời trang nữ ready-to-wear đầu tiên của Prada, trước khi phát hành dòng thời trang của riêng mình, Miu Miu, vào năm 1992.
Năm 1995, Miuccia debut dòng thời trang nam của Prada. Vào năm 2020, NTK Raf Simons đã được bổ nhiệm vị trí đồng giám đốc sáng tạo tại Prada, cùng với Miuccia đưa ra các quyết định quan trọng trong việc cho ra mắt các BST của nhà mốt nước Ý.
Miuccia Prada và Raf Simons là "cặp bài trùng" quyền lực của ngành thời trang đương đại
Xuyên suốt những năm tháng điều hành Prada, Miuccia Prada đã biến thương hiệu gia đình thành một trong những nhà mốt hàng đầu thế giới. Prada hiện là thương hiệu chủ đạo của Prada Group. Miuccia Prada đã nhận được nhiều giải thưởng cho công việc của mình, bao gồm Giải thưởng Nhà thiết kế Quốc tế của CFDA vào năm 2004 và Nhà thiết kế của Năm của British Fashion Awards vào năm 2013.
Tính đến năm 2017, bà được Forbes liệt kê là người phụ nữ quyền lực thứ 79 thế giới và nhận Giải Thành tựu Xuất sắc tại The Fashion Awards 2018 của Hội đồng Thời trang Anh.
Trước khi được bổ nhiệm làm nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của Dior, Maria đã có 17 năm làm việc tại Valentino, trong đó có 8 năm nắm quyền lãnh đạo sáng tạo của thương hiệu cùng với Pierpaolo Piccioli. Bộ đôi đã tái thiết lập được danh tiếng của Valentino trong làng thời trang, phát triển thương hiệu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2015.
Chân dung Maria Grazia Chiuri
Vào tháng 7 năm 2016, gần chín tháng sau khi Raf Simons từ chức giám đốc sáng tạo của Dior, Maria Grazia Chiuri được công bố là người kế nhiệm ông. Nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên trong lịch sử thương hiệu đã trình diễn bộ sưu tập đầu tay của mình tại Tuần lễ thời trang Paris vào tháng 9/2016.
Maria Grazia Chiuri là người đã "hồi sinh" mẫu túi Saddle của Dior và tạo được tiếng vang trong giới thời trang. Nữ nhà thiết kế đã có công lớn trong việc thương mại hoá Dior, sử dụng thời trang như một công cụ để truyền tải các thông điệp về nữ quyền, từ đó đưa nhà mốt trở nên gần gũi hơn với thế hệ khách hàng trẻ. Vào tháng 7 năm 2019, Maria Grazia Chiuri được trao tặng Légion d'honneur (Bắc Đẩu Bội tinh), huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp.
Trong thập kỷ 2000, Mary-Kate và Ashley Olsen - cặp sinh đôi nổi tiếng ngang hàng với IT-Girls như Hilary Duff và Lindsay Lohan - đã bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ bé. Sở hữu khối tài sản kếch xù, họ không chọn nghỉ hưu sớm mà mạo hiểm bước vào lĩnh vực thời trang bằng việc thành lập thương hiệu của riêng mình vào năm 2006 - một quyết định thầm lặng, góp phần điều chuyển dòng chảy của thời trang xa xỉ sau này.
Chân dung bộ đôi NTK Mary-Kate và Ashley Olsen
Ban đầu, mục tiêu của chị em Olsen khá đơn giản: tạo ra chiếc áo phông hoàn hảo với giá $195, một ý tưởng có vẻ điên rồ vào năm 2006 trong thị trường chưa biết đến "quiet luxury". Từ nhỏ, họ đã tự điều chỉnh quần áo, từ items bình dân đến xa xỉ, học về cấu trúc và chất liệu. Họ hiểu rằng thời trang đích thực là sự thoải mái khi mặc.
Với thương hiệu The Row, họ muốn mang đến sự mới mẻ, chất lượng, và khiêm nhường. Đặt tên theo Savile Row, nơi sản xuất đồ may đo tuyệt hảo, The Row có các show diễn nhỏ gọn, giới thiệu đến khán giả chọn lọc thay vì phủ sóng rộng lớn trên mạng xã hội.
Mặc dù ít tạo sự chú ý trên mạng xã hội, với các show diễn exclusive và bảng màu không thay đổi nhiều qua các mùa, The Row vẫn luôn là tâm điểm chú ý và thành công trong làng mốt
Nhờ vào sự khắt khe đến mức khắc nghiệt với sản phẩm của mình, bộ đôi NTK Olsen đã tạo ra một thương hiệu có thể được gói vào trong các tính từ: chân thành (honest) - tự nhiên (effortless) - vượt thời gian (timeless). Bằng sự tập trung vào chất lượng, Mary-Kate và Ashley Olsen đã xây dựng được một thương hiệu là một trong những cái tên bán chạy nhất tại Barneys New York, thậm chí hơn cả Gucci hay Prada.