Nguyễn Văn Chung tiết lộ Cao Thái Sơn chỉ mua hit độc quyền 2 năm, việc Nathan Lee làm "chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam"

Tiểu Duy, Theo Trí Thức Trẻ 17:18 22/05/2021

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tiếp tục có những chia sẻ sâu hơn về vấn đề tác quyền các ca khúc, "hâm nóng" câu chuyện giữa Nathan Lee - Cao Thái Sơn đang quá ồn ào những ngày qua.

Sau loạt những chia sẻ khá dài suốt 2 ngày nay, đến chiều 22/5, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tiếp tục có một bức tâm thư dài đăng tải trên trang cá nhân. Nội dung phần chia sẻ tiếp tục đi sâu vào vấn đề "mua độc quyền", "tác quyền" các sáng tác của anh và lấy trực tiếp trường hợp của Nathan Lee và Cao Thái Sơn vừa qua để làm "case study". Nhìn chung, đây là một góc nhìn của người có chuyên môn nhằm trả lời loạt cáo buộc mang tính cảm tính, quy chụp của một bộ phận không nhỏ netizen những ngày qua.

Nguyễn Văn Chung tiết lộ Cao Thái Sơn chỉ mua hit độc quyền 2 năm, việc Nathan Lee làm chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phần mở đầu bức tâm thư rất dài mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa chia sẻ

Cụ thể, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết dòng trạng thái này nhằm giải quyết triệt để các khúc mắc của công chúng xoay quanh việc "Bán bài đã từng độc quyền cho ca sĩ khác là có tham tiền và thiếu tình cảm hay không?". Anh cũng không ngần ngại đề cập trực tiếp đến Cao Thái Sơn và Nathan Lee trong bài viết của mình.

Về vấn đề bán bài hát từng thuộc độc quyền của một ca sĩ khác (ở đây là bán các bản hit từng được Cao Thái Sơn mua độc quyền lại cho Nathan Lee), nhạc sĩ cho biết vào năm 2007, Cao Thái Sơn đã mua độc quyền ca khúc Con Đường Mưa với giá 3 triệu đồng cho 2 năm sử dụng độc quyền; sang năm 2008, anh cũng tiếp tục mua Pha Lê Tím Tình Yêu Trở Lại cho 2 năm sử dụng độc quyền. Sau đó, do đường hướng phát triển của cả 2 khác nhau nên Nguyễn Văn Chung không sáng tác tiếp cho Cao Thái Sơn song khẳng định cả 2 vẫn luôn quý mến nhau và vẫn ủng hộ tất cả các sản phẩm mới của đối phương.

Với Nathan Lee, Nguyễn Văn Chung cho biết mối quan hệ giữa cả 2 là đồng nghiệp qua 3 lần hợp tác trong các show ca nhạc. Anh đánh giá Nathan Lee là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, đúng giờ và thể hiện tốt trách nhiệm của mình.

Nguyễn Văn Chung tiết lộ Cao Thái Sơn chỉ mua hit độc quyền 2 năm, việc Nathan Lee làm chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam - Ảnh 2.

Trở lại vấn đề độc quyền, Nguyễn Văn Chung cho biết sau 2 năm sử dụng độc quyền, Cao Thái Sơn đã không tiếp tục mua sử dụng độc quyền mà chỉ bỏ 2 triệu để có tác quyền trình diễn. Điều này có nghĩa, sau 2 năm độc quyền, Cao Thái Sơn có thể hát và các nghệ sĩ khác cũng có thể hát, miễn sao có đóng tác quyền cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Việc Nathan Lee mua độc quyền lần 2 các ca khúc trước đó Cao Thái Sơn đã từng mua độc quyền là điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, song lại hoàn toàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết việc này chưa từng có tiền lệ vì các nghệ sĩ khác sợ khi mua độc quyền lần 2 sẽ không thoát khỏi cái bóng của người mua lần đầu, đây cũng là tâm lý chung mà ai cũng ngầm hiểu song không phải là không có ngoại lệ.

Về lí do Nathan Lee không đơn thuần mua tác quyền mà bỏ tiền ra mua độc quyền, Nguyễn Văn Chung cho biết: "Khi ca sĩ mua độc quyền, họ sẽ dồn hết tâm sức để đầu tư bài hát cho tốt để họ còn thu hồi vốn và họ muốn hưởng trọn lợi nhuận. Họ nhiều tiền không có nghĩa là họ n** và xài phí." Tới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tiếp tục nhấn mạnh về việc giải quyết mọi thứ theo đúng pháp luật khi bàn đến vấn đề công việc. Anh cũng cho biết việc Nathan Lee mua độc quyền ca khúc lại trùng khớp với kế hoạch định hướng tương lai của anh nên anh hoàn toàn đồng ý.

Nguyễn Văn Chung tiết lộ Cao Thái Sơn chỉ mua hit độc quyền 2 năm, việc Nathan Lee làm chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng lấy thêm một ví dụ về ca khúc Nhật Ký Của Mẹ mà anh tặng cho ca sĩ Hiền Thục để làm sáng tỏ thêm vấn đề cũng như khá nhiều ví dụ khác trong cuộc sống. Anh cho biết mình bỏ thời gian dài đến vậy để viết bức tâm thư để khẳng định những ai bảo anh tham tiền là "ngu dốt và ấu trĩ".

... Các bạn thân mến! Mình viết status này gửi đến các bạn đang tranh luận về việc "Bán bài đã từng độc quyền cho ca sĩ khác là có tham tiền và thiếu tình cảm hay không?" là vì mình không muốn các bạn tốn thời gian tranh luận rồi tích tụ những năng lượng tiêu cực hay khẩu nghiệp chi cho mệt. Mình sẽ giải thích các vấn đề như sau cho các bạn rõ, lấy thẳng luôn Cao Thái Sơn và Nathan Lee làm case study mình không ngại vì mình trung lập và khách quan, cả 2 đều là đồng nghiệp thân thiết của mình:

1. VIỆC BÁN BÀI HÁT ĐÃ TỪNG ĐỘC QUYỀN BỞI CA SĨ KHÁC:

Mình bán bài Con Đường Mưa cho Cao Thái Sơn vào năm 2007 với giá 3 triệu (độc quyền 2 năm), Pha Lê Tím và Tình Yêu Trở Lại cho Cao Thái Sơn vào năm 2008 với giá là 5 triệu/bài (cũng độc quyền 2 năm). Tại sao lại chênh lệch nhau? Là tại vì mình chủ động lên giá theo sự góp ý của anh Phan Đinh Tùng vì anh Tùng nói "Anh thấy bài của em xứng đáng như vậy!" (Mình rất quý anh Tùng và đó là người đàn anh mình rất trân trọng). Sau khi Cao Thái Sơn hát, những bài hát đó thành hit và mình cũng cảm thấy vui khi 2 anh em có duyên hợp tác, bản thân mình cũng thấy nhạc mình rất hợp với Sơn! Sau đó, do mình muốn thay đổi sự mới lạ hơn trong các bài hát nhưng Sơn vẫn muốn giữ nguyên dòng nhạc đó nên 2 anh em không còn những bài mới cùng nhau, thế nhưng vẫn quý mến nhau! Những liveshow của mình, Sơn cũng đều đến tham gia rất nhiệt tình và không đòi hỏi catse, đối với mình đó là sự quý mến trao đi và tặng lại! Đó là tình cảm bạn bè!

Còn anh Nathan Lee thì trong 3 năm gần đây mình mới quen biết anh do những lần làm biên tập âm nhạc cho 1 tập đoàn lớn, yêu cầu những ca sĩ đẳng cấp có khả năng hát tiếng nước ngoài, mình làm việc cùng được 3 lần trong 3 show, và show nào anh ấy cũng hết sức chuyên nghiệp, đúng giờ, thể hiện tốt trình bày tốt nhận được đánh giá tốt của khách hàng, cực kỳ hợp tác với ekip biên tập đạo diễn. Và đây là tình đồng nghiệp!

Trở lại với việc bán nhạc, mình bán độc quyền cho Sơn 2 năm từ 2008 - 2010, thì trên nguyên tắc sau 2010 là hết hạn độc quyền, sẽ có thể có ca sĩ khác mua độc quyền và hát, thế nhưng trước giờ ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ đó, vì sao? Vì họ ngại, họ sợ bị huông, sợ không vượt qua được thành công bài gốc, họ sợ bị khán giả so sánh với bài cũ, vì họ tiếc tiền mua 1 bài đã từng được 1 ca sĩ khác hát, thay vì vậy, họ chỉ bỏ ra 2 triệu để được tác quyền, nghĩa là được hát cùng nhiều người mua tác quyền khác. Thực tế là sau thời hạn độc quyền từ 2010 đến giờ, Sơn vẫn thoải mái hát những bài đó ở rất nhiều sân khấu và cũng có lần Sơn thừa nhận là nhờ những bài đó mà Sơn có cuộc sống tốt hơn rất nhiều nhờ đi show! 1 bài hit có thể thay đổi cuộc sống của ca sĩ, thế nhưng lại chẳng thay đổi gì với cuộc sống của 1 nhạc sĩ! Nếu mình không tự làm gì cho bản thân mà cứ trông chờ vào việc ca sĩ hit hay không hit bài hát của mình thì chỉ có dậm chân tại chỗ trong xã hội này!

Vì suy nghĩ đó mà năm 2019, mình bắt đầu làm kênh YouTube #NguyenVanChungMusic của mình, và mình có kế hoạch làm mới lại, cover lại tất cả các bài hát hit của mình trong quá khứ, cho chúng 1 đời sống mới và vì đó cũng là gia tài tài sản của mình và là nguồn thu nhập thụ động của mình sau này, là di sản để lại cho các con! Vì thế, khi có ca sĩ, ở đây là anh Nathan Lee đặt vấn đề muốn làm mới lại những ca khúc hit của mình thì mình đồng ý vì nó đúng với kế hoạch của mình. Đến đây sẽ có người hỏi "Tại sao không bán tác quyền mà phải độc quyền?" Rất đơn giản: Khi ca sĩ mua độc quyền, họ sẽ dồn hết tâm sức để đầu tư bài hát cho tốt để họ còn thu hồi vốn và họ muốn hưởng trọn lợi nhuận. Họ nhiều tiền không có nghĩa là họ ngu và xài phí.

Vậy những điều trên đã lý giải mình có CHUYÊN NGHIỆP hay không rồi! Theo mình, chuyên nghiệp là làm đúng luật, đúng thoả thuận, không bị thiệt cho bất cứ người nào, và có lợi cho bản thân mình.

1 ví dụ: i cũng biết Hiền Thục là người thể hiện bài Nhật Ký Của Mẹ thành công nhất (bài này Chung tặng Thục thu nhé, không phải bán) nhưng bản ghi âm là mình giữ và nắm quyền sở hữu bài hát này. Từ lúc thành công tới giờ có rất nhiều ca sĩ xin phép thể hiện lại bài hát theo yêu cầu chương trình hoặc do yêu thích như Đoan Trang, Khánh Ngọc, Thanh Ngọc... không lẽ mình phải không cho phép thì mới là tình nghĩa? Không, mình vẫn cho phép, chỉ là mình không bán độc quyền vì mình đã tặng cho Thục, bài nào mình đã bán độc quyền thì mình có thể sẽ bán độc quyền tiếp! Đó là chuyên nghiệp, đó cũng là tình nghĩa!

Tình nghĩa sẽ nằm ở chỗ đã TẶNG là không lấy lại, không bán cho người khác! Ví dụ mình tặng cho nhiều ca sĩ những bài gia đình và thiếu nhi, mình cũng không bao giờ đòi lại để bán hay cấm họ hát nữa!

TÌNH NGHĨA nằm trong phạm vi ủng hộ tinh thần của bạn, không tranh cãi, không gây khó khăn cho công việc của bạn, chứ không có nghĩa là mình phải HY SINH LỢI ÍCH CỦA MÌNH VÌ MÂU THUẪN CỦA BẠN với người khác.

Thêm 1 ví dụ nữa cho các bạn dễ hiểu, mình có 1 người bạn thân làm chủ resort A ở Hải Phòng, và resort B là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, 2 bên thường xuyên công kích nhau. Thế nhưng, khi resort B gặp mình đặt vấn đề sáng tác bài hát cho họ, bạn mình hồ hởi vui vẻ "Quất liền đi Chung! Lấy giá cao nhé!"

2. TẠI SAO MÌNH PHẢI GIẢI THÍCH KỸ NHƯ VẬY?

Vì mình muốn các bạn không phải mất thời gian tranh luận xem ai đúng ai sai! Quan điểm mỗi người mỗi khác, người sống bằng nghề nhạc thì phải bán bài hát kiếm tiền từ nhạc, người sống bằng nghề khác thì họ không cần bán nhạc. Cái đó là lựa chọn mỗi người, không có liên quan gì đến tình nghĩa, càng không liên quan đến việc ai thanh cao hơn ai!

Còn việc mình kiếm tiền để làm gì lại là vấn đề cá nhân chứ những kẻ chỉ trích mình THAM TIỀN thật là ấu trĩ và ngu dốt! Nhân đây mình sẽ thông não cho bạn luôn!

Nguồn tiền tác quyền mình kiếm được từ những bài HIT về tình yêu, mình đầu tư vào 8 năm mình viết 30 bài hát thiếu nhi: hoà âm 300 bài (450 triệu), thu âm 300 bài (300 triệu), in sách 100 bài hát thiếu nhi (130 triệu) để ĐI TẶNG CHO CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC VÀ MẦM NON, chi phí truyền thông quảng bá sách (hơn 100 triệu), sắp tới là còn in BỘ SÁCH 300 BÀI HÁT THIẾU NHI và đi quảng bá cho chúng nữa... nguồn bài hát và beat nhạc này, mình TẶNG FREE cho tất cả Thầy Cô Âm Nhạc trên cả nước Việt Nam để dạy cho các con!

Có 3 nơi mà mình sẽ KHÔNG BAO GIỜ THU TIỀN:

- Nhà Trường

- Nhà Thờ/ Chùa

- Chương trình/ dự án từ thiện

Mục tiêu đó có đủ lớn lao để mình phải cân nhắc chuyện bán nhạc của mình hay chưa?

Bên cạnh đó, mình còn có gia đình và con cái để lo. Việc mình BÁN TÁC PHẨM CỦA MÌNH để THU LỢI NHUẬN cho mình thì có gì mà THAM TIỀN và THIẾU TÌNH NGHĨA?

Mình thấy có bạn ví von kiểu "quên đóng tiền nhà thì phải nhắc chứ không lẽ vứt đồ đạc ra đường", bạn không hiểu luật, càng không hiểu câu chuyện! Vấn đề ở đây là bài hát đã HẾT HẠN ĐỘC QUYỀN, ai thích hát hoặc ai thích sở hữu thì VẪN CÓ THỂ ĐẶT VẤN ĐỀ MUA và người sở hữu vẫn có thể đồng ý! Trong chuyện này, không ai quăng đồ ai ra đường cả, không ai thiệt thòi gì cả!

Sau status này, mình sẽ phải mở mail xem BIỂU HỌC PHÍ LỚP 4 của con!

TƯƠNG LAI CỦA CON MÌNH ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?

Nguồn: FBNV