Nhân vật "trên cơ" cả Gia Cát Lượng, từng làm quan cho Tào Tháo nhưng vẫn được Lưu Bị hao tâm tổn sức chiêu mộ bằng được

Thùy Linh, Theo Đời sống & Pháp luật 17:34 27/01/2025
Chia sẻ

Gia Cát Lượng vốn nổi tiếng kiệt xuất, nhưng khi luận về mưu lược, chính ông phải tự nhận mình "vĩnh viễn không bằng" nhân vật này.

Nhắc đến Gia Cát Lượng (181–234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, chắc hẳn mọi người đều không thể không biết ông là một trong những danh nhân kiệt xuất thời Tam Quốc. Ông nổi tiếng không chỉ bởi tài năng toàn diện trong quân sự, chính trị, ngoại giao, mà còn là người phò tá trung thành, góp công lớn vào việc xây dựng nhà Thục Hán dưới trướng Lưu Bị.

Mặc dù tài năng được cả thế gian ngưỡng mộ, nhưng trong nội bộ Thục Hán có một nhân vật khiến Gia Cát Lượng vô cùng kính phục. Người này không chỉ khiến Gia Cát Lượng hao tâm tổn sức chiêu mộ, mà còn khiến ông phải thừa nhận rằng: "Về mưu lược, Lượng vĩnh viễn không bằng Tử Sơ."

Tử Sơ ở đây chính là Lưu Ba, một tài năng kiệt xuất nhưng đầy kiêu ngạo.

Thông minh xuất chúng, 18 tuổi đã rạng danh

Lưu Ba, tự Tử Sơ, quê ở Nam Linh Lăng (Kinh Châu), xuất thân từ một gia đình danh giá với nhiều đời làm quan. Ông nội là Lưu Diệu, từng giữ chức Thái thú Thương Ngô; cha là Lưu Tường, cũng từng đảm nhiệm chức Thái thú Giang Hạ. Ngay từ nhỏ, Lưu Ba đã nổi tiếng thông minh xuất chúng, nhưng tính tình kiêu ngạo, thường coi thường người khác.

Ở tuổi 18, Lưu Ba đã làm Chủ Bộ tại Kinh Châu, chứng tỏ tài năng vượt trội. Tuy nhiên, ông không ưa Lưu Bị, thậm chí nhiều lần từ chối tiếp xúc với người từng nương nhờ Lưu Biểu.

Khi Lưu Bị cho người cháu đến học hỏi, Lưu Ba thẳng thắn chối từ với lý do: "Ta không xứng để làm thầy. Hãy tìm cao nhân khác."

Nhiều lần rơi vào thế khó, quyết định làm việc dưới trướng Lưu Bị

Khi Tào Tháo tấn công Kinh Châu vào năm 208, rất nhiều kẻ sĩ đất Kinh Sở chạy xuống vùng Giang Nam (nơi có Lưu Bị) riêng Lưu Ba đi ngược trở lên, quyết theo Tào Tháo. Tào Tháo cũng ngưỡng mộ tài năng của Lưu Ba, bổ nhiệm ông làm quan, lại để cho ông chiêu nạp dân chúng ba quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương. 

Nhân vật "trên cơ" cả Gia Cát Lượng, từng làm quan cho Tào Tháo nhưng vẫn được Lưu Bị hao tâm tổn sức chiêu mộ bằng được- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sohu

Tuy nhiên, thất bại của Tào Tháo tại trận Xích Bích đã khiến Lưu Ba rơi vào tình thế khó khăn. Sa khi Lưu Bị lấy được Linh Lăng, biết tin Lưu Ba đang ở đây thì quyết tâm "chiêu hiền đãi sĩ", bỏ qua chuyện cũ để tới tìm Ba. Không ngờ Lưu Ba đã bỏ trốn.

Trước khi Lưu Ba bỏ trốn đã cự tuyệt thư chiêu mộ của Gia Cát Lượng, khiến "Tiên chủ (Lưu Bị) vô cùng căm hận". Lưu Ba bỏ trốn rồi, vẫn sợ Lưu Bị tìm cách bắt lại nên đổi sang họ Trương, lánh nạn ở Giao Chỉ, sau đó chạy sang Ích Châu và được Lưu Chương trọng dụng.

Lúc này, Lưu Ba là người duy nhất nhận ra nguy cơ khi Lưu Chương mời Lưu Bị đến Ích Châu nhằm "bắt tay" chống lại Tào Ngụy. Ông từng cảnh báo: "Lưu Bị là kẻ hùng tài đại lược, giữ lại chỉ gây họa." Nhưng Lưu Chương vẫn quyết định thu nạp Lưu Bị.

Một lần khác, Lưu Ba tiếp tục can ngăn: "Để Lưu Bị thảo phạt Trương Lỗ, chẳng khác nào thả hổ về rừng". Lưu Chương vẫn không nghe, Lưu Ba liền lấy lý do cáo bệnh mà lui về.

Đến năm 214, khi Lưu Bị đánh hạ Ích Châu, Lưu Ba cuối cùng cũng quyết định trở thành mưu sĩ dưới trướng Lưu Bị. Từ đó, ông cùng Gia Cát Lượng, Pháp Chính và các mưu thần khác góp công xây dựng hình luật cho nhà Thục, đóng góp không nhỏ vào việc ổn định quốc khố sau chiến tranh.

Tính cách kiêu ngạo gây tranh cãi

Lưu Ba là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử. Mặc dù tài năng vượt trội, nhưng tính cách kiêu ngạo của Lưu Ba thường gây tranh cãi. Ông từng thẳng thừng từ chối kết giao với Trương Phi, người rất kính trọng bậc sĩ phu.

Thậm chí, ông còn thể hiện sự phân biệt giai cấp: "Đại trượng phu kết giao với anh hùng bốn bể, không bàn chuyện với đám nhà binh." Thái độ này khiến Lưu Bị không hài lòng và có ý định loại bỏ Lưu Ba.

Tuy nhiên, Gia Cát Lượng đã can ngăn, thừa nhận: "Về mưu lược, thần mãi mãi không bằng Tử Sơ." Điều này khiến Lưu Bị thay đổi quyết định, tiếp tục trọng dụng Lưu Ba.

Nhân vật "trên cơ" cả Gia Cát Lượng, từng làm quan cho Tào Tháo nhưng vẫn được Lưu Bị hao tâm tổn sức chiêu mộ bằng được- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sohu

Dù có những điểm hạn chế trong tính cách, nhưng tài năng của ông là điều không thể phủ nhận. Không chỉ Gia Cát Lượng mà cả những nhân vật như Tôn Quyền, Trần Quần cũng kính nể ông. Sau đó, Lưu Ba qua đời sớm vào năm 223, khi mới 39 tuổi, để lại nhiều nuối tiếc trong lịch sử Tam Quốc.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày