Mới đây, trường Đại học Kinh tế Quốc dân điểm chuẩn cho thí sinh thuộc nhóm 1 (xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế SAT/ACT) và nhóm 2 (xét tuyển bằng điểm thi HSA/APT/TSA năm 2023 hoặc 2024 hoặc Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi HSA/APT/TSA năm 2023 hoặc 2024) đủ điều kiện trúng tuyển đại học chính quy năm 2024 theo phương thức xét tuyển kết hợp.
Trong đó, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một trong những ngành có điểm chuẩn cao tại Đại học Kinh tế Quốc dân với mức điểm 28,31 ở nhóm 1 và 24,55 ở nhóm 2. Ngoài ra, năm 2023, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có mức điểm chuẩn "khủng" là 27,04.
Tại Trường Đại học Thương Mại, điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là 26,8 điểm; xét theo tổ hợp A00, A01, D01, D07.
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM, điểm chuẩn ngành Logistics và Hệ thống Công nghiệp (chương trình tiêu chuẩn) theo phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển là 85,9 điểm (thang điểm 90). Đối với chương trình học và dạy bằng tiếng Anh, lấy 83,3 điểm (thang 90 điểm).
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chương trình tiên tiến) lấy 25,69 điểm; tương ứng các tổ hợp xét tuyển A01, D01, D07.
Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường Đại học Giao thông Vận tải có điểm chuẩn năm 2023 là 26,15 điểm đối với cơ sở Hà Nội. Tại cơ sở TPHCM, ngành lấy 24,83 điểm.
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hiện đang có nhu cầu nhân lực lớn. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đến năm 2025, ngành Logistics tại Việt Nam cần thêm khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn,... để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Hiệp hội Quản lý Chuỗi Cung ứng (APICS), Logistics là nghệ thuật và khoa học của việc thu thập, sản xuất và phân phối nguyên liệu, sản phẩm ở vị trí và số lượng thích hợp. Quản lý chuỗi cung ứng là sự phối hợp của các hoạt động Logistics và sản xuất nhằm tối ưu chi phí cung ứng sản phẩm ra thị trường cho các doanh nghiệp.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Logistics liên quan tới chuỗi các hoạt động bao gồm lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, nguồn nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Ngành nghề này đang ngày càng trở nên quan trọng và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tại diễn đàn quốc tế với chủ đề Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics được tổ chức cuối năm 2023, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 16% và quy mô 40 – 42 tỉ đô la Mỹ/năm, Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng phát triển ngành nghề Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, chẳng hạn như Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ, Úc. Nếu có ý định du học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, bạn có thể cân nhắc một số trường tiêu biểu như Đại học Aalto (Phần Lan), Đại học Rotterdam (Hà Lan), Đại học Lund (Thụy Điển), Đại học Michigan (Mỹ),...
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Logistics có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau: Chuyên viên vận chuyển và quản lý đơn hàng, chuyên viên quản lý kho và lưu trữ, chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng, chuyên viên quản lý dự án logistics, chuyên viên phân tích và tối ưu hóa quy trình logistics, chuyên viên hỗ trợ khách hàng và dịch vụ sau bán hàng,...
Dựa trên yếu tố kinh nghiệm, mức lương ngành Logistics có thể được phân chia như sau:
1. Mức lương khởi điểm: Đối với các vị trí không cần quá nhiều kinh nghiệm hay người mới đi làm, mức lương khởi điểm của ngành Logistics dao động từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.
2. Mức lương có kinh nghiệm: Với những nhân viên có kinh nghiệm từ 2 - 3 năm trở lên, mức lương có thể lên tới 10 - 15 triệu đồng/tháng. Với những nhân viên có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên, mức lương có thể lên tới 20 - 30 triệu đồng/tháng.
3. Mức lương cấp cao: Đối với các vị trí cấp cao như Quản lý Logistics hay Giám đốc Chuỗi cung ứng, mức lương có thể lên tới 50 - 70 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thậm chí có thể sẵn sàng chi trả 80 - 100 triệu đồng/tháng nếu nhân viên có đủ năng lực và kinh nghiệm để giúp doanh nghiệp phát triển tốt nhất.
1. Phát triển khả năng thích ứng, năng động, nhạy bén
Với môi trường làm việc năng động, người theo ngành nghề này cần phải trau dồi những tố chất thiết yếu, đặc biệt là sự chủ động trong việc thường xuyên cập nhật tiến độ công việc, sự nhạy bén với những tin tức, biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp và thay đổi nhanh chóng, thường xuyên. Nhiều nhà Quản lý Logistics thành công hầu hết đều trau dồi khả năng thích ứng tốt nhất để hoàn thiện, nâng cấp quy trình, tổ chức liên tục thích nghi và phát triển. Khả năng thích ứng và linh hoạt là yêu cầu quan trọng của ngành Logistics.
2. Nâng cao năng lực tư duy logic
Đối với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, người học cần phải có tư duy logic tốt nhằm nhận ra vấn đề đang xảy ra để giải quyết một cách chu toàn nhất có thể. Đồng thời, người theo ngành nghề này cần có tầm nhìn xa để dự đoán cán cân cung cầu, phân tích chỉ số hiệu quả công việc.
3. Lên kế hoạch, quản lý thời gian hợp lý
Người theo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần biết cách lập kế hoạch cho các công việc cần phải làm, tìm kiếm các giải pháp tối ưu để giảm thiểu được các chi phí phát sinh trong quá trình vận hành hoạt động, đồng thời cần quản lý thời gian tốt nhằm đảm bảo tiến độ công việc.
4. Có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm
Ở bất kỳ trong lĩnh vực nào, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm luôn là tiêu chí ưu tiên trong đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Để có thể tự tin và đảm nhiệm tốt các công việc trong thời kỳ hội nhập, người theo ngành nghề này cần phải có những kỹ năng về giao tiếp, đàm phán, thu thập và xử lý thông, số liệu, quản lý sắp xếp công việc, thời gian,…
Tổng hợp