Người đàn ông 32 tuổi thấy khớp gối lạo xạo, đi khám tá hoả mắc bệnh người già

Nguyễn Ngoan / VTC News, Theo VTC News 17:04 30/03/2024
Chia sẻ

Thấy chân đau, khớp gối phát ra tiếng động lạ, người đàn ông 32 tuổi đi khám và được chẩn đoán mắc thoái hoá khớp - căn bệnh chủ yếu ở người già.

Nguyễn Văn Minh (32 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) tìm đến bệnh viện thăm khám sau nhiều ngày chân đau nhức, đi lại khó khăn, khớp gối phát ra tiếng lạo xạo.

Minh có tiền sử béo phì, giảm cân nhiều năm nhưng không thành, hiện người đàn ông cao 1m7, nặng gần 100kg.

Do cân nặng quá khổ, việc đi lại của Minh gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị đau xương khớp. Ban đầu, chân Minh xuất hiện những cơn tê mỏi, đau khi đi lại nhiều, dần cơn đau tăng nặng, chỉ đi vài bước đã đau, không nhấc nổi chân.

Nam thanh niên lo lắng, tìm đến bệnh viện thăm khám. Minh được bác sĩ chẩn đoán thoái hoá khớp gối khi mới ngoài 30 tuổi.

“Tôi luôn nghĩ thoái hoá chỉ gặp ở người ngoài 50, trong khi tôi mới 32 tuổi” , Minh nói và cho biết bác sĩ khuyên anh cần giảm cân để giảm bớt gánh nặng cho xương kết hợp dùng thuốc để cải thiện bệnh.

Người đàn ông 32 tuổi thấy khớp gối lạo xạo, đi khám tá hoả mắc bệnh người già - Ảnh 1.

Xu hướng thoái hoá khớp gối ngày càng trẻ hoá.

Cùng tìm đến viện sau nhiều ngày đi lại khó khăn, Đặng Tuấn Anh (30 tuổi), nhân viên bốc vác của một xưởng may ở Hà Nội, cho biết, cách đây một tuần chân phải của anh liên tục đau nhức, cơn đau nặng hơn mỗi lần làm việc.

Lúc đầu anh nghĩ do cú ngã trong trận đá bóng gần đây, tuy nhiên kiểm tra không thấy thâm đỏ hay trầy xước.

Để giảm đau, anh mua thuốc và dán cao nhưng không hiệu quả, khớp gối của Tuấn Anh đau như có người cầm gậy đập vào. Lo sợ mắc bệnh lạ, chàng trai tìm đến bác sĩ chụp chiếu, được xác định thoái hoá khớp gối độ 4.

ThS.BSCKI Ly Rina - Phụ trách phòng khám Chuyên Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội) cho biết, nhiều người cho rằng thoái hoá khớp gối chỉ gặp ở người già, tuy nhiên vài năm trở lại đây bệnh có xu hướng trẻ hóa.

"Nhiều người mắc thoái hoá khớp gối ở trong độ tuổi 30 - 40, thậm chí có những trường hợp mới hơn 20 tuổi" , bác sĩ Ly Rina nói.

Thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở người lớn tuổi, nguyên nhân chính do lão hóa bởi tuổi tác. Tuy nhiên, những người lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, làm việc nặng, đứng lâu hay béo phì có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn, sớm hơn.

Người bị thoái hóa khớp gối xuất hiện cơn đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau vài điểm. Lúc đầu là những cơn đau nhẹ, xuất hiện khi đi lại nhiều hoặc lên xuống cầu thang, đi lên dốc và thường xuất hiện về đêm.

Càng về sau khớp gối có thể bị sưng lên do viêm hoặc tràn dịch khớp, nếu được chọc hút dịch cơn đau sẽ giảm, nhưng có thể tái phát lại sau vài ngày hoặc vài tuần.

Khi tình trạng nặng hơn, người bị thoái hóa khớp gối có thể bị cứng khớp, biểu hiện rõ nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, xuất hiện tiếng lạo xạo trong khớp gối khi đi lại hoặc lúc co duỗi chân.

Người đàn ông 32 tuổi thấy khớp gối lạo xạo, đi khám tá hoả mắc bệnh người già - Ảnh 2.

Chế độ dinh dưỡng và vận động sẽ giúp cải thiện thoái hoá khớp.

Cách phòng ngừa thoái hoá khớp gối

Bác sĩ Ly Rina cho biết, để phòng ngừa nguy cơ thoái hóa khớp gối sớm có thể lưu ý về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày như:

- Nên ăn các loại cá nước lạnh, thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3, đây là một loại kháng viêm rất hiệu quả.

- Sử dụng thường xuyên các loại xương ống, sườn bê, sườn bò, bổ sung luân phiên các loại thịt heo, thịt gia cầm, tôm, cua.

- Xây dựng chế độ lao động và sinh hoạt khoa học, thường xuyên tập thể dục thể thao, tránh làm việc quá sức.

- Với những người béo phì cần giảm cân.

- Khi có các triệu chứng cảnh báo bất thường ở khớp, người bệnh cần tới viện để được thăm khám và điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và ảnh hưởng cuộc sống.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày