Những lý do khiến bạn muốn đặt lịch ra rạp cùng cả nhà xem “Bố Già” bản điện ảnh

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 10/03/2021

Không chỉ là phiên bản thừa hưởng tinh thần của "Bố Già" được đặt trong một câu chuyện khác với hình ảnh ông bố hoàn toàn khác... "Bố Già" bản điện ảnh còn tạo được dấu ấn đặc trưng cho riêng mình bằng chất tình, chất đời, chất hài chạm đến trái tim của người xem khiến ai cũng thấy thấp thoáng chính hình ảnh gia đình mình trong đấy.

Những lý do khiến bạn muốn đặt lịch ra rạp cùng cả nhà xem “Bố Già” bản điện ảnh - Ảnh 1.

"Bố Già" bản điện ảnh sở hữu cốt truyện tương đối đơn giản, dễ theo dõi, dễ thấm. Nhưng không phải vì vậy, dự án đánh dấu sự kết hợp của Trấn Thành và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trở nên dễ đoán. Với cách xây dựng câu chuyện khéo léo khi kể về những góc khuất của các gia đình nhỏ nằm trong đại gia đình lớn Giàu (NSND Ngọc Giàu) - Sang (Trấn Thành) - Phú (Hoàng Mèo) - Quý (La Thành), "Bố Già" bản điện ảnh mang đến những bản giao hưởng cảm động về tình thân, tình người và tình anh em.

Những lý do khiến bạn muốn đặt lịch ra rạp cùng cả nhà xem “Bố Già” bản điện ảnh - Ảnh 2.

Để rồi, sau những lời nói vô tình làm tổn thương nhau, sau những thăng trầm, những hiểu lầm của anh - em, bố - con, "Bố Già" bản điện ảnh khiến người xem phải đau đáu với thông điệp rằng: dẫu có những khoảng cách thế hệ, có những tình thương không thể bày tỏ rõ cho nhau, nhưng đã là người một nhà thì đều đặt sự yêu thương lên đầu tiên.

"Bố Già" bản điện ảnh: Nhiều hơn hai chữ "Trấn Thành"

Ngay từ thời điểm công bố, không ít người cho rằng "Bố Già" bản điện ảnh sẽ trở thành "sàn độc diễn" của một mình cái tên Trấn Thành. Bởi, hơn hết, không chỉ là một nhân vật thu hút truyền thông, Trấn Thành còn là một trong những cái tên "bảo chứng phòng vé".

Thế nhưng, gần 100 phút xuyên suốt, màn "lột xác" đầy bất ngờ của Tuấn Trần với những phân đoạn gây ám ảnh từ ánh mắt đến lời thoại thể hiện rõ một đứa con trai luôn cố tìm kiếm sợi dây liên kết với bố mình; cùng dàn diễn viên gạo cội với NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Hoàng Mèo, Lan Phương, La Thành… đã thực sự thay đổi hoàn toàn nhận định ban đầu của khán giả.

Những lý do khiến bạn muốn đặt lịch ra rạp cùng cả nhà xem “Bố Già” bản điện ảnh - Ảnh 3.

Đó không còn là "phim của Trấn Thành", "Bố Già" bản điện ảnh là một câu chuyện đẹp, một bộ phim tròn trịa với sự cộng hưởng rõ ràng của mỗi một nhân vật. Trong đó, không ai là thiếu đất để trình diễn khả năng diễn xuất của mình. Trong đó, từ bộ đôi "nít ranh" của xóm lao động Bù Tọt (bé Ngân Chi) - Cu Tủn (bé Bảo Phúc) đến những người hàng xóm rắc rối như ba má cu Tủn (Lê Trang - A Quay), thím Ánh (Lan Phương), Cẩm Lệ (Lê Giang) đến những nhân vật gây bất ngờ như: Minh Tú, Trúc Nhân, Quang Trung… mỗi người trở thành mảnh ghép để "Bố Già" được khắc họa một cách chân thật nhất trong trái tim người xem về câu chuyện của gia đình, của anh em, của tình yêu và của tình làng nghĩa xóm.

Khác hoàn toàn với phiên bản web drama

"Không nhất thiết lúc nào sự thay đổi cũng là tuyệt vời. Có những điều tốt đẹp nên được duy trì. Khi 2 chữ "Bố Già" đã trở thành một điều thân thương thì tại sao mình không tiếp tục mang đến cho người xem điều tốt đẹp mới dựa trên sự quen thuộc?" - Trấn Thành thẳng thắn khi nói về việc liệu anh có e ngại khi nhiều người cho rằng "Bố Già" bản điện ảnh ăn theo sự thành công của web-drama.

Và không khiến mọi người thất vọng, "Bố Già" bản điện ảnh mang đến những cú rung chạm cảm xúc hoàn toàn khác. Không chỉ là kể về một câu chuyện mới, ông bố với những đứa con mới, "Bố Già" bản điện ảnh lựa chọn cách đi thẳng và thật khi khai thác sâu vào những mâu thuẫn, xung đột, hiểu lầm, tổn thương và cách biệt thế hệ trong gia đình. Nhờ đó, sự trân trọng và yêu thương bật lên rực rỡ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nói như vậy, không đồng nghĩa các fan đã dành sự yêu mến cho "Bố Già" ở phiên bản web-drama sẽ không tìm thấy sự gần gũi nào. Theo đó, "Bố Già" bản điện ảnh thừa hưởng tinh hoa và tinh thần của phiên bản web-drama với hình ảnh người bố nhân hậu, giàu đức hy sinh và luôn thầm lặng quan tâm gia đình đến mức "bị gán" cho cái nhận định: phiền phức, cố chấp và bao đồng. Một hình ảnh người bố "gà trống nuôi con" nhưng lại có thể tìm thấy trong bất kì gia đình Việt nào.

Âm nhạc "chạm ngách" những trái tim

Đề cao cảm xúc và sự chân thành, "Bố Già" bản điện ảnh không chỉ là một bộ phim khiến khán giả mong đợi bởi dàn diễn viên thực lực mà còn là "cú bắt tay" của những con người làm nên cảm xúc. Đó là Trấn Thành - người sáng tạo ra những mạch cảm xúc. Đó là đạo diễn Vũ Ngọc Đãng – người thành thạo trong kể chuyện cảm xúc. Đó là D.O.P Diệp Thế Vinh - người thi hóa cảm xúc bằng hình ảnh. Và Phan Mạnh Quỳnh - người truyền tải cảm xúc thành giai điệu.

Và đúng với những gì đã mong đợi, âm nhạc trong "Bố Già" bản điện ảnh được lựa chọn, đặt để đầy tinh tế và thông minh để dẫn dắt người xem. Đặc biệt, cách chọn "điểm thả" giai điệu trong từng phân cảnh để cho thấy rõ: âm nhạc trong "Bố Già" không chỉ đơn giản là một bản OST làm nền, mà đó là sự khẳng định mạnh mẽ vai trong của âm nhạc trong phim khi xuất hiện để làm dày thêm và thăng hoa cảm xúc cho người xem.

Những lý do khiến bạn muốn đặt lịch ra rạp cùng cả nhà xem “Bố Già” bản điện ảnh - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, giọng hát ấm áp của Ali Hoàng Dương trong "Cha Già Rồi Đúng Không?" hay những câu hát đậm tâm tư và suy nghĩ trong "Sao Cha Không Nói" của Phan Mạnh Quỳnh cũng thực hiện tròn trịa nhiệm vụ của mình để mang lại những trải nghiệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong lòng khán giả.

Bố già phiên bản điện ảnh đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày