Một nghiên cứu mới trên tạp chí Psychology of Violence đang làm dấy lên một cuộc tranh luận tại Mỹ, khi các nhà nghiên cứu nước này tiết lộ một số liệu phản trực quan và có phần gây sốc:
Theo đó, 30% các bậc phụ huynh có con nhỏ ở Mỹ sẵn sàng dùng đòn roi để "giáo dục" con mình. Nhưng có tới 87% sẽ phản đối việc đánh thú cưng trong nhà, cụ thể là chó.
Kết luận được rút ra sau khi các nhà khoa học đến từ Đại học Michigan và Đại học Ohio thực hiện một cuộc khảo sát online với 286 bậc phụ huynh tren khắp nước Mỹ, những người có con nhỏ trong độ tuổi từ 0-8.
Trong số đó, có 90% người được hỏi nhận thức được việc sử dụng đòn roi là một hành vi bạo lực, giống với đánh đập trẻ em. Tuy nhiên, một phần ba vẫn ủng hộ việc sử dụng đòn roi với con cái mình, cao gần gấp đôi so với 17% những người ủng hộ việc đánh thú cưng trong nhà.
Đặt những con số vào so sánh, khảo sát cũng chỉ ra 1% số người được hỏi coi việc đánh vợ là chấp nhận được. Trong khi 100% không chấp nhận được việc con cái đánh cha mẹ.
"Là một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về nuôi dạy con cái, tôi thường gặp phải một mâu thuẫn khó hiểu: Những bậc cha mẹ không bao giờ nghĩ đến chuyện đánh chó của mình lại coi việc đánh đòn con cái là một hình thức kỷ luật chấp nhận được", tiến sĩ Robyn Koslowitz đến từ Trung tâm Phát trưởng Tâm lý New Jersey cho biết.
"Sự phân biệt đối xử này đặt ra những câu hỏi quan trọng về niềm tin của xã hội và những quan niệm sai lầm xung quanh việc trừng phạt con cái bằng đòn roi".
Theo tiến sĩ Koslowitz, nhiều bậc cha mẹ ngày nay thường biện minh cho hành vi đánh đòn con cái của mình là một biện pháp giáo dục. Nhưng trên thực tế, điều đó chỉ thể hiện họ đang bất lực và không biết làm gì khác ngoài việc đánh đòn để dạy con.
Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra "thương cho roi cho vọt" là một quan niệm nuôi dạy trẻ cực kỳ sai lầm. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã khuyến cáo mọi bậc cha mẹ tuyệt đối không sử dụng đòn roi để dạy con, bởi chúng có thể:
- Làm tăng nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng cho trẻ dưới 18 tháng tuổi
- Dẫn tới hành vi hung hăng ở trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và độ tuổi đi học
- Gây ra các hành vi chống đối xã hội khi trẻ lớn lên
- Dẫn tới các rối loạn tâm thần và vấn đề nhận thức
- Gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
- Tăng nguy cơ các hình phạt biến thành bạo lực, bạo hành khi các yếu tố căng thẳng ảnh hưởng tới cha mẹ như khó khăn tài chính, vấn đề sức khỏe tâm thần, bạo lực gia đình giữa vợ và chồng, lạm dụng chất gây nghiện
"Đánh đòn sẽ dẫn đến các khiếm khuyết lớn về mặt xã hội, sự đồng cảm và khả năng tự chủ của trẻ. Nó chỉ khiến trẻ trở nên tệ hơn", tiến sĩ Koslowitz cho biết.
"Hơn nữa, một đánh giá toàn diện trên Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ phát hiện ra rằng hình phạt thể xác có liên quan đến việc gia tăng tính hung hăng, hành vi phản xã hội và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ".
Tiêu đề hết sức mạnh mẽ của bài báo trên tạp chí Psychology of Violence đang phản ánh một tiêu chuẩn kép và sự phi logic trong thái độ của nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ đối với con cái và thú cưng của mình.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao số lượng các bậc cha mẹ sẵn sàng đánh con mình lại nhiều gần gấp đôi so với những người chấp nhận làm điều đó với chó?
Theo tiến sĩ Koslowitz, điều này là do nhiều người Mỹ hiện coi vật nuôi là một thành viên trong gia đình. Họ cho rằng chúng cũng xứng đáng được chăm sóc nhẹ nhàng và đối xử như một con người.
Các lập luận này được hỗ trợ bởi nhiều phong trào đòi hỏi quyền lợi cho động vật xuất hiện tại Mỹ trong những năm gần đây.
Nếu nhìn từ trên xuống, chỉ 1% người trong nghiên cứu cho rằng việc đánh vợ là chấp nhận được và 0% ủng hộ việc con cái đánh cha mẹ, thì 17% số người được hỏi chấp nhận việc đánh chó là một logic thông thường.
Sự phi logic chỉ xuất hiện khi con số 30% xuất hiện, 30% số bậc cha mẹ sẵn sàng dùng đòn roi với con cái của mình. Điều này phản ánh những quan niệm lỗi thời về việc nuôi dạy trẻ vẫn tồn tại, trong đó hình phạt thể xác được coi là phương pháp kỷ luật truyền thống hoặc thậm chí là cần thiết.
Và sự sự phát triển của các hoạt động giáo dục cha mẹ ngừng sử dụng đòn roi đang không tương xứng với các phong trào đòi hỏi quyền lợi cho động vật. "Vì vậy nên mới có chuyện vật nuôi được coi là xứng đáng được chăm sóc nhẹ nhàng, nhưng con người thì không", tiến sĩ Koslowitz nói.
Nhưng ngay cả vậy, việc nhiều người sẵn sàng đánh con nhưng lại vị tha với thú cưng của mình cũng không thể được giải thích về mặt logic. Bởi nếu họ coi việc sử dụng đòn roi thực sự có mục đích giáo dục con mình, tại sao họ lại không áp dụng logic tương tự cho động vật?
Chó không thể hiểu tiếng người, chúng ta không thể giảng giải cho chúng điều gì là đúng, điều gì là sai, nhưng chúng ta có thể làm như vậy với một đứa trẻ.
Về mặc logic, việc sử dụng đòn roi với chó sẽ hợp lý hơn nhiều trong việc dạy dỗ chúng. Thực tế, các biện pháp củng cố hành vi bằng bạo lực này cũng đã được sử dụng trong huấn luyện và thuần hóa thú, chẳng hạn như các loài động vật trong rạp xiếc.
"Nếu bạn tin rằng đánh chó là sai nhưng lại chấp nhận triết lý "thương cho roi cho vọt, cưng chiều con cái", bạn đang hoạt động theo một sự mâu thuẫn logic", tiến sĩ Koslowitz cho biết.
"Hoặc là đòn roi là một công cụ giáo dục được chấp nhận đối với tất cả chúng sinh—hoặc là không. Theo tiêu chuẩn này, lý do biện minh cho việc đánh đòn con cái để giáo dục sẽ sụp đổ khi bị xem xét kỹ lưỡng", tiến sĩ Koslowitz cho biết.
Có lẽ cũng vì sự phi logic này mà sau khi biết kết quả khảo sát, có một phần ba số bậc phụ huynh tham gia nghiên cứu cho biết họ đã thay đổi quan điểm của mình. Những người này đã thừa nhận quan điểm sử dụng đòn roi trong việc nuôi dạy con cái là sai, trong mối quan hệ phi logic khi họ có thể vị tha với loài chó.
Tiến sĩ Koslowitz cũng lưu ý các bậc cha mẹ cần phải hết sức bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi của mình, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng. Bởi chỉ khi họ kiểm soát được cảm xúc thì họ mới có thể dạy con cái của mình kiểm soát cảm xúc theo cách tương tự.