Tối 7/5, cư dân mạng vừa chia sẻ với nhau hình ảnh một chiếc thùng chứa đầy tiền lẻ được dán bên ngoài dòng chữ: "Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ". Ý nói rằng khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thì bất kỳ ai cũng có thể đến lấy tối đa 3 tờ (mệnh giá 5.000 đồng) trong thùng tiền.
Thùng tiền nhân đạo được chia sẻ trên mạng xã hội trong những ngày qua.
Trên FB T.T, anh chia sẻ lại bức ảnh này và viết: "Hành động này quá đẹp vì nó thể hiện sống động, thực tế và thuyết phục một điều: gần chục triệu người Sài Gòn, cả dân gốc ở đây và cả dân nhập cư còn tin nhau, còn rưng rưng xúc động khi nghĩ đến chuyện thương nhau. Thế nên cái thùng vẫn còn ở đó để lan tỏa yêu thương".
Để tìm hiểu nhiều hơn về câu chuyện phía sau thùng tiền này, chúng tôi đã đến đường Tô Hiến Thành, quận 10 vào sáng 8/5 và ghi nhận được khá nhiều thông tin khác nhau.
Thời điểm chúng tôi đến nơi thì không thấy thùng tiền như hình ảnh trên FB trước đó. Khi hỏi những người buôn bán xung quanh và bảo vệ của phòng khám nơi đặt vị trí thùng tiền thì họ cho biết thùng tiền đã ngưng hoạt động từ 1 tuần trước.
Sáng 8/5, thùng tiền không xuất hiện như hình ảnh trên MXH. Ảnh: FB.
Cô Nhàn (58 tuổi) bán nước gần vị trí đặt thùng tiền chia sẻ: "Ban đầu đặt thùng tiền ra thì lâu lâu có 1 vài người đến lấy tiền, những người đó thật sự là khó khăn nên số tiền đó giúp cho họ rất nhiều. Nhưng khoảng 10 ngày sau thì có nhiều tốp thanh niên kéo nhau đến đông lắm, một ngày đến lấy 4-5 lần. Bảo vệ nói là tiền này để dành giúp đỡ cho người nghèo thì họ không nghe. Sau này mấy thanh niên đó còn đem cả bịch nilon tới để hốt tiền trong thùng, bảo vệ tới can thì bị doạ đánh. Thế là chiếc thùng đã ngưng hoạt động suốt 1 tuần".
Cô Nhàn khẳng định thùng tiền biến mất suốt 1 tuần trước.
Trong sáng ngày 8/5, chị Lê Ngọc Diệp - đại diện truyền thông của phòng khám (chủ sở hữu của chiếc thùng) có xác nhận là chiếc thùng đã ngưng hoạt động vì có nhiều người đến lấy tiền nhiều lần, chị cho biết sẽ mang thùng tiền trở lại vào tuần sau, khi có bảo vệ canh chừng kỹ càng.
Tuy nhiên vào đầu giờ chiều cùng ngày, khi hình ảnh chiếc thùng tiếp tục được chia sẻ trên FB và có nhiều phóng viên báo đài đến trước phòng khám ghi nhận chiếc thùng thì chủ phòng khám đã cho đặt thùng tiền này trở lại.
Liên hệ lại với chị Lê Ngọc Diệp thì lúc này, chị Diệp lại cho biết lý do cất thùng tiền không phải do nhiều người đến lấy mà do... trời mưa.
Chiếc thùng "tái sinh" lại trong 1 ngày, sau khi bất ngờ nổi tiếng khắp mạng xã hội.
"Vì mấy ngày qua Sài Gòn thường xuyên mưa nên chúng tôi không đem thùng ra. Hôm nay thấy trời nắng nên chúng tôi đưa thùng ra trở lại. Thùng tiền nhân ái là một hoạt động nhỏ trong chuỗi các hoạt động từ thiện hàng tháng của phòng khám. Mỗi tháng chúng tôi chi ra từ 15- 20 triệu để làm các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ cho trẻ em và người già. Trước đây chúng tôi còn có hoạt động khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở trước phòng khám, nhưng do nắng quá nên tạm ngưng".
Khi được hỏi vì sao lại chọn số lượng 3 tờ tiền cho mỗi người, chị Diệp cho biết mệnh giá trong thùng tiền là 5.000 đồng, 3 tờ là được 15.000 đồng đủ để mua 1 suất ăn bình dân. "Thay vì mua cơm đem đến bệnh viện cho người nghèo, thì chúng tôi hỗ trợ tiền để họ có thể mua" - chị Diệp tâm sự.
Bên cạnh những lời khen về nghĩa cử này thì cũng có những người phát hiện rằng chủ phòng khám của thùng tiền nhân ái gặp phải rất nhiều câu chuyện lùm xùm xung quanh việc phòng khám từng có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề, hai lần bị thanh tra Sở Y tế xử phạt tổng cộng 248 triệu đồng và bị bệnh nhân phản ánh "vẽ bệnh", "làm giá". Cùng với đó, vào ngày 9/11/2017, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra phòng khám và yêu cầu nơi này tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh cho đến khi có đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Trên FB, hàng trăm người chia sẻ lại những bài báo về phòng khám này với tựa đề "Đằng sau thùng tiền từ thiện", "Sự thật về thùng tiền từ thiện lấy 3 tờ".
Trước những nghi vấn cho rằng các hoạt động từ thiện của phòng khám chỉ là mang tính PR, chị Diệp chia sẻ: "Giám đốc của chúng tôi là người luôn hướng thiện và mong muốn giúp đỡ những người khó khăn. Tuy nhiên vì phòng khám mới thành lập, xung quanh lại có nhiều phòng khám Trung Quốc cạnh tranh nên chúng tôi bị ảnh hưởng không nhỏ. Còn về những lời đồn không tốt, mọi người có thể đến phòng khám và tự cảm nhận".
Theo nhiều người, việc đem tiền ra nơi công cộng hoàn toàn không dễ quản lý.
Xung quanh việc xuất hiện chiếc thùng này đã hình thành lên 2 luồng ý kiến trái chiều. Người cho rằng việc phòng khám sai phạm thế nào không liên quan đến chuyện họ đặt thùng tiền để giúp đỡ người nghèo, bởi kết quả cuối cùng vẫn là muốn tốt cho người lao động.
"Có thùng tiền ai gặp khó khăn đến lấy là tốt mà, còn phòng khám đó có xấu xa thì né họ ra, có vấn đề gì đâu, trước hết thì có thùng tiền giúp đỡ ai đó đang đói bụng có 15k mua hộp cơm cũng có thể cứu sống một mạng người", anh D.Q.S nói.
Tuy nhiên rất nhiều ý kiến không đồng tình việc ca ngợi một phòng khám từng bị phản ánh có nhiều sai phạm vì cho rằng họ đã lấy chuyện từ thiện để PR cho chính mình. Một FB nêu quan điểm: "Sau khi bị phạt vì hoạt động không giấy phép, bị dư luận lên án tẩy chay, phòng khám này đã phù phép đổi tên và bây giờ thì vì người nghèo, phát cho 15k. Mình tin lòng tốt ở thành phố này, nhưng mình không tin lòng tốt của một đơn vị y tế có dấu hiệu lừa đảo. Nếu thùng tiền 5k này đem lại 1 người tin thôi, vào lòng tốt của họ, vào khám, thì lòng tốt đã thành tàn nhẫn, thì số tiền tước đoạt từ một người nghèo đã đủ chi cho rất nhiều người nghèo khác, mỗi người 15k, vì lòng tốt".
"Việc để một thùng tiền ở nơi công cộng không hoàn toàn giống như việc ta để một bình trà đá hay thùng bánh mỳ với lời mời gọi: "Miễn phí". Ổ bánh mỳ có thể giúp người lao động qua cơn đói, một cốc trà đá giúp họ đỡ khát dưới cái nắng oi bức của Sài Gòn, nhưng tiền thì có thể đánh động lòng tham của nhiều thanh niên lười nhác. Vậy thì cái ý nghĩa ban đầu của thùng tiền sẽ không trọn vẹn. Việc tặng tiền cho người khác từ trước đến nay vốn không phải là chuyện giản đơn". - Một người khác nhận định.
Hiện câu chuyện về chiếc thùng từ thiện này vẫn tiếp tục được chia sẻ và gây xôn xao mạng xã hội.