Người đàn ông đột tử khi đang chơi cầu lông, bác sĩ cảnh báo: 3 việc không làm sau khi vận động mạnh

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 00:00 11/03/2024
Chia sẻ

Các vụ đột tử hay đột quỵ khi đang tập thể dục thể thao không hề hiếm gặp. Theo các chuyên gia, ngoài tập luyện quá sức thì còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng.

Một người đàn ông 53 tuổi (Thung lũng Klang, Malaysia) đã đột ngột lên cơn đau tim rồi tử vong trong khi đang chơi cầu lông. Những người xung quanh cho biết, ông vốn là người khỏe mạnh, có thể chất tốt, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao. Vì vậy, khi nghe tin ông đột tử ai nấy đều bất ngờ.

Theo lời tưởng thuật của những người bạn chơi cầu lông cùng ông, ngay hôm đó họ chơi vào tối muộn khoảng gần 23 giờ ở sân tập trong nhà. Trước khi chơi, ông hoàn toàn không có gì bất thường. Sau đó, đang chơi rất hăng thì đột nhiên người đàn ông này ôm lấy ngực, ngã xuống đất rồi ngất xỉu mà không kịp nói một lời nào. Họ đã lập tức gọi xe cấp cứu và thông báo cho người nhà của ông, đồng thời liên lạc với bên cảnh sát quận.

Nhận được tin báo, nhân viên cứu thương địa phương đã nhanh chóng đến hiện trường. Họ tiến hành hồi sức tim phổi cho nạn nhân và đưa ông đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi, đã tử vong vào lúc 23 giờ 38 phút cùng ngày. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân tử vong là do nhồi máu cơ tim cấp tính.

Người đàn ông đột tử khi đang chơi cầu lông, bác sĩ cảnh báo: 3 việc không làm sau khi vận động mạnh - Ảnh 1.

Người đàn ông đột tử trong khi chơi cầu lông dù trước đó rất khỏe mạnh, chơi thể thao thường xuyên (Ảnh minh họa)

Điều tra từ phía cảnh sát cho thấy người đàn ông này từng mua thuốc hạ huyết áp tại hiệu thuốc nhưng không có bất cứ hồ sơ điều trị bệnh nào tại các cơ sở y tế dù công hay tư. Từ đó, nhóm pháp y cùng các bác sĩ đưa ra kết luận khả năng rất cao bệnh lý nền về tim mạch chính là nguyên nhân khiến ông đột tử khi chơi cầu lông. Hơn nữa, xét tuổi ông đã ngoài 50, vận động mạnh vào tối muộn dù là trong nhà cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

3 việc không nên làm ngay sau khi vận động mạnh

Tiến sĩ Liang Yongxiong (Đài Loan) là chuyên gia về tim mạch với hơn 20 năm kinh nghiệm lâm sàng. Ông chia sẻ, những trường hợp đột tử khi tập luyện thể dục thể thao, vận động mạnh là không hề hiếm gặp. Nhất là với những người có bệnh lý về tim mạch, trong thời tiết lạnh, với những người cao tuổi.

Ông nói: “Đột tử do vận động có thể được định nghĩa là đột tử trong hoặc sau khi tập thể dục thể thao, vận động mạnh. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng đột tử kiểu này thường do tập luyện quá sức hoặc không khởi động. Thực tế, nguyên nhân đột tử do vận động lại thường gắn kết với các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Ví dụ như bạn có bệnh tim tiềm ẩn và tim bị quá tải khi vận động gắng sức, bạn có thể có nguy cơ đột tử do vận động”. Tiến sĩ Liang cũng cho biết, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy đột tử khi tập thể dục dưới 35 tuổi hầu hết liên quan đến bệnh tim di truyền. Trong khi đột tử khi tập thể dục trên 35 tuổi chủ yếu liên quan đến bệnh tim mạch vành.

Còn Tiến sĩ Yu Yunying, Phó trưởng khoa Thuốc ngủ và Thần kinh học tại Bệnh viện Phục hồi chức năng trực thuộc Đại học Y học Cổ truyền Phúc Kiến (Phúc Kiến, Trung Quốc) cũng đưa ra nhận định tương tự Tiến sĩ Liang Yongxiong. Ông cho rằng, nhiều người đang nhầm lẫn giữa đột tử với đột quỵ dù liên quan tới vận động mạnh hay không. Đột tử do vận động phải được xét trong và cả sau quá trình tập luyện.

Ông cũng nhắc nhở, ngoài việc lựa chọn bộ môn, cường độ, thời điểm vận động phù hợp thì chúng ta còn cần tránh một số việc sau khi vận động mạnh như:

- Uống nhiều nước, nhất là nước lạnh.

- Đi tắm ngay, kể cả với nước ấm.

- Ngồi quạt hoặc điều hòa nhiệt độ thấp.

Người đàn ông đột tử khi đang chơi cầu lông, bác sĩ cảnh báo: 3 việc không làm sau khi vận động mạnh - Ảnh 2.

Không nên vội vã uống nhiều nước, nhất là nước quá lạnh ngay sau khi vận động mạnh (Ảnh minh họa)

Bởi vì lúc này cơ thể vừa tiêu hao nhiều năng lượng, nhịp tim và hơi thở chưa ổn định, mạch máu giãn nở. Những hành vi này có thể gây co thắt ngay lập tức các mạch máu khắp cơ thể, rối loạn huyết áp hay tăng độ nhớt của máu, đông máu, tắc nghẽn mạch máu. Từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ và đột tử.

Nguồn và ảnh: Topick, Family Doctor, Asia One

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày