Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vực dậy từ hai bàn tay trắng sau thảm họa động đất

Phương Anh, Theo VOV 22:31 22/02/2023

Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ may mắn sống sót sau thảm họa động đất chết người vừa qua vẫn mạo hiểm quay trở lại những ngôi nhà bị hư hại hoặc tàn phá với hy vọng cố gắng nhặt nhạnh chút đồ đạc còn sót lại để phục vụ cho cuộc sống sau thiên tai đầy thách thức và khó khăn.

Hai tuần sau thảm họa động đất, hầu hết cư dân Antakya đã rời đi hoặc một số đang ở trong những nơi trú ẩn tạm thời. Sự lo lắng và hoảng loạn do hai trận động đất mới nhất tối 20/2 vừa qua tiếp tục lan rộng ở khu vực vẫn đang phải đối mặt với sự tàn phá do động đất kinh hoàng trước đó. Đã có ít nhất ba người thiệt mạng trong lúc quay trở lại nhà cũ để lượm nhặt đồ đạc.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vực dậy từ hai bàn tay trắng sau thảm họa động đất - Ảnh 1.

Hậu quả động đât Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anodulu

Đứng giữa đống hoang tàn đổ nát, Yasir Bayrakci, một thợ hàn 28 tuổi bần thần cho biết: "Chúng tôi đã chôn cất những người thân của mình, những người đã thiệt mạng trong trận động đất và giờ đây họ có thể yên nghỉ. Chúng tôi không thể khiến những người đã khuất trở về. Nhưng vì chúng tôi đã may mắn sống sót, nên chúng tôi vẫn đang cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Mất chị gái trong trận động đất ngày 6/2, Bayrakci cùng sáu người thân khác đang quay lại nhà cũ nhặt nhạnh những món đồ đạc còn dùng được. Qua cửa sổ mở ở căn hộ tầng hai, giờ chỉ có thể tiếp cận từ đống đổ nát của tòa nhà liền kề, họ khệ nệ khiêng ra ngoài một tấm nệm phủ đầy bụi, chiếc ghế dài và máy giặt… rồi cẩn thận gói ghém từng thứ vào những chiếc bao tải. Cũng giống như gia đình Bayrakci, tại những khu vực xảy ra động đất, nhiều gia đình cùng chuyền tay nhau bất cứ thứ gì có thể tìm thấy từ đống đổ nát.

Quanh sân vận động Hatay, dưới những mái lều dựng tạm, nhịp sống của hàng trăm gia đình di tản từ các khu lân cận vẫn tiếp diễn. Để chống chọi với thời tiết giá lạnh, nhiều người buộc tìm đến các điểm phân phát củi đốt và quần áo ấm. Thực phẩm và nước uống cũng được chính phủ và các tổ chức từ thiện cung cấp miễn phí.

Động đất không chỉ gây chết chóc và sự tàn phá mà còn để lại những tổn thương sâu sắc cho những người sống sót. Các chuyên gia tâm lý sau khi đến thăm một số tỉnh bị ảnh hưởng bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hầu hết những người sống sót sau thảm họa chết chóc này đều bị sốc trong vài ngày sau khi biến cố lớn xảy ra. Vì vậy, các hỗ trợ dài hạn cần đặc biệt chú ý đến khía cạnh tâm lý, xã hội, để giúp những người sống sót ở mọi lứa tuổi hiểu được hoàn cảnh mà họ trải qua và vực dậy từ hai bàn tay trắng.

Phó trưởng phòng triển khai thực địa - Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc Ghada Eltahir Mudawi, trong cuộc họp báo ngày hôm qua nhấn mạnh: "Các đánh giá nhanh cho thấy nơi trú ẩn, trú đông và tiền mặt là những ưu tiên hàng đầu lúc này cho những người phải di dời. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng rất cấp bách, vì chúng tôi nhận thấy rằng 20% trong số hơn 600 cộng đồng được đánh giá, họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách đầy đủ".

Tổ chức từ thiện quốc tế Save the Children cũng vừa kêu gọi hỗ trợ tâm lý xã hội cùng với viện trợ nhân đạo trên khắp khu vực bị động đất, cảnh báo rằng, sức khỏe tinh thần và phúc lợi của 7 triệu trẻ em cả ở Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia láng giềng Syria có nguy cơ bị ảnh hưởng trong nhiều năm tới do trận động đất thảm khốc và các đợt dư chấn vừa qua.