Tiêu tiền không đúng chỗ, chi tiêu theo cảm xúc có thể khiến bạn đi làm mãi nhưng thấy mình vẫn nghèo, không có nổi một đồng tiết kiệm. Cũng vì nguyên do này mà nhiều người trẻ dù có thu nhập cao nhưng sau vài năm đi làm, quỹ dự phòng và tiết kiệm chỉ là con số khiêm tốn, thậm chí bằng không.
Cô nàng 27 tuổi dưới đây chính là ví dụ. Cụ thể, trong một hội nhóm thảo luận về tài chính cá nhân và đầu tư, cô nàng này đã nhờ cộng đồng mạng cho lời khuyên vì cô kiếm được thu nhập 40 triệu, nhưng mỗi tháng chỉ có thể tiết kiệm được 10 triệu. "Phải làm sao để tiết kiệm đây, với đà này thì sau này chắc cạp đất mà ăn", cô nàng than thở.
Tình hình tài chính của cô nàng này có thể tóm tắt như sau: Hàng tháng với tổng thu nhập 40 triệu, cô dành 10 triệu để tiết kiệm, 7 triệu cho chi phí sinh hoạt hàng tháng đóng cho gia đình. Còn lại bao nhiêu thu nhập cô đổ vào các khoản chi linh tinh, mà cô phân loại chúng thành tiền tiêu vặt, tiêu vào sàn thương mại điện tử và thẻ tín dụng.
Trong phần bình luận của bài đăng, mọi người đều tán đồng rằng cô nàng có nhiều yếu tố để có thể tiết kiệm được nhiều hơn, đó là mức lương tốt và không chịu chi phí thuê nhà. Cũng vì thế, họ khuyên cô nên lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng và duy trì lối sống tiết kiệm, như thế mới có tài chính để lo cho các dự định tương lai và phòng ngừa những trường hợp rủi ro.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Bây giờ bạn nên tiết kiệm 30 chục, xài 10 trực thôi.
- Cái này bạn bắt buộc phải bắt bản thân kỷ luật với đồng tiền. Và bạn nên đặt mục tiêu tích cóp mua gì đó lớn lao như nhà đất chẳng hạn thì mới có động lực.
- Bạn mua trả góp một miếng đất nhỏ, hoặc ô tô. Thì bạn sẽ tự nhiên có động lực lo làm ăn và tiết kiệm để trả nợ.
- Lương cao mà cách quản lý tài chính kém quá. Bạn nên chia nhỏ thu nhập vào các khoản mục tiêu dùng, nhưng nhớ phải dành ít nhất 50% lương để tiết kiệm. Có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng luôn để mình không tiêu xài vào chúng.
- Bây giờ bạn hãy quên lương 40 triệu đi, bạn phải nghĩ lương mình chỉ 20 triệu. Bạn phải làm sao sống trong mức lương 20 triệu thôi, tới tháng chỉ rút 20 triệu tiêu xài và cố gắng tính toán hợp lý, ép bản thân mình sống trong mức xài đó. Nếu lỡ tháng đó thiếu có 1-2 triệu thì bạn mượn người khác xài tạm, tháng sau nhận lương thì trả lại họ. Bạn phải làm việc với tư tưởng của bản thân trước khi áp dụng. Mình cũng từng sử dụng cách này.
Ngoài ra, mình mở thẻ tín dụng nhỏ, khi nào thiếu tiền thì rút ít nhưng nhớ phải có trách nhiệm trả lại. Bạn làm vài tháng như vậy thì sẽ thấy có được khoản tiết kiệm kha khá là kích thích bản thân làm theo.
1/ Lập kế hoạch quản lý tài chính theo tỷ lệ chặt chẽ
Mua sắm quá tay có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài chính, thậm chí khiến bạn mang nợ. Để có thể nắm bắt tình hình tài chính, bạn nên lập ngân sách để tính xem số tiền của bạn thực sự có thể tự do chi tiêu. Đối với những người mới bắt đầu lập ngân sách, có những quy tắc được thiết lập trước như quy tắc 50-30-20 hoặc quy tắc 80-20 sẽ chia thu nhập của bạn thành các khoản bạn chi tiêu cho nhu cầu, mong muốn và tiết kiệm hợp lý.
2/ Cố gắng có một khoản tiết kiệm hàng tháng
Nếu không chắc mình có thể "dừng lại" trước các pha mua sắm bốc đồng, bạn nên đặt mục tiêu cụ thể rằng hàng tháng mình nên để dành bao nhiêu tiền. Đầu tháng sau khi nhận lương, bạn hãy cất riêng số tiền tiết kiệm này vào một nơi đựng tiền riêng, chẳng hạn là tài khoản ngân hàng khác. Gợi ý là nếu bạn thấy việc này có vẻ quá khó khăn, hãy cài đặt chế độ chuyển tiền tự động từ đầu tháng ở các ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Bằng phương pháp này, tiền sẽ vào tài khoản tiết kiệm trước khi bạn có cơ hội tiêu.
3/ Học cách kiềm chế mua sắm bốc đồng
Tại sao mua thêm đồ khiến bạn thấy vui vẻ và mới mẻ trong thời gian đầu? Bởi lẽ hành động shopping có thể kích hoạt sản xuất dopamine giúp ta thấy thoải mái. Khi bị cảm xúc chi phối, bạn sẽ khó mà nói "không" trước các pha mua sắm bốc đồng. Vậy giải quyết thế nào đây? Bên cạnh tự bắt ép bản thân chỉ mua sắm trong giới hạn chi tiêu nhất định hàng tháng, bạn phải hạn chế phụ thuộc vào việc dùng thẻ tín dụng hoặc giảm hạn mức tiêu dùng của thẻ. Nếu không có tiền trong ví và không thể vay mượn thêm từ ai, tự khắc mong muốn mua đồ mới của bạn sẽ giảm xuống bằng 0.