Vượt 1.500km về quê ăn Tết, nữ sinh xách vali quay lại trường ngay hôm sau: "Tôi không thể ở lại nhà thêm một phút nào nữa"

Thiên An, Theo Thanh niên Việt 10:00 27/01/2025
Chia sẻ

Câu chuyện của nữ sinh làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Tết Nguyên Đán vốn dĩ là dịp để sum vầy và đoàn tụ, nhưng đối với Tiểu Vũ (tên đã được thay đổi, Trung Quốc), kỳ nghỉ Tết năm nay lại trở thành một trải nghiệm ngột ngạt.

Cô đã vượt qua quãng đường 1.500km từ trường đại học để trở về nhà, nhưng sáng hôm sau, cô lại vội vàng xách hành lý rời đi. Câu nói mà cô để lại khiến nhiều người xót xa: "Tôi không muốn ở lại nhà thêm một phút nào nữa".

Câu chuyện này nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội, đưa những mâu thuẫn trong quan hệ gia đình lên bàn cân thảo luận.

Vượt 1.500km về quê ăn Tết, nữ sinh xách vali quay lại trường ngay hôm sau: "Tôi không thể ở lại nhà thêm một phút nào nữa"- Ảnh 1.

Nữ sinh từ trường về nhà rồi lại từ nhà quay lại trường chỉ sau một đêm (Ảnh minh họa)

Được biết, Tiểu Vũ là con gái duy nhất trong gia đình, từ nhỏ đã học giỏi và luôn làm bố mẹ tự hào. Vì học xa nhà, mỗi năm cô chỉ có thể về nhà vào dịp hè hoặc Tết.

"Ban đầu, tôi nghĩ rằng sẽ rất vui khi được gặp lại bố mẹ. Nhưng ngay từ lúc bước vào nhà, tôi đã cảm thấy có điều gì đó không ổn" , Tiểu Vũ chia sẻ. Lúc cô về đến nhà, mẹ cô đang bận rộn trong bếp. Thấy cô, bà lập tức cằn nhằn: "Sao giờ mới về? Không biết đường về sớm còn dọn nhà dọn cửa". Trong khi đó, cha cô thì chỉ liếc nhìn qua và nói đơn giản: "Về rồi à" rồi lại tiếp tục nhìn vào điện thoại.

Trong bữa tối, Tiểu Vũ muốn kể những câu chuyện thú vị ở trường để chia sẻ với gia đình, nhưng mẹ cô lại ngắt lời: "Đi học thì có gì mà kể? Ăn đi, đừng nói nhiều". Sau đó, bố mẹ cô chuyển chủ đề sang tương lai của cô, từ công việc cho đến chuyện yêu đương. Tất cả những lời tâm sự của Tiểu Vũ đều bị bỏ qua, thay vào đó là những lời khuyên "vì con" mà cô cảm thấy như một gánh nặng.

"Trong căn nhà này, không ai thực sự quan tâm đến cảm xúc của tôi. Thậm chí, tôi cảm thấy mình là người thừa khi trở về" , Tiểu Vũ nói trong tiếng thở dài.

Thực tế, câu chuyện của Tiểu Vũ không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều người trẻ khi trở về nhà dịp Tết đều cảm thấy bị can thiệp quá mức vào cuộc sống của mình. Điều này không xuất phát từ ác ý của cha mẹ, mà từ việc cách biệt trong cách nhìn nhận và nhu cầu giữa hai thế hệ.

Theo các chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn gia đình chủ yếu đến từ việc thiếu sự cân bằng trong giao tiếp. Cha mẹ thường đứng ở vị trí "người lớn", cho rằng kinh nghiệm của mình là đúng và con cái phải nghe theo, mà không chú ý đến việc tôn trọng tính cách và cảm xúc độc lập của con. Kiểu giao tiếp "một chiều" này khiến con cái cảm thấy bị áp lực và xa cách, thậm chí muốn tránh xa gia đình.

Vượt 1.500km về quê ăn Tết, nữ sinh xách vali quay lại trường ngay hôm sau: "Tôi không thể ở lại nhà thêm một phút nào nữa"- Ảnh 2.

Khoảng cách thế hệ là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái (Ảnh minh họa)

Câu chuyện của Tiểu Vũ cũng đã khơi dậy một cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Có người đồng cảm với cô: "Ngôi nhà không có sự ấm áp, thà ở trường còn hơn" . Nhưng cũng có người lên tiếng bảo vệ cha mẹ: "Cha mẹ vất vả cả đời, con cái nên hiểu và biết ơn họ nhiều hơn". Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều cho rằng vấn đề không nằm ở ai đúng ai sai, mà ở cách giải quyết và cải thiện mối quan hệ gia đình.

Một cư dân mạng viết: "Tình yêu không nên là gánh nặng hay sự kiểm soát. Nếu cha mẹ yêu con, họ nên tôn trọng cuộc sống và lựa chọn của con thay vì luôn muốn thay đổi chúng". Một người khác bình luận: "Con cái cũng nên cố gắng hiểu và cảm thông với sự hy sinh của cha mẹ, đừng đổ hết trách nhiệm cho họ".

Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp đoàn tụ, mà còn là cơ hội để hàn gắn và cải thiện mối quan hệ gia đình. Để làm được điều đó, cả cha mẹ và con cái đều cần thay đổi tư duy.

Đối với cha mẹ, việc từ bỏ tâm lý "kiểm soát" là điều cần thiết. Họ cần học cách lắng nghe nhu cầu thực sự của con cái, thay vì chỉ áp đặt quan điểm của mình. Thêm một chút kiên nhẫn, bớt đi một chút chỉ trích, gia đình sẽ trở nên gần gũi hơn.

Đối với con cái, trở về nhà không nên chỉ là "trách nhiệm" hay "nghĩa vụ." Việc chủ động giao tiếp, chia sẻ cảm xúc với cha mẹ cũng là cách để phá bỏ những hiểu lầm. Đồng thời, hãy cảm thông với kỳ vọng và sự hy sinh của cha mẹ, thử đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu hơn.

Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp sum họp, mà còn là cơ hội để xây dựng lại sự gắn kết gia đình. Chỉ khi cha mẹ và con cái học cách thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, "nhà" mới thực sự trở thành nơi ấm áp để quay về, thay vì là nơi khiến người ta muốn rời xa.

Theo Baidu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày