Có thể bạn cảm thấy vô cùng hào hứng với những tuyên bố trong sự kiện mới nhất của Apple. Tuy nhiên, với người dùng Apple ở Trung Quốc thì, sự kiện này thật lãng phí thời giờ.
"Apple vừa tung ra một loạt website 404 đấy," một người dùng Zhihu, nền tảng hỏi đáp phổ biến Trung Quốc, đùa cợt sau sự kiện của Apple. "Với người xem ở Trung Quốc, sự kiện này quả thực chẳng có điểm sáng hay giá trị gì hết," trích 1 bài đăng rất nhiều likes trên Weibo.
Lý do, không phải người Trung Quốc cảm thấy thất vọng vì loạt dịch vụ mới của Apple (Apple News+, Apple Card, Apple Arcade and Apple TV+) - mà bởi vì, chẳng có tiện ích nào trong số đó có mặt ở Trung Quốc, ít nhất là tương lai gần.
Người tiêu dùng Trung Quốc có yêu iPhone không? Có chứ, rất nhiều người ở quốc gia tỷ dân yêu thích sản phẩm của Apple. Thế nhưng, một vài trong số những dịch vụ lớn nhất của Apple lại chẳng dùng được ở Trung Quốc.
Vào năm 2016, iTunes và iBook đã bị đóng cửa ở Trung Quốc theo yêu cầu của cơ quan quản lý truyền thông quốc gia.
Ngoài ra, Apple News cũng không có sẵn ở Trung Quốc, ai muốn vào phải chuyển đổi khu vực sang Mỹ, Anh hoặc Úc. Tuy nhiên, cách này có vẻ không ổn vì mạng di động Trung Quốc tiếp tục nói không với Apple News.
Tuy nhiên, không thể khẳng định nhóm dịch vụ mới đó sẽ vĩnh viễn không xuất hiện ở Trung Quốc. Apple cho hay, Apple Arcade và Apple TV+ sẽ có mặt tại hơn 100 quốc gia, vì thế vẫn có cơ hội cho người dùng Trung Quốc - chỉ là, không rõ đó là lúc nào, mất bao lâu... để vượt qua hệ thống kiểm duyệt nội dung số khắt khe của Trung Quốc.
Quay trở lại với Zhihu, một bài đăng khác đã "tổng hợp" nỗi thất vọng và buồn chán của người dùng sản phẩm Apple ở Trung Quốc: "Để tóm gọn sự kiện của Apple, đơn giản thôi. Không dùng được, không dùng được. Vẫn không dùng được, ô Aquaman kìa!! Vẫn không dùng được, không dùng được... Hết!"
Apple TV+ là một trong những dịch vụ mới của Apple để cạnh tranh với Netflix.
Trên Weibo, dân mạng lại thảo luận sôi nổi về vấn đề khác: Liệu người Trung Quốc có cần loạt dịch vụ mới của Apple không?
Không có Facebook, YouTube và Netflix, từ lâu, Trung Quốc đã phát triển những nền tảng tương tự lại phù hợp với thị hiếu người dân trong nước.
Từ streaming cho tới thanh toán di động, có thể khẳng định người Trung Quốc chẳng thiếu ứng dụng gì. Mặt khác, gamer Trung Quốc cũng có xu hướng chơi những game free-to-play thay vì phải mua đứt từ lâu lắm rồi.
"Kể cả nhé, nếu loạt dịch vụ đó vào được Trung Quốc, chúng sẽ bị đá bay trở về Thái Bình Dương bởi các đối thủ trong nước," một bài đăng khác trên Zhihu cho hay. "Apple Card trông đẹp thật đấy nhưng chúng tôi thanh toán bằng di động hết rồi..."