Hàng quán vỉa hè là một trong những nét đẹp mộc mạc, dân dã và rất thân thương của Hà Nội. Hàng trà đá, gánh cốm, gánh quả, xe hoa,... đều đã trở thành biểu trưng của văn hoá vỉa hè. Trong đó, hàng trà đá tồn tại qua năm dài tháng rộng ở một góc phố đã trở thành điểm dừng chân của nhiều người ở Hà Nội. Họ đến đây không chỉ để ngồi nghỉ ngơi hay dùng một thứ nước giải khát, mà đến đây để nói chuyện, tận hưởng, và đôi khi nó còn là một thói quen khó bỏ - một nét văn hoá thấm nhuần từ đời này sang đời khác, người này qua người khác.
Một “không gian văn hoá” ở Hà Nội. (Ảnh: Việt Emin)
Ở các hàng nước vỉa hè - nơi ta vẫn hay gọi là hàng trà đá, thường vẫn có trà nóng và nhân trần nóng mỗi khi trời trở lạnh. Uống nước ấm vào mùa lạnh không chỉ giúp ta cảm thấy thoải mái, mà còn là cách bảo vệ cổ họng và cơ thể. Mỗi cốc nước được bán khoảng 5.000 đồng, người lao động chân tay cũng có thể sử dụng. Tôi hình dung, hàng nước vỉa hè là một “không gian” của tất cả lớp người, không phân biệt nghề nghiệp, địa vị hay tuổi tác. Ai cũng có thể ngồi đây thưởng thức cái bong bỏng của nước và cảm nhận sự bình yên của dòng đời. Cuộc sống của con người như ngưng đọng giữa nhịp sống hối hả, vội vã.
Cốc nhân trần ấm bên những vạt nắng cuối cùng của mùa thu.
(Ảnh: Việt Emin)
Người xưa quan niệm, nhân trần là một vị thuốc Đông y, có công dụng điều trị các bệnh lý gan mật, hiện tượng vàng da, lợi tiểu, thanh nhiệt,... Loài cây này mọc ở vùng núi, sau khi người dân thu hoạch về sẽ phơi khô và đun lên dùng làm nước uống. Còn trà thực chất được nấu từ cây chè - một loại cây phổ biến ở vùng Tây Bắc và Lâm Đồng. Uống trà giúp ta giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, cải thiện sức khoẻ tinh thần và hỗ trợ giảm cân,... Nhân trần và trà với những lợi ích của nó, đã trở thành một trong những loại nước uống hằng ngày của nhiều người.
Có hai người xuất hiện trong cả hai bức hình này. Đó là đôi bạn già mỗi ngày đều ra đây uống trà, bất kể mùa hè hay mùa đông. (Ảnh: Việt Emin)
Ở các hàng nước vỉa hè, trà và nhân trần được đun trong những chiếc ấm nhuốm màu thời gian, đựng trong những chiếc phích đã bạc màu. Nước ấm, được rót vào cốc thuỷ tinh cũ, không còn sáng loáng. Ta có thể vừa cầm trên tay, vừa nhâm nhi từng ngụm nhỏ và cảm nhận hơi ấm trong cái se lạnh của cuối thu.
Trà và nhân trần nóng không thể uống vội, uống nhanh. Một cốc nước phải được uống từng ngụm, từng ngụm, và người uống nó phải cảm nhận được sự ấm áp đi từ khoang miệng đến cổ họng rồi xuống cả bụng nữa. Cốc nước ấy tựa như chất xúc tác, đưa đẩy và gợi mở bao câu chuyện của những người bạn, thậm chí là của người mua nước - bán nước.
Bác Tâm - một người tôi gặp tại hàng nước mạn Long Biên, chia sẻ: “Ngồi uống trà như một cách nghỉ ngơi. Mình được nhìn mọi người, khi thì hối hả, lúc lại chậm rãi. Và mình được nói chuyện với những người có thể chẳng quen, nhưng vẫn thấy sự kết nối.”
Cốc trà kết nối những tâm tình cuối thu. (Ảnh: Xén)
Mùa thu đang ở những ngày cuối cùng và dần nhường chỗ cho mùa đông lạnh giá. Những cơn gió đầu mùa mang theo những hạt mưa lâm thâm. Nếu được ngồi bên một góc phố, nhâm nhi cốc trà nóng cùng người bạn mến thương, trải lòng về cuộc đời, liệu bạn có thoải mái, dễ chịu và hạnh phúc không?