Nhà khoa học người Việt tại Mỹ: 2 lý do nên tiêm vaccine Sinopharm khi đến lượt

TS. Nguyễn Quốc Thục Phương, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 20:50 02/08/2021
Chia sẻ

Ngay cả với các vaccine có hiệu quả chưa rõ ràng như Nanocovax của Việt Nam hay hiệu quả thấp như Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc, việc tiêm chủng vẫn mang lại lợi ích bảo vệ tốt hơn so với việc không tiêm chủng, nhất là với những người có bệnh nền hoặc nguy cơ tử vong do COVID-19 cao.

Khi dịch bệnh đã lan ra cộng đồng, những bàn cãi xung quanh vấn đề an toàn và hiệu quả của vaccine trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết trong suốt mấy tuần qua. Rất nhiều người Việt Nam hỏi nhau "Liệu tôi nên tiêm chủng vaccine nào? Nếu lỡ tôi bị chích vaccine Trung Quốc thì có nên tiêm chủng không?...".

Những hoang mang của người dân là hoàn toàn có thể hiểu được khi người người đều chìm ngập trong rừng thông tin thật giả lẫn lộn về vaccine, hoặc nguy hiểm hơn là thông tin thật nhưng cách đánh giá sai lệch.

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc góc nhìn toàn diện và cân bằng hơn, đồng thời cũng gợi ý cách đặt câu hỏi khách quan hơn khi xem xét hiệu quả của một vaccine nào đó.

Tác giả mong rằng những người có thể dùng ngòi bút ảnh hưởng đến quyết định của người khác, đồng nghĩa với ảnh hưởng đến sức khỏe hay thậm chí là tính mạng của họ, có thể cân nhắc kỹ hơn trước khi viết bài, âu cũng là một cách đóng góp để đưa đất nước mau thoát khỏi tình trạng dịch bệnh hiện tại.

photo-1

Cuộc sống bình thường có thể trở lại sau khi cộng đồng được bảo vệ bằng vaccine cùng với khẩu trang khi cần thiết. Nguồn: CDC

Quan điểm cá nhân của tác giả: Nếu bạn có cơ hội lựa chọn vaccine, hiển nhiên hãy lựa chọn vaccine có hiệu quả cao nhất và ít hiệu ứng phụ nghiêm trọng nhất. Nếu bạn không được lựa chọn vaccine (và cần nhớ rằng hàng triệu người dân Việt Nam không được lựa chọn trong tình hình khan hiếm vaccine hiện nay), đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, miễn là vaccine an toàn.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại cơ chế bảo vệ của vaccine để hiểu vì sao lại như vậy.

Cơ thể cần thời gian để tạo ra kháng thể hiệu quả

Khi cơ thể tiêm chủng lần đầu, kháng thể xuất hiện chậm và những kháng thể đầu tiên (trong 7-10 ngày đầu) thường có hiệu quả chống lại virus không cao do chúng tạo ra bởi những tế bào lympho B chưa có kinh nghiệm (Hình 1A).

Nhà khoa học người Việt tại Mỹ: 2 lý do nên tiêm vaccine Sinopharm khi đến lượt - Ảnh 3.

Hình 1. Sự thay đổi kháng thể trong máu sau khi cơ thể gặp virus lần đầu sau khi tiêm chủng (A) và khi tiêm nhắc lại (B) – Hình được vẽ lại mô phỏng theo hình ảnh từ sách Plotkin’s Vaccines. Virus ở đây nói về tất cả các loại vaccine COVID-19 hiện nay và cũng có thể áp dụng cho trường hợp nhiễm bệnh

Song song với việc giải phóng những kháng thể đầu tiên này, một nhóm tế bào lympho B khác được "huấn luyện" trong các hạch bạch huyết để nhận diện và tiêu diệt virus tốt hơn.

Sau mũi tiêm nhắc lại, các tế bào B đã quen huấn luyện này sẽ nhanh chóng được "triệu hồi" để sản xuất ra kháng thể tốt hơn và nhanh hơn, lượng kháng thể có thể đạt đỉnh cao hơn chỉ trong vòng 4-7 ngày (Hình 1B). Đồng thời, các tế bào B này lại trải qua một lần huấn luyện nữa trong hạch bạch huyết sau mũi tiêm thứ hai.

Trong đa số trường hợp, quá trình huấn luyện tế bào B sau mỗi lần tiêm chủng có thể âm thầm kéo dài nhiều tháng (đến 6 tháng) trong cơ thể dù người tiêm chủng không cảm thấy triệu chứng gì. (Không có hiệu ứng phụ không có nghĩa là không đáp ứng với vaccine và ngược lại, hiệu ứng phụ mạnh không có nghĩa là đáp ứng tốt hơn).

Thời gian càng lâu, các tế bào B "tốt nghiệp" càng "giỏi" hơn, khả năng đáp ứng vaccine để tạo ra kháng thể trung hòa mạnh vào lần tiêm nhắc lại càng tốt. Đây có thể là lý do vaccine AstraZeneca có hiệu quả cao hơn khi khoảng cách giữa hai mũi tiêm kéo giãn từ 4 tuần sang 12 tuần. Hiện tượng tương tự cũng đã được báo cáo đối với vaccine cúm từ nhiều năm trước.

Cũng theo cơ chế này, đối với bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào cũng có thể thay đổi khoảng cách giữa hai mũi tiêm trong khoảng 4 đến 12 tuần nếu không thể hoàn thành lịch tiêm theo quy định.

Thời gian càng lâu thì càng có nhiều khả năng đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng kháng thể sau mũi đầu tiên vẫn còn "yếu", nên những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh không nên chần chừ quá lâu cho mũi tiêm nhắc lại mà nên ưu tiên tuân thủ lịch tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cơ thể tạo ra kháng thể bền vững và hiệu quả hơn sau mỗi lần "gặp" vaccine

Kháng thể do tế bào B đã qua huấn luyện tạo ra có khả năng trung hòa virus cao hơn so với nhóm kháng thể ban đầu. Bên cạnh đó, cứ sau mỗi lần tiêm chủng dù với vaccine sản xuất theo công nghệ nào hay hiệu quả thế nào, các tế bào B lại trải qua thêm một lần huấn luyện và càng "giỏi" hơn, tạo ra kháng thể trung hòa tốt hơn.

Các vaccine có hiệu quả cao thấp khác nhau tùy thuộc vào khả năng kích thích quá trình huấn luyện tế bào B này trong hạch bạch huyết. Tá dược đôi khi được bổ sung vào vaccine để giúp quá trình kích thích này tốt hơn và nhanh hơn.

Như vậy, nếu vaccine "mạnh" thì chỉ cần một hoặc hai mũi cũng sẽ đẩy nhanh được quá trình huấn luyện tế bào B để tạo ra kháng thể nhiều và hiệu quả. Còn nếu vaccine "yếu" thì sẽ cần chích nhắc lại nhiều mũi, nhưng mỗi mũi tiêm vẫn kích thích quá trình huấn luyện tế bào B tốt hơn, chuẩn bị cho cơ thể chống lại sự tấn công của virus tốt hơn một chút.

Vì vậy, chỉ cần vaccine an toàn, mỗi mũi tiêm chủng đều giúp nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nặng.

Không nên bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, miễn là vaccine an toàn

Với hai cơ chế đã nói trên của vaccine, có thể thấy rằng ai cũng nên được tiêm chủng mũi đầu tiên càng nhanh càng tốt để bắt đầu quá trình huấn luyện tế bào B. Ngay cả với các vaccine có hiệu quả chưa rõ ràng như Nanocovax của Việt Nam hay hiệu quả thấp như Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc, việc tiêm chủng vẫn mang lại lợi ích bảo vệ tốt hơn so với việc không tiêm chủng, nhất là với những người có bệnh nền hoặc nguy cơ tử vong do COVID-19 cao.

Nhà khoa học người Việt tại Mỹ: 2 lý do nên tiêm vaccine Sinopharm khi đến lượt - Ảnh 4.

Cuộc sống bình thường có thể trở lại sau khi cộng đồng được bảo vệ bằng vaccine và khẩu trang khi cần thiết. Nguồn: CDC

Cả ba loại vaccine này đều dựa trên công nghệ protein tái tổng hợp và vaccine bất hoạt đã được chứng minh an toàn, là hai công nghệ chính cho vaccine cúm hàng năm trên toàn thế giới. Hàng chục triệu liều Sinopharm và Sinovac đã được dùng ở nhiều nước trên thế giới. Hai vaccine này cũng đều đã được WHO phê duyệt cho chương trình COVAX. Lưu ý rằng vaccine Sinopharm được biết đến dưới tên gọi BIBB hoặc Vero Cell đều là một và là loại đã được WHO phê duyệt.

Hơn nữa, các số liệu từ trước đợt bùng dịch gần đây được thực hiện tại các nước bên ngoài Trung Quốc như Brazil, Indonesia, Chile và Uruguay cho thấy vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc giúp giảm tỉ lệ nhiễm bệnh khoảng 50-70%, giảm tỉ lệ nhập viện 85-95% và giảm tỉ lệ tử vong 85-100%. Để so sánh, vaccine AstraZeneca cũng cho thấy hiệu quả đối với virus Vũ Hán khoảng 60-75% tùy nghiên cứu.

Hiệu quả của các vaccine virus bất hoạt được dự đoán sẽ giảm đi khoảng 20% đối với biến thể Delta, theo giáo sư dịch tễ học nổi tiếng Benjamin Cowling từ Hồng Kông.

Nhà khoa học người Việt tại Mỹ: 2 lý do nên tiêm vaccine Sinopharm khi đến lượt - Ảnh 5.

Nguồn: Medivizor

Vì vậy, hãy tiêm chủng bất kỳ vaccine an toàn nào chứ đừng đợi để chọn lựa vaccine.

Điều này cũng giống như đang đói mà bạn nhất định phải đợi cho bằng được bánh mì thịt và chê bánh mì khô, thì có thể bạn sẽ chết vì đói trước khi được nhìn thấy bánh mì thịt. Tại sao không ăn bánh mì khô trong lúc đợi bánh mì thịt nếu nó giúp bạn đỡ đói?

Một số truyền thuyết không có thật về vaccine Trung Quốc

- Sau khi tiêm vaccine Trung Quốc, virus sẽ bật sống dậy trong cơ thể người.

SAI. Có một loại công nghệ tạo ra vaccine virus giảm độc lực có chứa virus sống làm yếu đi, nên đã có những câu chuyện lan truyền về việc virus sống lại. Điều này có thật. Tuy nhiên, công nghệ này không được áp dụng trong các vaccine đang sử dụng trên thế giới vì việc tạo ra virus giảm độc lực không hề đơn giản.

- Tôi lo ngại rằng vài năm sau khi sử dụng, Trung Quốc sẽ công bố hiệu quả phụ nguy hiểm nào đó.

Không thể. Công nghệ virus bất hoạt đã được sử dụng rất lâu đời đến vài thập kỉ, nên đã được chứng minh an toàn và không để lại di chứng. Những hiệu ứng phụ nếu có đều biểu hiện trong vài tuần đầu sau khi tiêm chủng.

- Tiêm chủng vaccine Trung Quốc xong bệnh nặng và chết nhiều hơn.

Không thể. Khi đọc báo, bạn hãy tìm thông tin để so sánh, nhất là thông tin trong điều kiện đối chứng, mới hiểu rõ tác dụng của vaccine. Xin mời bạn đọc tìm hiểu thêm ở phần cuối của bài.

Tiêm chủng rồi vẫn cần cẩn trọng

Một ngộ nhận thường gặp là tiêm chủng xong sẽ không bị mắc bệnh, và cũng vì vậy nếu một người đã tiêm chủng bị mắc bệnh là một "chuyện động trời", trở thành tít nóng.

Vaccine không phải là một chiếc áo giáp toàn năng. Tiêm chủng giống như mặc thêm vài lớp áo dày mà thôi, nhưng có áo giáp thì có nghĩa là bạn đã được bảo vệ tốt hơn.

Ngoài ra, theo thời gian lượng kháng thể giảm đi (Hình 1B), thì chiếc áo sẽ mòn đi và mỏng lại, khả năng bị bệnh sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, các biến thể xuất hiện sẽ làm hiệu quả vaccine giảm đi một ít. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không nên tiêm chủng, vì dù sao có thêm một lớp áo giáp vẫn tốt hơn không có.

Nhà khoa học người Việt tại Mỹ: 2 lý do nên tiêm vaccine Sinopharm khi đến lượt - Ảnh 7.

Tác dụng bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian, vì thế cần tiêm nhắc lại, cộng với các biện pháp bảo vệ khác như khẩu trang và giãn cách khi ở trong môi trường kín và quá đông người. Tuy nhiên, khi đã tiêm vaccine, COVID-19 thường sẽ chỉ còn là một cơn cảm cúm thoáng qua mà không còn đe dọa mạng sống của bạn. Nguồn: sciencemag

Thái độ chủ quan của cả người đã tiêm chủng và không tiêm chủng được cho là lý do chính khiến dịch bệnh bùng lên lại ở một số nước dù cho tỉ lệ tiêm chủng đã đạt đáng kể.

Như vậy, trước khi dịch bệnh được khống chế trên toàn cầu, dù được tiêm chủng hay không thì mỗi cá nhân đều nên cẩn trọng và áp dụng 5K trong từng hoàn cảnh phù hợp.

Cách nhìn nhận đúng về một vaccine

Gần đây có nhiều bài báo đưa tin đại loại rằng: "Vaccine Trung Quốc không hiệu quả do nước XYZ tiêm chủng vaccine Trung Quốc đại trà vẫn đang vật lộn với các đợt bùng phát COVID-19".

Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại và từ chối vaccine Trung Quốc trong cộng đồng dù đây là lựa chọn duy nhất đối với nhiều người trong hoàn cảnh khan hiếm vaccine hiện nay. Có thể thấy việc đưa tin như vậy là rất tai hại, do nếu chỉ nhất mực chờ đợi những vaccine như Pfizer, Moderna thì chưa biết đến bao giờ Việt Nam mới có đủ vaccine cho toàn dân số.

Thiết nghĩ câu hỏi cần đặt ra là: "Nếu hành vi của người dân không đổi, đất nước XYZ đó sẽ ra sao nếu có và không có tiêm chủng đại trà vaccine Trung Quốc?". Đáp án có lẽ sẽ là "Đất nước XYZ đó sẽ có nhiều ca tử vong hơn nếu không tiêm chủng đại trà".

Như vậy, bài học rút ra từ quan sát về hiệu quả của vaccine Trung Quốc không phải là nói không với vaccine hiệu quả thấp hoặc chưa xác định, mà là cần đẩy mạnh tuyên truyền về khả năng nhiễm bệnh giảm nhưng không biến mất và việc tiếp tục thực hiện 5K sau khi tiêm chủng. Nếu toàn dân đều được tiêm chủng vaccine an toàn và đồng lòng thực hiện 5K thì tin rằng việc khống chế dịch bệnh sẽ không phải là chuyện xa tầm tay.

TS. Nguyễn Quốc Thục Phương - Nhà khoa học cao cấp bậc I, Công ty ACM Global Laboratories, Mỹ, Trưởng Dự án Thực phẩm Cộng đồng.

Công ty ACM Global Laboratories Mỹ là công ty chuyên thực hiện các xét nghiệm thử nghiệm lâm sàng pha 1-3 của các công ty từ 65 nước trên thế giới với ba trung tâm xét nghiệm tại Mỹ, Anh và Singapore.

Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày