Người dùng thi nhau mở rồi đóng thẻ tín dụng, “nhảy” bank liên tục

Vũ Hoàng Giang, Theo An ninh tiền tệ 10:10 15/08/2024
Chia sẻ

Mở và đóng thẻ tín dụng hiện nay rất dễ dàng, có thể chỉ thực hiện trực tuyến. Điều này dẫn đến việc khách hàng hễ thấy chính sách ưu đãi của thẻ tín dụng của ngân hàng khác tốt hơn liền không ngần ngại đóng thẻ cũ để chuyển sang thẻ mới.

Xu hướng thanh toán không tiền mặt, chi tiêu trước trả tiền sau cùng với sự gia tăng trong nhu cầu mua sắm tiêu dùng, nhất là ở nhóm người trẻ, đang khiến thị trường thẻ tín dụng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Nếu như một vài năm về trước, quy trình phát hành thẻ tín dụng tương đối phức tạp khi người dùng phải đáp ứng hàng loạt các loại giấy tờ, hồ sơ rườm rà, thì hiện nay, các ngân hàng đang ra sức cải tiến quy trình mở thẻ tín dụng khi cho phép người dùng đăng ký trực tuyến, phê duyệt nhanh, tối giản hóa hồ sơ.

Một vài loại thẻ còn không yêu cầu khách hàng phải chứng minh tài chính, thu nhập với vô vàn các dịch vụ ưu đãi đi kèm. Một người có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng đã có thể dễ dàng sở hữu 1 chiếc thẻ tín dụng với nhiều tiện ích.

Để đẩy mạnh sản phẩm này, trong những năm trở lại đây, các ngân hàng trong nước đua nhau ra mắt các dòng thẻ mới cùng hàng loạt các chính sách ưu đãi đi kèm. Trong đó, cuộc đua "cash back" là một trong những "chiêu bài" gây chú ý nhất với những dòng thẻ có tỷ lệ hoàn tiền lên tới 15-20%. Một khách hàng có mức chi tiêu cao hoàn toàn có thể được hoàn hàng triệu đồng chỉ trong 1 tháng.

Hay các chương trình ưu đãi khi mở thẻ có thể kể đến như tặng vali, voucher giảm giá,...Các ngân hàng cũng mạnh tay miễn phí thường niên, có khi lên tới hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi năm cho khách hàng mở thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, các chương trình ưu đãi để hấp dẫn khách hàng mở thẻ ban đầu thường không kéo dài lâu. Chẳng hạn như chính sách miễn phí thường niên chỉ trong vài năm đầu, sau đó khách hàng phải có chi tiêu đạt mức tối thiểu mới được tiếp tục miễn phí. Chính sách chiết khấu, giảm giá cũng sẽ có sự thay đổi liên tục.

Chẳng hạn, một dòng thẻ tín dụng mới đây cũng đã có sự cập nhật về chính sách hoàn tiền gây không ít bất ngờ cho các chủ thẻ hiện hữu. Cụ thể, trước đây trong 1 kỳ sao kê, thẻ tín dụng Cake Freedom cho phép hoàn tiền tối đa tới 1 triệu đồng với điều kiện chi tiêu tối thiểu 2 triệu đồng. Nhưng từ tháng 9 trở đi, số tiền hoàn tối đa vẫn là 1 triệu đồng với điều kiện chi tiêu tối thiểu 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, dòng thẻ này cũng có điều kiện mức hoàn tiền với mỗi giao dịch, ngành hàng chi tiêu khác nhau

Không chỉ dòng thẻ trên, mà hàng loạt dòng thẻ tín dụng trên thị trường hiện nay cũng liên tục thay đổi chính sách ưu đãi cho khách hàng. Điều này dẫn đến hiện tượng khách hàng cũng liên tục "nhảy" bank, chuyển sang các dòng thẻ mới ưu đãi hơn bởi thủ tục mở thẻ rất dễ, chỉ cần có lịch sử tín dụng tốt.

Chị Hoài Linh (29 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Hai năm trước, mình mở thẻ tín dụng của một ngân hàng có liên kết với Shopee vì thấy có chương trình hoàn tiền rất cao. Cứ khoảng 2-3 tháng là mình lại được rút hoàn tiền tới 500 nghìn đồng. Tuy nhiên đến thời gian gần đây, mặc dù vẫn chi tiêu mua sắm bình thường, số tiền hoàn không còn như trước, lại phải đóng phí thường niên 500 nghìn đồng".

Hoài Linh nói thêm rằng khá bất ngờ vì mặc dù rất hay để ý email, thông báo của ngân hàng trên App, trên mail nhưng cũng không tiếp cận được thông tin ngân hàng thay đổi chính sách ưu đãi. Bây giờ  thấy nhiều loại thẻ mới được phát hành có nhiều ưu đãi hơn, chị đang tính đến việc đóng thẻ cũ để chuyển sang chi tiêu trên thẻ mới.

Có thể nói, chưa khi nào cuộc đua mở thẻ tín dụng trở nên "khốc liệt" như vài năm gần đây, với nhiều nhà băng ghi nhận số lượng thẻ mới tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, việc giữ chân được khách hàng là điều không hề đơn giản khi các dòng thẻ ra đời về sau ngày càng vượt trội về công nghệ, về ưu đãi, tiện ích. Lạm dụng các chính sách ưu đãi vô hình chung cũng tạo ra nhiều bất lợi cho các ngân hàng khi xây dựng tệp khách hàng trung thành. Vì vậy, bài toán thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ là không hề dễ, đòi hỏi ngân hàng cần có những sáng tạo, nâng cấp sản phẩm để duy trì sức cạnh tranh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày