“Ngày Không Còn Mẹ”: Người thiểu năng – họ chỉ hơi khác thường, chứ không phải tai ương

Chi Lanh, Theo Trí Thức Trẻ 16:59 16/12/2017

Phim Hàn Quốc “Ngày Không Còn Mẹ” đem đến câu chuyện xúc động về người đàn ông thiểu năng đã tái hóa nhập cộng đồng và khiến người mẹ già yên lòng.

(Bài viết tiết lộ nội dung phim)

Cập bến phòng vé Việt trong tháng cuối năm, phim điện ảnh Hàn Quốc Ngày Không Còn Mẹ (The Preparation) khiến chúng ta mong chờ câu chuyện về tình mẫu tử ấm áp như bếp lửa giữa ngày đông. Không chỉ có vậy, thông qua nhân vật đứa con gặp vấn đề về phát triển trí tuệ, nhà làm phim còn gửi gắm một thông điệp sống đầy nhân văn: Người thiểu năng hoàn toàn có thể hòa nhập cộng đồng, việc chúng ta cần làm chính là cho họ cơ hội.

“Ngày Không Còn Mẹ”: Người thiểu năng – họ chỉ hơi khác thường, chứ không phải tai ương - Ảnh 1.

Phim điện ảnh cảm động nhất màn ảnh Hàn năm 2017 – "Ngày Không Còn Mẹ"

Mẹ già nuôi con: "Con là tất cả vui buồn của mẹ!"

Ngày Không Còn Mẹ kể về gia đình hai mẹ con sống cùng nhau. Người mẹ Ae Soon (Go Doo Shim đóng) đã quen nhịp sống mỗi ngày phải một mình chăm đứa con trai út In Gyu (Kim Sung Kyun đóng), tuy đã ở tuổi trưởng thành nhưng lại ngây ngô như một đứa trẻ. In Gyu là người thiểu năng, gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác.

In Gyu mỗi sáng mở mắt ra đều có mẹ chăm bẵm, nấu cơm cho ăn, giặt giũ dọn dẹp. Anh sống với tâm hồn trẻ nhỏ, biểu cảm ngờ nghệch, mặc những bộ quần áo sặc sỡ, cổ đeo ống nhòm mini, thích xem tivi và trở thành "cái đuôi" đi sau mẹ.

Hai mẹ con Ae Soon và In Gyu

Về phần bà Ae Soon, đã bao lâu rồi bà không tự mua cho mình cái áo mới, hay là một mình đi trên đường. Toàn bộ thời gian, tiền bạc và công sức bà dồn hết cho con. In Gyu thích ăn trứng ốp thì món đó mỗi ngày đều xuất hiện trên mâm cơm, hôm nào quên ốp là anh con giãy nảy làm bà phải buông đũa lui cui đi vào bếp. Quầy tạp hóa lụp xụp giữa khu phố đi bộ, bà bán buôn sớm hôm đều có In Gyu ngồi cạnh bên, vừa rời mắt đi thì con trai ăn luôn cả hàng hóa tiền vốn.

Chưa hết, đau đầu nhất là những lúc In Gyu ham chơi, chạy khỏi tầm mắt của mẹ. Đơn độc khi giao tiếp với người lạ, khi In Gyu nảy sinh cảm giác tự ti. Khi nhìn người ngoài cười cợt, anh ấy sẽ mất kiểm soát và đánh tay đôi với người ta. Hậu quả là, người mẹ già phải hớt hải chạy đến sở cảnh sát để bảo lãnh cho con và cúi người xin lỗi gia đình những người liên quan.

“Ngày Không Còn Mẹ”: Người thiểu năng – họ chỉ hơi khác thường, chứ không phải tai ương - Ảnh 3.

"Nếu thần linh có thật, tại sao ngài lại tàn nhẫn đến vậy?"

Nhiều lúc bà Ae Soon chỉ biết thở dài khi nhìn con mình. Bà không còn tin vào tín ngưỡng hay tôn giáo vì nghĩ rằng thần linh quá tàn nhẫn. Vậy mà điều bà sợ nhất cuối cùng cũng tới: Bà mắc bệnh nặng, ngày gần đất xa trời đã thật gần. Con trai bà sau này sẽ sống thế nào đây?

Xã hội ấm áp tình người

Tuy vất vả, bà Ae Soon chưa bao giờ chối bỏ con mình. In Gyu lớn lên trong vòng tay yêu thương và chở che của mẹ. In Gyu hiện tại là tất cả niềm vui sống của mẹ, nhưng anh cũng có khát khao được bước ra xã hội, thực hiện những ước mơ vốn rất bình thường như leo núi, nói xin chào với người lạ.

May mắn thay, thế giới này có mặt trắng mặt đen, thì cũng có luôn người tốt kẻ xấu. Bên cạnh những cái nhìn ái ngại, những lời giễu cợt khiếm nhã thì In Gyu vẫn được hỗ trợ bởi những cá nhân, tổ chức giàu lòng nhân ái. Đó có thể là trưởng ban xã hội (Park Chul Min đóng) luôn giới thiệu các nhà tình nghĩa cho bà Ae Soon, Cha xứ Yoon (Kim Young Jae đóng) thường xuyên phát kẹo và dỗ dành In Gyu, cho đến cô giáo mầm non (Shin Se Kyung đóng) dù biết hoàn cảnh của In Gyu nhưng luôn dịu dàng đối đãi với anh. Chưa hết, ngoài các mái ấm, cơ sở chăm sóc người thiểu năng, trong thành phố của hai mẹ con còn có một lò bánh tiếp nhận nhân công có hoàn cảnh đặc biệt như In Gyu đến làm việc.

Mẹ con Ae Soon sống trong vòng tay của cộng đồng

Tất cả những sự hỗ trợ đó không chỉ giúp giai đoạn cuối đời của người mẹ trở nên bớt nhọc lòng, mà còn tạo ra một khởi đầu đầy xúc động cho cuộc đời của người đàn ông thiểu năng. Đúng là xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những hoàn cảnh đặc biệt, tuy nhiên người ta có xu hướng dành cho họ ánh nhìn thương cảm, sự hỗ trợ ngắn hạn về tiền bạc hay những lời động viên vô thưởng vô phạt như "Hãy cố gắng lên". Trong khi đó, nếu thật sự dành nhiều trăn trở hơn, bạn sẽ nhận ra có nhiều phương cách để giúp đỡ người thiểu năng thật sự hiệu quả, có tác dụng định hướng dài hạn, thậm chí là giúp họ sống như người bình thường.

Ví dụ như trong phim, khi bà Ae Soon biết mình sắp chết và quyết tâm dạy con sống tự lập, đây chính là bước ngoặt hoàn toàn mới cho kịch bản. Có ai ngờ In Gyu có thể vào bếp tự ốp trứng ăn cơm, một mình dọn dẹp nhà ở, hơn thế nữa là bắt đầu làm việc trong xưởng bánh để trang trải cuộc sống. Tất cả như một điều kỳ diệu mà gần nửa đời người anh ta chưa được trải nghiệm.

Ngày Không Còn Mẹ khác với những phim điện ảnh thường thấy, thay vì câu khách bằng việc giấu kín kết cục, chúng ta đa phần lại tò mò hơn về quá trình diễn biến. In Gyu tái hòa nhập cộng đồng, hành trình ấy nào có khác việc biến một điều kỳ diệu thành hiện thực đâu đúng không?

Ai cũng xứng đáng được cho cơ hội

Nửa đầu phim tập trung thể hiện cuộc sống thường ngày của hai mẹ con Ae Soon. Có rất nhiều cảnh quay hoặc góc quay có thể khiến người xem nảy sinh cảm giác chán nản với nhân vật In Gyu. Anh ta quá ngây ngô, thậm chí có phần quấy phá. Nếu một đứa trẻ cư xử như vậy, chúng ta có thể miễn cưỡng chấp nhận vì nó còn non nớt.

Vậy nhưng In Gyu không trẻ trung gì, anh ta là người đàn ông trưởng thành, khuôn mặt còn lúng phúng râu và ngoại hình có dấu hiệu tuổi tác. Hầu hết những biểu cảm ngờ nghệch hay cách cư xử chưa chín chắn của anh có thể khiến người xem phiền lòng. Vậy mà nửa cuối phim còn lại, ai cũng phải cảm động trước mỗi lần anh mỉm cười. Nụ cười trong cảnh cuối của In Gyu chính là một dấu ấn đủ sức nặng về cảm xúc. Ngày Không Còn Mẹ - đến cả tựa phim cũng gợi cảm giác tang thương, nhưng kết cục của phim sẽ tươi sáng và khiến bạn nhẹ lòng hơn tất thảy.

“Ngày Không Còn Mẹ”: Người thiểu năng – họ chỉ hơi khác thường, chứ không phải tai ương - Ảnh 5.

"Ngày Không Còn Mẹ" có nhiều phân đoạn vui vẻ, ấm áp

Trong phim có hai nhân vật chính: Người mẹ và đứa con trai thiểu năng. Trong khi bà Ae Soon dẫn dắt mạch phim và tạo tình huống cướp nước mắt, In Gyu lại là nhân vật đối trọng đảm nhận tông màu tươi tắn để cân bằng cảm xúc cho người xem. Kịch bản của phim không mới, cũng không khó đoán, bởi lẽ tất cả tinh hoa, điểm ưu của phim đều được phó thác vào diễn xuất và khả năng nhập vai của diễn viên.

Phần ưu điểm còn lại của kịch bản chính là phim không chạy theo bối cảnh xa xôi. Phim điện ảnh này quá thực tế để bạn có thể ngay lập tức liên tưởng đến khu phố mình đang sống, với những con người và tình huống thường ngày. Chính vì phim quá gần gũi, mỗi phút giây trầm buồn đều quá dễ để đồng điệu, như mũi kim đâm vào bong bóng của tư tưởng an toàn đã ăn sâu vào đầu người xem. Ngược lại, ở những khoảnh khắc vui tươi, chúng ta lại cảm thấy niềm vui đó thật sự quá quý báu, vì cuộc sống này có những lúc chúng ta vô tình bỏ lỡ những phút giây vui vầy đến như thế.

“Ngày Không Còn Mẹ”: Người thiểu năng – họ chỉ hơi khác thường, chứ không phải tai ương - Ảnh 6.

Mọi người trao cho In Gyu nhiều cơ hội và anh đã đáp trả xứng đáng

Đây sẽ là vài lời cuối về chủ đề người thiểu năng, hay những thân phận được xem là kém may mắn trong xã hội này. Nhìn vào những người giao tiếp với In Gyu trong phim, bạn có nhận ra cách hành xử nào là của mình? Bạn là người kỳ thị, người tránh né, người vô tâm hay là những thiên thần luôn muốn sống chan hòa với những cá tính khác biệt như In Gyu?

Không ai đòi hỏi bạn phải hy sinh cả đời cho họ như bà Ae Soon, bởi vốn dĩ tình mẫu tử là thứ gì đó quá thiêng liêng, khó đong đếm. Chỉ mong bạn có thể như những nhân vật phụ khác trong phim, sẵn sàng cho In Gyu cơ hội để anh cười nhiều hơn mỗi ngày. Dù Ae Soon vất vả thế nào, bà cũng không thể cho In Gyu cái niềm vui đến ngẩn ngơ như những người lạ trong chợ gật đầu đáp lại lời chào của anh. Hóa ra chỉ cần một cử chỉ nhỏ nhặt cũng có sức động viên lớn lao như thế.

“Ngày Không Còn Mẹ”: Người thiểu năng – họ chỉ hơi khác thường, chứ không phải tai ương - Ảnh 7.

In Gyu vui ra mặt khi lời chào được đáp lại

Còn đó nhiều người giống như In Gyu luôn hiện diện trong cuộc sống này, bản thân họ cùng với người thân vẫn đang nỗ lực sống một cuộc đời "bình thường" như cách chúng ta vẫn gọi. Bạn cũng đừng vội xem họ là bất hạnh, là kém may. Bạn nhìn xem, đến phút cuối của phim, bà Ae Soon vẫn gọi In Gyu là "món quà vô giá". Vậy hà cớ gì chúng ta lại hạ thấp thứ mà người khác xem trọng bằng cảm nhận chủ quan của mình? In Gyu trong Ngày Không Còn Mẹ chính là một vận may để mẹ mình biết trân trọng sự sống, để cộng đồng xích lại gần hơn và cũng để khán giả xem phim có thêm một cảm quan sống đầy ý nghĩa.

Ngày Không Còn Mẹ hiện đang chiếu ở các rạp trên toàn quốc.