Nhiều người bị lừa tiền từ ứng dụng cho vay giả mạo

Thiên Phúc, Theo ICTNews 10:25 01/07/2021
Chia sẻ

Kẻ lừa đảo giả làm bên cho vay tài chính, duyệt vay cho nạn nhân, nhưng dùng nhiều thủ đoạn lừa nạn nhân chuyển khoản ngược lại.

Tình trạng ứng dụng cho vay ăn lời cắt cổ, khủng bố người dân không quá mới. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số ứng dụng cho vay giả mạo, lừa tiền người nhẹ dạ.

Nhiều người bị lừa tiền từ ứng dụng cho vay giả mạo - Ảnh 1.

Thủ đoạn chung của các bên cho vay là duyệt một khoản vay lớn. Sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản ngược lại với các lý do xác minh tài khoản ngân hàng, xác minh khả năng thanh toán, cung cấp mật khẩu, thậm chí phạt vi phạm hợp đồng. Theo lời kể của các nạn nhân, có người bị lừa vài triệu, có người bị lừa cả trăm triệu.

Nhiều người bị lừa tiền từ ứng dụng cho vay giả mạo - Ảnh 2.

Trong một nhóm trên mạng xã hội, người dùng có tên H. Ng. hôm 21/6 cho biết nhận được cuộc gọi cho vay từ công ty có tên TP… Anh H. đăng ký ứng dụng và được phê duyệt khoản vay 38 triệu đồng.

Sau đó, anh H. nhận được văn bản đóng mộc đỏ của một tổ chức xưng là tập đoàn tài chính cá nhân Thái Lan, yêu cầu đóng khoản tiền 4 triệu đồng để xác minh khả năng thanh toán khoản vay.

Anh H. nghi ngờ nên không chuyển khoản số tiền này và lên nhóm trên mạng xã hội để cảnh báo.

Thực tế, không phải ai cũng cảnh giác như anh H. Bình luận dưới bài viết này, người có tên L.Đ cho biết nhận được khoản duyệt vay 38 triệu nhưng đã chuyển nhiều lần cho ứng dụng số tiền lên đến 52 triệu đồng.

Một nạn nhân khác tên T.N thậm chí bị lừa lên tới 90 triệu đồng và hỏi ý kiến mọi người có nên trình báo hay không.

Nhiều người bị lừa tiền từ ứng dụng cho vay giả mạo - Ảnh 3.

Một người có tên S.N bị lừa bởi công ty này. Anh lý giải, kẻ lừa đảo gài người vay vào thế đã ký hợp đồng. Nếu nạn nhân không chịu vay nữa thì phải chịu trách nhiệm trước khoản vay, và phải chuyển khoản 10% giá trị hợp đồng để được rút tiền. Sau khi chuyển khoản, phía bên kia sẽ thông báo chưa nhận được, yêu cầu chuyển tiếp. “Cứ vậy nên có người sợ hãi đã chuyển khoản hơn 100 triệu”, anh S.N trình bày.

Với thủ đoạn khác, người dùng có tên Q.C cho biết nhân viên cho vay khẳng định tài khoản ngân hàng của anh không chính xác. Nghi ngờ anh C. “lừa đảo khoản vay” và yêu cầu chuyển ngược lại 3 triệu đồng để xác minh tài khoản. Anh Q.C thấy bất an nên không chuyển 3 triệu.

Trong khi đó, chị K.L cho biết bị lừa 3,5 triệu đồng bằng thủ đoạn nói trên. Ứng dụng yêu cầu chuyển thêm 14 triệu nhưng chị L. đã “kịp tỉnh” và không chuyển khoản.

Một người dùng cho hay, ứng dụng simp… này đã lừa đảo nhiều người. Giả sử khi đã chuyển tiền cho nhóm này, kẻ lừa đảo sẽ sửa số tài khoản ngân hàng nhận và tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển thêm.

Một số người đăng ký ứng dụng nhưng không chuyển khoản sẽ bị đe doạ báo công an, hoặc đe doạ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng đã đăng ký.

Những kẻ lừa đảo thường dùng chung thủ đoạn, nhưng đổi tên ứng dụng. Chị S.Đ tố cáo một bên cho vay tài chính có tên Sky… cũng duyệt cho chị khoản vay 38,5 triệu đồng.

Sau các bước thủ tục, nhân viên yêu cầu chị gửi một khoản tiền tương đương 10% giá trị hợp đồng để cung cấp mật khẩu giải ngân. Sau khi đóng tiền, chị S. nhận một văn bản cho thấy tài khoản ngân hàng của chị bị sai nên khoản giải ngân không thực hiện được, lại bị yêu cầu chuyển khoản tiếp.

Dưới bài viết này, một người có tên L.S nói bị lừa mất 25 triệu. Một người khác có tên S.N cũng bị mắc bẫy. Tất cả mọi người đang liên kết lại trong một nhóm Zalo để thu gom bằng chứng báo cơ quan chức năng.

Bên cạnh TP…, Sim…, Sky… một số người cũng tố cáo ứng dụng cash lừa đảo.

Điểm chung của các vụ lừa đảo này là khoản duyệt vay khá lớn, phổ biến ở mức 38-40 triệu đồng. Một người trong nhóm khẳng định khoản vay lớn như thế nhưng đòi hỏi thủ tục đơn giản thường là lừa đảo.

Nhiều người đã thu gom bằng chứng để trình báo cơ quan chức năng về việc bị lừa. Tuy nhiên do tâm lý đi vay tiền, bị đe doạ nên một số người còn khá e dè trong việc nhờ các cấp thẩm quyền can thiệp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày