Đó là trường hợp bà T.T.T. (54 tuổi, ngụ tại Long An). Thời điểm nhập viện, cơ thể bà T. bị bỏng nặng ở vùng lưng và vùng bụng. Theo bệnh sử, trước khi tai nạn xảy ra, nữ bệnh nhân đã gọi người đến đấm bóp, giác hơi nhằm mục đích thư giãn. Tuy nhiên, khi đang sử dụng cồn để giác hơi thì sự cố xảy ra khiến cồn đổ lên cơ thể, ngay lập tức lửa bùng lên, bà T. biến thành ngọn đuốc sống.
Sau khi được dập lửa, nạn nhân đã bị bỏng nặng phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nổi bóng nước, phồng rộp ở vùng lưng, ngực và vùng bụng . Qua thăm khám, bác sĩ xác định người bệnh bị bỏng độ II (khoảng 11% cơ thể). Bệnh nhân đã được điều trị bằng giảm đau, kháng sinh, chống sốc bỏng. Sau nỗ lực điều trị tích cực của các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua được nguy kịch.
Theo BS Quang Nhật, giác hơi là phương pháp nhiều người áp dụng với mục đích giảm đau, trị bệnh hoặc thư giãn. Tuy nhiên, việc giác hơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây ra hậu quả không lường trước, điển hình như bỏng lửa cồn ở trường hợp bệnh nhân trên. Tình trạng bỏng lửa trên diện rộng không chỉ gây đau mà có nguy cơ để lại di chứng sẹo lồi , sẹo co rút, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu không may bị bỏng, người dân cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ xử trí kịp thời. Bệnh nhân bỏng không nên tự ý mua thuốc hoặc đắp các loại lá truyền miệng trong dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng máu gây nguy hiểm cho tính mạng.