Nằm yên bình ở ngoại thành Hà Nội, ngôi chùa cổ kính này không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là nơi hội tụ của hàng vạn người mỗi dịp xuân về. Với hương khói nghi ngút và không khí linh thiêng, ngôi chùa được nhiều người truyền tai nhau như một "thánh địa" của sự may mắn và thành công. Người ta kể rằng, chỉ cần bước chân đến đây, khấn nguyện thành tâm, mọi ước nguyện về học hành, công việc đều được như ý.
Không chỉ là nơi cầu bình an, ngôi chùa còn nổi tiếng với lời đồn "thi đâu đỗ đấy, làm gì cũng thuận", khiến ai nghe tên cũng muốn một lần ghé thăm để tận hưởng sự linh ứng kỳ diệu. Đầu năm mới, nơi đây trở thành điểm hẹn của những tâm hồn mong cầu may mắn, khởi đầu một năm mới thuận lợi và viên mãn.
Nguồn: gio17qp
Chùa Đậu – ngôi chùa cổ kính với tên chữ Thành Đạo Tự, tọa lạc tại làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội, là một trong những danh lam cổ tự linh thiêng bậc nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi chùa này không chỉ là nơi thờ tự Đức Pháp Vũ – một trong Tứ Pháp gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lâu đời của người Việt, mà còn là chốn linh thiêng gắn với nhiều huyền tích và sự kiện lịch sử quan trọng. Các sự kiện và huyền sử này được lưu giữ trong cuốn sách cổ bằng đồng hiện đang được lưu tại chùa Đậu.
Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng Giêng, lễ hội chùa Đậu lại thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân địa phương đến vãn cảnh, chiêm bái. Không chỉ là nơi thờ Phật, chùa Đậu còn là điểm tựa tâm linh của cư dân nông nghiệp với hệ thống thờ tự Tứ Pháp: Pháp Vũ, Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện – những vị thần mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Mùng 9 tháng Giêng hàng năm, lễ hội chùa Đậu thu hút đông đảo người dân đến vãn cảnh, chiêm bái và được chứng kiến lễ rước kiệu bay tại chùa. Nguồn: Chùa Đậu Hà Nội.
Nằm trên một gò đất cao giữa cánh đồng làng Gia Phúc, chùa Đậu như một bông sen vươn mình giữa không gian thanh bình, được bao bọc bởi những hồ nước trong xanh và dòng sông Nhuệ hiền hòa. Với hơn 1.800 năm lịch sử, ngôi chùa này đã chứng kiến biết bao thăng trầm của thời gian, vẫn uy nghiêm và trầm mặc dưới bóng những hàng cây cổ thụ xanh mát.
Chùa Đậu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Pháp Vũ Tự, Thành Đạo Tự, chùa Vua, chùa Bà, hay chùa Đậu – mỗi tên gọi đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử và huyền thoại riêng. Theo sử sách ghi lại, chùa được xây dựng từ thế kỷ III dưới thời Sỹ Nhiếp, cùng thời điểm xuất hiện sự tích về Phật mẫu Man Nương và hệ thống thờ Tứ Pháp. Trong thời phong kiến, chùa là nơi dành riêng cho các vị vua đến lễ Phật, nên được dân gian gọi là "chùa Vua". Còn việc thờ Bồ Tát Pháp Vũ – hiện thân là nữ thần, đã khiến ngôi chùa này được gọi là "chùa Bà".
Nguồn: Đi cùng Yang.
Cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt của Nguyễn Văn Huyên có ghi, chùa Đậu nổi tiếng linh thiêng, được coi là nơi "cầu được ước thấy". Hàng năm, các bậc chí sĩ đến đây cầu nghiệp lớn đều đỗ đạt khoa bảng, công thành danh toại; người nông dân cầu mùa màng cũng được như ý nguyện. Chính vì vậy, ngôi chùa này còn được gọi là "chùa Đậu" – biểu tượng của sự thành công và may mắn.
Dưới thời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa được trùng tu và trở nên uy nghiêm, khang trang hơn. Vua đã ban sắc phong chùa là "An Nam đệ nhất danh lam" - danh hiệu cao quý khẳng định vị thế của ngôi chùa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, chùa Đậu còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Đặc biệt, chùa nổi tiếng với hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh – những bậc chân tu đắc đạo, để lại nhục thân bất tử sau khi viên tịch. Đây là hiện tượng hiếm có trong lịch sử Phật giáo thế giới, khiến chùa Đậu trở thành điểm đến tâm linh đặc biệt.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, chùa Đậu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A từ năm 1964. Hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư cũng được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2016, và chùa Đậu được xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam.
Chùa Đậu không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính, mà còn là biểu tượng của sự linh thiêng, hội tụ tinh hoa văn hóa và tâm linh của dân tộc. Đến với chùa Đậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trầm mặc của một danh lam cổ tự, mà còn được hòa mình vào không gian thanh tịnh, tìm về cội nguồn của sự bình yên và an lạc.
Vào mùa hè, đầm sen tại chùa Đậu bung nở rực rỡ thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in. Nguồn: Đi cùng Yang.
Từ thuở xa xưa, khi hạn hán hoành hành, nỗi lo lắng của người nông dân luôn chồng chất. Họ khao khát tìm kiếm một vị thần linh với phép màu nhiệm có thể mang mưa đến cho đồng ruộng khô cằn. Trong số những vị thần được tôn kính ấy, nổi bật nhất là Pháp Vũ - nữ thần Mưa, người được cho là có khả năng điều khiển thời tiết. Đền thờ chính của bà tọa lạc tại làng Gia Phúc, nổi tiếng với những hoa văn chạm khắc tinh xảo trên gỗ.
Theo truyền thuyết, Pháp Vũ xuất hiện vào cuối thế kỷ II, dưới sự cai trị của Thái thú Sĩ Nhiếp. Nữ thần Mưa được dân chúng tôn kính như vị thần tiên bất tử. Từ đó, nền văn hóa này lan rộng khắp vùng đất phủ Thuận Thành, nằm giữa sông Hồng và sông Đuống, rồi mở rộng sang cả vùng hữu ngạn sông Hồng, kéo dài đến tận dãy núi đá vôi cao vút bên sông Đáy, chảy qua Phủ Lý.
Pháp Vũ không đơn độc. Bà cùng các chị em của mình - nữ thần Mây, nữ thần Sấm và nữ thần Chớp - đã trở thành những nhân vật quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Họ là biểu tượng của sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, mang đến sự sống cho vạn vật.
Nguồn: Trần Lương Nguyên.
Đền thờ Pháp Vũ, còn được gọi là Thành Đạo Tự hay chùa Đậu là một công trình kiến trúc đồ sộ với diện tích gần 3.000m². Trung tâm của đền là ba tòa nhà chính, nơi thờ phụng nữ thần Mưa. Bộ phận chính dành để thờ Pháp Vũ gồm ba tòa nhà trong đó hai nhà chính dùng làm điện thờ, chiếm một bề sâu không dưới 27m. Trước mặt điện thờ là một tòa nhà dài 23m, người ta leo lên bằng ba bậc cầu thang bằng đá. Như vậy là tòa nhà để thờ được dựng trên một cái nền cao gần một mét (0,95m). Mặt bằng này còn được tôn cao thêm 0,45m nữa bắt đầu từ hàng cột thứ ba chạy dài dưới con mắt cảnh giác của ông Ác đứng bên phải và ông Thiện đứng bên trái. Mái ngói bốn mái cùng những cột gỗ vững chãi tạo nên vẻ uy nghiêm và cổ kính.
Bên trong điện thờ, tượng nữ thần Pháp Vũ, dân gian quen gọi là Bà Đậu ngự trên bệ cao 1,75m, được chạm khắc tinh xảo từ gỗ và sơn đen, khoác áo đỏ vào những ngày thường. Gian thờ còn lưu giữ nhiều báu vật quý giá, từ những cuốn sách đồng cổ kính đến các bức tượng Phật, lư hương bằng đồng, và những chiếc quạt lớn làm từ sừng tê giác. Đặc biệt, hai quyển sách đồng với những hoa văn rồng, phượng, lân, và rùa được chạm khắc tinh tế, là minh chứng cho sự tôn kính của người xưa dành cho nữ thần.
Nguồn: Chùa Đậu Hà Nội.
Những tờ bìa sách được trang trí phong phú. Trang đầu của bìa chạm hai hình rồng chầu vào một cái khung trong có dòng chữ đề tên sách: Pháp Vũ tự thực lục. Phía trên tên sách là hình mặt trời cách điệu, bên dưới là một hình lân. Toàn bộ những hình đó bập bềnh trên mây và sóng. Ở mặt sau của tờ bìa cuối, phía trên chạm hình một con phượng, phía dưới là một hình rùa, tất cả cũng đều rập rờn trong mây và sóng. Quyển thứ hai trang trí hơi khác, không có chữ và chắc là để dùng thay cho cuốn kia khi chữ viết ở đó vì bị dùng quá nhiều, không còn đọc được nữa.
Ở hai tòa nhà hai bên bao lấy hai tòà nhà ở giữa có tượng 18 vị La hần, ở phần phía trước bên trái là bàn thờ Long thần, bên phải là bàn thờ các bậc Thánh hiền. Ở phần phía sau có một nếp nhà ngang thờ một bà thuộc dòng dõi chúa Trịnh, vốn là người đã bảo trợ cho việc thờ cúng này dưới thời nhà Lê. Bên trái bà là tượng nhà sư Chuyết Công và bên phải là tượng chồng của bà.
Lễ Hội Chùa Đậu năm Ất Tỵ 2025 diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng, mặc dù trời mưa lạnh nhưng vẫn thu hút đông đảo người dân và du khách đến chiêm ngưỡng. Nguồn: asumi_163.
Không chỉ là nơi thờ tự, chùa Đậu còn là nơi lưu giữ những câu chuyện kỳ bí. Xác ướp của các vị sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, những người đã có công tu sửa và bảo vệ đền, vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Những trận lụt lịch sử đã làm hư hại một phần, nhưng sự hiện diện của họ vẫn là minh chứng cho lòng thành kính và sự bền vững của tín ngưỡng dân gian.
Đền còn lưu giữ một chiếc trống đồng cổ, được sử dụng trong các nghi lễ cầu mưa. Trống cao 0,41m, đường kính mặt trống 0,455m, được trang trí bằng những hoa văn tinh xảo, từ hình ngôi sao mười cánh đến những hình chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Đây không chỉ là một hiện vật quý giá mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa con người và thần linh.
Pháp Vũ đã nhiều lần chứng minh uy lực của mình. Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên cũng đã kể lại những lần tỏ rõ uy lực của Bà Đậu trong lịch sử. Chẳng hạn, năm 1072, khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi, bà đã giúp chấm dứt cơn mưa kéo dài. Năm 1074, hạn hán nghiêm trọng đã được giải quyết sau khi nhà vua làm lễ cầu đảo. Và năm 1154, dưới thời vua Lý Anh Tông, Hoàng thái hậu đã dũng cảm dừng lại giữa cơn mưa để cầu nguyện, thể hiện lòng thành kính với nữ thần. Các quan tâu xin Hoàng thái hậu dừng lại để tránh mưa, song Thái hậu nói: "Trời lâu nay không mưa, ruộng lúa dân ta đều nứt nẻ. Trời mua bây giờ là phúc lớn. Không nên tránh". Đoạn bà lệnh bỏ hết tàn lọng, đi đầu trần về cung. Sau đó trời mưa rất to.
Những câu chuyện này không chỉ là truyền thuyết mà còn là minh chứng cho sức mạnh tâm linh và niềm tin của người dân vào nữ thần Pháp Vũ. Và vì thế, Chùa Đậu, với những báu vật và kiến trúc độc đáo, mãi mãi là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và tín ngưỡng sâu sắc của dân tộc Việt Nam.