Anh Nguyễn Xuân Thắng* (48 tuổi, tại TP.HCM) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng yếu liệt nửa người, không nói được.
Vợ anh Thắng cho biết trước đó sức khoẻ của anh bình thường. Vào buổi tối trước hôm xảy ra đột quỵ, anh Thắng vẫn đi liên hoan tất niên. Do uống rượu nhiều, anh Thắng về nhà trong tình trạng say xỉn. Sáng hôm sau, vợ anh Thắng thấy anh nằm ngủ nên không gọi anh dậy mà đưa con đi học luôn rồi đi làm. Tới buổi trưa, chị về nhà xem tình hình của chồng thì thấy anh đã mê man, liệt, tiểu tiện không kiểm soát.
Vợ anh Thắng nhanh chóng gọi xe đưa chồng đi cấp cứu. Chị cho biết chồng mình bị tăng huyết áp, nhưng gần đây thấy huyết áp ổn định nên anh đã dừng uống thuốc và không đi khám lại.
Trường hợp bệnh nhân đột quỵ sau can thiệp đang được bác sĩ thăm khám (ảnh minh hoạ).
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới. Đột quỵ thường có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến những di chứng không thể phục hồi, tạo gánh nặng về kinh tế cho cả gia đình và xã hội, thậm chí là tử vong.
BSCKI Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vào mùa Tết, số ca đột quỵ nhập viện tăng rõ hơn so với các tháng trước. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do:
- Thời tiết mùa Tết thường lạnh: Đây là yếu tố nguy cơ khiến tỷ lệ đột quỵ tăng nhiều so với khi thời tiết ấm áp.
- Thay đổi giờ giấc sinh hoạt: Việc thức khuya, đi chơi xa, thay đổi cả giờ ăn uống là tình trạng thường gặp trong những ngày Tết. Nhiều người quên mang thuốc, quên không uống thuốc điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhóm người mang các bệnh lý kể trên.
-Sử dụng nhiều bia rượu: Đây cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo bác sĩ Khoa, bệnh nhân Thắng bị đột quỵ do mang nhiều yếu tố nguy cơ.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các dấu hiệu để nhận biết người bị đột quỵ, bao gồm:
- Mất thăng bằng, hoa mắt chóng mặt, cử động khó khăn, không thể phối hợp các động tác vận động.
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn.
- Tầm nhìn bị giảm đột ngột, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.
- Yếu liệt một bên cơ thể hoặc không thể cử động một bên chân tay. Cách nhận biết chính xác nhất là bạn không thể nhấc 2 tay lên cùng 1 lúc.
- Đột nhiên cảm thấy mất sức, cơ thể mệt mỏi.
- Tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó, nhân trung bị lệch.
- Mất khả năng nói hoặc nói nhưng khó phát âm, không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bị đột quỵ lặp lại một câu ngắn bạn vừa nói.
Khi có một trong những triệu chứng trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu sớm.
Bác sĩ Khoa cảnh báo, nhiều người có cách xử lý sai lầm cho nạn nhân bị đột quỵ, ví dụ như cạo gió, chích máu, cúng bái, uống thuốc truyền miệng, chờ cho người bệnh khỏe lại,… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.
Trên thực tế, bác sĩ Khoa đã gặp nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhưng do người nhà xử lý sai nên đã mất đi thời gian vàng để can thiệp cấp cứu đột quỵ.
Theo bác sĩ Khoa, để phòng ngừa đột quỵ, mọi người cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ là:
- Các yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được: tuổi tác, giới, chủng tộc,..
- Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, hút thuốc lá, bia rượu,...
Với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, mọi người cần kiểm soát bệnh thật tốt để phòng ngừa đột quỵ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.