Tình trạng thiếu chỗ gửi xe không chỉ diễn ở khu vực công cộng mà còn ở chung cư. Điều này đẩy giá bán chỗ đậu xe lên rất cao, từ đó tạo nguồn thu nhập lớn dành cho những người đầu tư vào loại hình kinh doanh này.
Cách đây vài năm, tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), một người phụ nữ họ Hứa đã đồng thời mua hết 556 chỗ đậu xe. Trước khi bà Hứa mua chỗ đỗ xe, mọi người đều có thể dễ dàng để xe ngoài đường nên không ai muốn mua vị trí dưới hầm chung cư.
Tuy nhiên, bà Hứa đã có tầm nhìn xa hơn. Bà dự đoán trong tương lai, khi chính sách cấm đỗ xe bên đường bị siết chặt, cùng với khu vực đô thị ngày càng phát triển mạnh mẽ thì sẽ kéo theo nhu cầu về chỗ gửi xe càng tăng cao. Sau khi hoàn thành giao dịch mua chỗ đậu xe, bà Hứa iếp tục uỷ thác cho một công ty bán hàng bán những chỗ đậu xe này với tư cách là đại lý.
Phán đoán của bà Hứa là không sai. Bởi chỉ khoảng nửa năm sau, nhu cầu về chỗ đậu xe của cư dân tại các chung cư ngày càng gia tăng. Điều này khiến các chủ đầu tư chung cư và cư dân sở hữu xe ô tô, không còn lựa chọn nào khác là tìm đến bà Hứa để ký hợp đồng mua lại những chỗ đậu xe mà họ vừa bán cách đây không lâu.
Nhiều chủ xe ban đầu không mua chỗ đậu xe vì họ nghĩ có thể đi thuê với mức giá rẻ. Nhưng thực tế không tốt như họ nghĩ. Bởi bà Hứa quyết định chỉ bán chỗ đậu xe với giá cao, chứ không có ý định cho thuê.
Bà Hứa mua chỗ đậu xe với mức giá 80.000 tệ/chỗ (~279 triệu), tức là đã chi khoảng 44,48 triệu tệ (~155 tỷ) cho 556 chỗ đậu xe. Bà Hứa bán chỗ đậu xe với giá 140.000 tệ/chỗ (~488 triệu), tức thu về lãi 60.000 tệ (~209 triệu) cho một chỗ đậu xe. Nếu bán hết chỗ đậu xe này, số tiền hơn 44 triệu tệ ban đầu mà bà Hứa bỏ ra không chỉ thu về đầy đủ, mà bà còn có lãi ròng là hơn 30 triệu tệ (~104 tỷ).
Trước thông tin về mức tăng giá của chỗ đậu xe, nhiều cư dân đã bày tỏ bức xúc. Họ chỉ trích ban quản lý các khu chung cư đã ngầm bắt tay với bà Hứa để bán toàn bộ chỗ đậu xe cho một người, từ đó gây thiệt hại cho cuộc sống của cư dân. Nhiều người còn kéo đến nhà bà Hứa và dùng những thứ xúc phạm nặng nề. Một số cư dân sau khi dọn vào chung cư và phát hiện chỗ đậu xe đã bị mua hết thì tức giận cho rằng hành vi của bà Hứa không khác nào là cướp tài sản.
Về phía ban quản lý của chung cư, họ biện minh rằng trước khi bán, họ công khai thông báo để cư dân có cơ hội mua chỗ đậu xe, nhưng không ai quan tâm vào thời điểm đó. Khi có một cá nhân bỏ ra số tiền lớn, sẵn sàng thanh toán hết cùng một lúc số lượng lớn chỗ đậu xe như bà Hứa thì việc giao dịch với đối phương là hợp tình, hợp lý.
Nhiều cư dân cho rằng hành vi mua hết chỗ đậu xe nhưng chỉ chấp nhận bán lại của bà Hứa là tạo tính độc quyền và gây rối trên thị trường.
Trước hết từ góc độ pháp lý, bà Hứa hoàn toàn có quyền tự do mua nhiều chỗ đậu xe. Bởi vì đây là hành vi không bị pháp luật nghiêm cấm nên việc người phụ nữ mua hơn 500 chỗ đậu xe không bị tính là độc quyền và định hướng thị trường.
Tuy nhiên, hành vi này có thể bị xem xét là chiếm dụng tài nguyên công cộng. Các nhà phát triển luôn bố trí một số lượng chỗ đậu xe nhất định trong cộng đồng để đa số chủ sở hữu ô tô có chỗ đậu xe. Nếu một người cố tình mua nhiều chỗ đậu xe và không đồng ý cho thuê thì người đó đang trá hình chiếm dụng tài nguyên công.
Có thể nói từ góc độ phân bổ tài nguyên công cộng, hành vi của bà Hứa là không hợp lý và ảnh hưởng nặng đến tập thể. Cuối cùng, sau khi cân nhắc thiệt hơn, bà Hứa đã quyết định cho thuê tất cả chỗ đậu xe mà bà còn nắm giữ, với mục đích giảm bớt khó khăn cho cư dân, cũng như tránh được xung đột không đáng có.
Theo 163.com