Những loay hoay, hụt hẫng khi trải qua giai đoạn khó khăn trong năm 2021 dường như là bước đà để người trẻ bắt đầu một năm 2022 tự do hơn, chủ động hơn. Cũng từ đó mà nhiều trào lưu, xu hướng mới được hình thành để mọi người có thể tận hưởng cuộc sống theo cách mình muốn: chân thực hơn, trọn vẹn hơn mà không cần bó hẹp tư duy trong một tiêu chuẩn nào.
Trước đây, khi một người trẻ sở hữu những số tiền nhỏ đầu tiên, hẳn nhiên việc tiêu chúng vào các nhu cầu giải trí, mua sắm là chuyện bình thường. Thông thường, hiếm ai nghĩ đến việc đầu tư bởi họ cho rằng đó là một việc gì đó rất “lớn” và chỉ dành cho những ai đã có vốn nhất định.
Tuy nhiên trong năm 2022, tư duy này đã hoàn toàn thay đổi, người trẻ bắt đầu nói nhiều hơn về việc để dành, tiết kiệm và đầu tư tài chính. Có thể nói, những bạn trẻ thậm chí còn đang là sinh viên cũng đã sớm ý thức được những lợi thế của mình trên thị trường đầu tư. Họ còn trẻ, họ có nhiều thời gian và thời gian chính là vũ khí mạnh nhất mà bất kỳ nhà đầu tư thiên tài nào cũng mơ ước. Việc đầu tư sớm còn giúp giới trẻ thu về những trải nghiệm đắt giá.
Bên cạnh đó, không ít người mong muốn được độc lập tài chính từ sớm. Do vậy ngoài đầu tư, họ ưu tiên rất nhiều trong việc quản lý tài chính, có tiền tiết kiệm. Thay vì phụ thuộc vào kinh tế gia đình, người trẻ sẽ lựa chọn làm thêm nhiều việc cùng một lúc, đầu tư sinh lời và quản lý ngân sách để không rơi vào tình trạng “rỗng túi”.
Sau đại dịch toàn cầu Covid-19, nhiều quốc gia mở cửa lại biên giới cho khách du lịch tới tham quan, đây cũng là lúc “làn sóng” du lịch trả thù xuất hiện. Có thể hiểu, trào lưu này để mô tả nhiều loại chuyến đi như đoàn tụ gia đình, kỳ nghỉ xa hoa, thăm lại những địa điểm yêu thích sau một khoảng thời gian dài tĩnh lặng, buồn bã.
Từ “trả thù” nghe tưởng gay gắt, mang hàm ý tiêu cực nhưng trên thực tế, đa phần lại cho rằng đó là điều hợp lý. Bởi năm 2022 cũng là năm đánh dấu nền du lịch mở cửa mạnh mẽ trở lại sau dịch Covid-19. Do vậy chẳng ai có thể kìm lòng thêm nữa, ai cũng ấp ủ dự định đi đây, đi đó. Thậm chí nhiều người còn có tâm lý “đi chơi bù” hoặc đi cho đã bởi biết đâu một lúc nào đó lại không thể đi du lịch.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng, du lịch trả thù sau đại dịch là một xu hướng tích cực. Các du khách sẽ xem du lịch như một món quà dành tặng bản thân, giúp họ giải tỏa áp lực trong suốt thời gian qua. Hay như nhiều người trẻ lại bày tỏ một góc nhìn mới rằng: “Bạn không thể biết tương lai sẽ như thế nào. Vì vậy, chúng ta muốn tận hưởng khoảng thời gian nắm chắc trong lòng bàn tay của mình, đó chính là hiện tại”.
Podcast được định nghĩa là một tệp âm thanh kĩ thuật số bao gồm lời nói, âm nhạc... được tải lên mạng để người nghe có thể tự do truy cập. Không giống như radio, podcast sẽ là một hình thức nội dung theo nhu cầu, có thể phát đi phát lại và nghe ở bất cứ đâu.
Cũng chính bởi sự tiện lợi mà nghe podcast nhanh chóng trở thành trào lưu trong giới trẻ. Hơn nữa, những chủ đề được khai thác trên sóng podcast chủ yếu cũng đều theo trend, gần gũi và là vấn đề nổi cộm được người trẻ quan tâm. Nhiều người bày tỏ, việc nghe podcast giúp họ giải toả căng thẳng hoặc thậm chí cảm thấy phấn khích, yêu đời hơn khi học hỏi thêm nhiều điều thú vị.
Thực tế, người trẻ có thể tìm thấy bất cứ điều gì ở việc nghe podcast. Họ có thể giải trí, có thể dùng cho việc học tập hoặc đôi khi chỉ là nghe những cuộc nói chuyện để cảm thấy được đồng cảm. Một hình thức thể hiện nhưng lại đa dạng chủ đề, phục vụ được mọi nhu cầu, mục đích của người dùng. Đó cũng là điều dễ hiểu khi podcast ngày càng phổ biến và có nhiều người tự tạo series podcast của riêng mình.
Một số kênh podcast đang thịnh hành tại Việt Nam mà được nhiều người lựa chọn có thể kể đến như: The Present Writer, Have A Sip, Chill Box 20s,..
Năm 2022, hẳn nhiều người sẽ nghe đến cụm từ “healing” - chữa lành. Nghe thì mơ hồ nhưng thực chất đây là xu hướng tích cực nổi bật nhất năm 2022. Bởi sau một thời gian dài trải qua khủng hoảng dịch bệnh chung, nhiều người nhận ra sống chậm đôi khi là một cách hay. Không còn quá mải miết chạy theo những guồng quay cuộc sống, nhiều người lựa chọn sự bình yên, lắng lại để thấu hiểu và yêu bản thân nhiều hơn.
Chữa lành cũng có thể hiểu nôm na là sự quan tâm và nuông chiều hơn đến “đứa trẻ bên trong” tâm hồn (Inner child), vỗ về và khâu lại những tổn thương mà mỗi người mang trong đời. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một hoạt động chăm sóc sức khỏe, ngồi im một chỗ, nhắm mắt lại và cảm nhận hơi thở của mình, của đời sống xung quanh cũng là một cách chữa lành.
Nếu bạn mê xem TikTok, không khó để bắt gặp những đoạn clip ngắn nhưng lại mang đến nhiều cảm hứng tích cực cho người xem. Chẳng hạn như tham gia học workshop, vẽ tranh, một mình đi du lịch để tận hưởng cuộc sống, hay những video kể lại cách họ đã tự vượt qua những áp lực, chữa lành cho bản thân ra sao,... Điểm chung của những hoạt động này đều mang đến một cảm giác thư thái, “chill chill” và nhẹ lòng. Đó có thể là bất cứ trạng thái nào, miễn sao lựa chọn đó khiến họ cảm thấy an yên và thoải mái trong tâm hồn.
Không phải một trào lưu mới mẻ nhưng đến năm 2022, văn hoá Drag queen mới được nhiều người biết đến và quan tâm nhiều hơn. Theo đó, Drag là cụm từ viết tắt của “Dress Resembling A Girl” (ăn mặc như một cô nàng) còn Drag queen chính là những “Nữ hoàng” trong các bộ trang phục lộng lẫy như vậy. Phong cách hoá trang này đang là một xu hướng rất đặc sắc để bất kỳ ai cũng thể hiện được cá tính, sự phóng khoáng và đặc biệt là phong cách thời trang táo bạo của mình.
Tuy nhiên với những người mới gia nhập, sẽ có khá nhiều khó khăn cần gặp như phải đầu tư tiền cho các bộ trang phục, đồ trang điểm. Ngoài ra, họ còn phải tự lên ý tưởng về phần trình diễn, học cách thể hiện trên sân khấu từ hát, múa, nhảy, hài kịch,... Một số show diễn nổi bật có thể kể đến như Delilah Land của ca sĩ Thanh Duy, Drag Queen Night,... đều thu hút rất đông người đến xem.
Có thể nói, Drag queen giờ đây không chỉ đơn thuần là hình ảnh gắn liền với hội chợ mà đã trở thành một nét văn hoá. Các show diễn xuất hiện ở nhiều nơi sang trọng, thượng lưu hơn. Hơn hết, việc người trẻ đón nhận Drag queen còn cho thấy họ luôn cởi mở, sẵn sàng đón nhận những giá trị văn hoá mới mẻ, đề cao sự khác biệt. Điều này đúng với tinh thần của một người trẻ hiện đại với tư tưởng ngày càng tân tiến, hội nhập và không còn gò bó bản thân trong những định kiến, khuôn khổ đã cũ.
Nhìn lại năm 2022 của mình, Hương Trang (28 tuổi) hiện đang làm công việc tự do cho hay: “Mỗi năm sẽ có một xu hướng mới nhưng năm nay mình nhận thấy rõ mọi người đều yêu bản thân hơn, chăm chút hơn cho 'đứa trẻ bên trong' tâm hồn. Mình cũng vậy, mình nghỉ việc, bỏ phố ra đảo để tận hưởng cuộc sống bình yên, tránh xa khỏi những sự tấp nập, áp lực thường thấy. Nhưng không hẳn là mình theo trào lưu, chỉ là với góc nhìn của mình, mình tìm thấy điểm tích cực và phù hợp với bản thân”.
Hay như Trọng Nguyên (25 tuổi) cho biết bản thân đều biết đến các trào lưu trên và luôn đón nhận với tâm thế hào hứng, mong chờ. “Mình đã thử gần hết rồi, mọi thứ đều rất thú vị và đúng thật là nó khiến mình cảm thấy yêu đời hơn. Cảm giác như sau một khoảng thời gian khó khăn, những trào lưu trong năm 2022 xuất hiện để nhắc nhở những người trẻ như tụi mình phải biết trân trọng, tận hưởng và sống trọn vẹn. Dù bằng bất kì cách nào, miễn sao bản thân thấy hạnh phúc”.
Có thể nói, dù là trào lưu được nhắc đến nhiều trong năm 2022 nhưng vẫn sẽ có mặt tích cực và cả những hạn chế. Không phải xu hướng nào cũng phù hợp với góc nhìn hay phong cách sống của tất cả mọi người. Hơn nữa, người trẻ hiện nay cũng có tư duy cởi mở, hiện đại hơn. Họ lựa chọn những gì tốt nhất cho bản thân chứ không đơn thuần chỉ chạy theo cái mới mà không mang đến giá trị tốt đẹp.
Còn bạn, năm 2022 bạn đã trải nghiệm đến đâu rồi?