Nhai kẹo cao su trong bóng đá: Kẻ suýt sặc chết, người bán bã kẹo được cả nửa triệu đô

THANH ĐÌNH (SPORT5), Theo Trí Thức Trẻ 17:03 11/05/2020

Trong thế giới bóng đá, nhai kẹo cao su là cái gì đó rất phổ biến. Vậy tại sao các HLV, cầu thủ lại nhai nhiều đến vậy? Liệu chúng có lợi ích gì?

Nhai kẹo cao su thoạt đầu có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng các nhà khoa học đã chứng minh, hoạt động này có rất nhiều lợi ích. Khi nhai, các chuyển động ở hàm đẩy nhanh quá trình đưa máu lên não, cải thiện nhịp tim và huyết áp, thậm chí có tác dụng làm dịu tâm lý, giảm căng thẳng. Một công trình nghiên cứu nghiêm túc khác của các giáo sư Nhật Bản còn chứng minh, những VĐV nhai kẹo có hiệu suất tốt hơn những người không nhai.

Vì vậy, việc nhai kẹo rất phổ biến trong bóng đá. Và không chỉ nhai, một số còn sử dụng chúng để tạo nên một số khoảnh khắc đáng kinh ngạc. Như Mesut Oezil hay Neymar chẳng hạn. Họ phun kẹo từ miệng, sau đó tâng bằng chân trước khi đưa trở lại chỗ ban đầu của nó.

Số khác thì biến kẹo cao su thành thứ bùa ếm với đối thủ. Johan Cruyff, huyền thoại vĩ đại của bóng đá thế giới cũng cần đến một nghi thức mang tính tâm linh đó. Khi còn chơi bóng, ông luôn để dành bã kẹo và nhổ vào phần sân đối thủ trước khi bước vào trận đấu.

Nhai kẹo cao su trong bóng đá: Kẻ suýt sặc chết, người bán bã kẹo được cả nửa triệu đô - Ảnh 1.

Nhai kẹo cao su giúp tăng lưu thông máu lên não, cải thiện nhịp tim và huyết áp, giảm căng thẳng.

Với nhiều người, tài năng đã đưa Thánh Johan tới 21 danh hiệu lớn nhỏ trong sự nghiệp. Nhưng với cá nhân ông, nó được tạo ra bởi… kẹo cao su. Bởi một lần, trong trận chung kết cúp châu Âu 1969, Cruyff vì lý do nào đó đã quên không thực hiện nghi thức nhổ bã kẹo. Rốt cuộc, Ajax nhận thất bại 1-4 trước Milan.

Mặc dù lợi ích có nhiều, song hại cũng không ít. Vào năm 1999, tiền đạo Aloisio của Vasco da Gama đã lăn ra bất tỉnh sau một pha va chạm. Đội ngũ y tế sau đó cho biết, anh ta bị… nghẹn bã kẹo và nó khiến anh ngừng thở trước khi có sự can thiệp.

Bã kẹo cao su mắc trong cổ Aloisio đã được bác sỹ lấy ra trong bệnh viện. Khi tỉnh lại, chưa hết hoảng hồn, anh nói rằng "chưa bao giờ sợ đến thế". Đồng thời, tuyên bố "cạch đến già với kẹo cao su".

Nhai kẹo cao su trong bóng đá: Kẻ suýt sặc chết, người bán bã kẹo được cả nửa triệu đô - Ảnh 2.

Aloisio từng suýt chết vì... bã kẹo cao su.

Từ sự việc của Aloisio, người ta thấy rằng việc nhai kẹo khiến các cầu thủ không thể thở bằng miệng, điều cần thiết khi hoạt động cường độ cao. Nó cũng gây ra sặc hay nghẹn giống Aloisio. Vì vậy khuyến cáo kẹo cao su chỉ nên nhai trong quá trình khởi động, không phải trong trận đấu.

Riêng với các HLV, do chỉ đứng trên đường pitch, cứ việc nhai thả cửa. Sir Alex Ferguson, người từng dẫn dắt MU trong gần 27 năm, chắc chắn nổi tiếng nhất trong việc này. Thậm chí còn mang tính biểu tượng, cứ nói đến HLV nhai kẹo cao su là người ta nhớ tới ông.

Nhai kẹo cao su trong bóng đá: Kẻ suýt sặc chết, người bán bã kẹo được cả nửa triệu đô - Ảnh 3.

Sir Alex Ferguson vã bã kẹo cuối cùng trên cương vị HLV.

Theo tính toán, trong các trận đấu Sir Alex sử dụng, ít thì 5-6 thanh kẹo, nhiều có thể lên đến 85 thanh. Giả sử trung bình mỗi trận dùng 10 thanh, số kẹo cao su qua miệng ông suốt triều đại huy hoàng cùng Quỷ đỏ lên đến 14.980 thanh. Nếu giữ lại chúng, số bã kẹo này có thể tạo thành 2 quả bóng đá có kích cỡ lớn hơn thông thường.

Trong trận đấu cuối cùng với West Brom vào tháng 5/2013 trước khi chính thức giải nghệ, HLV người Scotland đã nhận được rất nhiều quà từ đồng nghiệp, học trò và người hâm mộ. Riêng Baggie Bird, linh vật của West Brom tặng ông một phong kẹo cao su.

Đó chính là những thanh cuối cùng Sir Alex nhai với tư cách HLV. Và một ai đó đã kiếm được bã kẹo quý báu này, sau đó rao bán trên eBay với mục đích từ thiện. Ai có thể tin được, bã kẹo ở sân The Hawthorns, vì qua miệng chiến lược gia vĩ đại, lại có thể bán được hơn nửa triệu đô (517.000 USD) vào cuối năm 2019. Với số tiền ấy, năm 1991, Sir Alex mua được thủ môn huyền thoại Peter Schmeichel.