Chế độ tập luyện tốt và đúng sẽ rất hữu ích cho sức khỏe, kể cả việc giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm các biến chứng, đặc biệt biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên chế độ tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường như thế nào là đúng cách và mang lại hiệu quả và phù hợp với mỗi bệnh nhân cụ thể thì nhiều người lại chưa biết.
PGS. TS Vũ Bích Nga, Trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp, BV Đại học Y Hà Nội, trả lời:
Người bị đái tháo đường đều có thể tham gia tất cả các hoạt động thể dục thể thao. Tuy nhiên, với người già có các bệnh lý khác nhau thì cần có chế độ tập luyện khác nhau.
Còn với người trẻ chưa có bệnh lý kèm theo nhiều, biến chứng nhiều thì có thể tập môn thể thao mình yêu thích như bơi, đánh cầu lông, nhảy dây, đi bộ... nhưng cần lưu ý 3 điều. Một là không được để bụng đói khi tập vì như thế dễ gây ra hạ đường huyết, nguy hiểm tính mạng.
Chỉ nên tập sau khi ăn 1-2 tiếng chứ không nên để lâu 4-5 tiếng sau bữa ăn. Trước khi tập nên thử đường máu, nếu đường máu cao quá (>15) hoặc thấp quá (<7) thì không nên tập.
Hai là, khi tập, bao giờ cũng nên để sẵn một ít thức ăn chứa đường hấp thu nhanh như sữa có đường, bánh kẹo, hoa quả ngọt để nếu có bị hạ đường huyết còn có thứ để ăn ngay, không để bị hạ đường huyết quá mức.
Ba là, chỉ nên tập với thời lượng 30-45 phút một lần, không nên tập quá lâu tới vài tiếng đồng hồ vì như vậy dễ dẫn đến kiệt sức.