Hòn đảo nổi tiếng nhất Hà Nội có lẽ là đảo Rùa (hay còn gọi là gò Rùa) với ngọn tháp cùng tên. Đây là một hòn đảo nhỏ, nằm giữa hồ Gươm, trái tim của Thủ đô Hà Nội. Tháp Rùa được ông Nguyễn Ngọc Kim xây dựng năm 1886 (Ảnh: Thúy Hà)
Bên cạnh đảo có tháp Rùa nổi tiếng thì hồ Hoàn Kiếm còn có đảo Ngọc, nằm ở phía bắc hồ, nơi đặt đền Ngọc Sơn và được nối với đất liền bởi cầu Thê Húc huyền thoại (Ảnh: Phạm Thanh Bình)
Đảo Ngọc tọa lạc giữa hồ Hoàn Kiếm vừa là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vừa là di tích lịch sử khi có đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Xung quanh đền bao gồm nhiều kiến trúc cổ kính, mang ý nghĩa văn hóa lâu đời, như: cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, đình Trấn Ba
Với vị trí đắc địa ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, khu vực đảo Ngọc nói riêng và hồ Hoàn Kiếm nói chung luôn đông đúc. Mỗi ngày đều có hàng nghìn người dân và du khách tới đây đi dạo, tham quan
Là một trong những công trình xanh lớn nhất Hà Nội, công viên Thống Nhất có diện tích lên tới 50 ha với 2 đảo nổi Thống Nhất và Hòa Bình, cùng nằm trên Hồ Bảy Mẫu rộng 25 ha. Kể từ khi được khánh thành từ năm 1961 cho tới nay, công viên luôn là lựa chọn lý tưởng để người dân tới thư giãn, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao (Ảnh: Chu Văn Quân)
Đảo Thống Nhất có diện tích trên 6.000 m2, nổi bật với hàng cây xanh, vườn hoa bốn mùa và tác phẩm điêu khắc “Bác Hồ - Bác Tôn” mang tính biểu tượng. Năm 2010, tượng đài này do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM gửi tặng nhân dân Thủ đô nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Tiếp đó, đảo nổi Hòa Bình cũng là điểm nhấn thú vị trên hồ Bảy Mẫu. Nơi này từng có tên gọi đảo Cò vì thường xuất hiện đàn cò bay về tụ tập, uống nước. Tiếc là theo thời gian, sự phát triển của đô thị đã khiến hình ảnh xưa thay đổi, lâu dần không còn đàn cò ở trên đảo nữa
Một nhóm phụ nữ trung niên rủ nhau tới đảo Hòa Bình hàng tuần để tập nhảy. Bà Nguyễn Thị Hoa, cư dân sống lâu năm gần công viên Thống Nhất cho biết: "Ở đây có khu vườn râm mát quanh năm, thuận lợi cho người dân tập thể dục. Còn cơ sở hạ tầng đang dần xuống cấp. Tôi hy vọng khu vực đảo nổi sẽ được cải tạo tốt hơn trong thời gian tới"
Đảo Kim Ngưu nằm trên hồ Tây, gần đường Thanh Niên có chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ nhất Thủ đô. Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng. Khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời đến vị trí hiện nay
Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa. Ngày nay, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch
Tương tự, hồ Thủ Lệ cũng có đảo nổi hình giọt nước trong tổng diện tích rộng 6 ha. Khu vực này về sau được người dân đặt biệt danh "đảo Khỉ", là nơi đặt vườn thú Hà Nội và thờ thần Linh Lang ở đền Voi Phục. Sau năm 1975, vườn thú Hà Nội được xây dựng trên địa hình rộng 29 ha, bao bọc bởi hồ nước trong trẻo và hàng cây xanh mát. Trải qua thời gian, vườn thú nằm trên đảo nổi Hồ Thủ Lệ đã trở thành điểm đến vui chơi quen thuộc cho thiếu nhi thành phố
Tại đây chia thành nhiều khu bảo tồn động vật, gồm 600 cá thể, 5 loài bò sát lưỡng cư, 40 loài cá nước mặn, 35 loài thú, 50 loài chim,… Ngoài ra còn hơn 40 loài quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam, như: hổ Đông Dương, báo lửa, báo hoa mai, báo gấm...
Bên cạnh không gian cây xanh thoáng đãng thì công viên Bách Thảo còn có đảo nổi nằm trên hồ Vị Danh. Kể từ khi được người Pháp xây dựng vào năm 1890 cho tới nay, cái tên Bách Thảo luôn là "lá phổi xanh" quen thuộc nhất của Hà Nội, sở hữu nhiều loại cây quý hiếm trên tổng diện tích 10 ha
Đảo nổi Bách Thảo nổi tiếng với hàng cây cọ và 5 ngôi nhà nuôi chim bồ câu, kết nối với đất liền nhờ cây cầu nhỏ rộng khoảng 0,5m. Hiện tại, ban quản lý công viên đang tạm thời khóa cầu vì sàn gỗ mục, ẩm. Người đến tham quan chỉ có thể ngắm nhìn đảo nổi từ xa