Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo hỗ trợ mở mật mã tài khoản thanh toán trên ngân hàng.
MSB cho biết, gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng và lợi dụng quy định Xác thực giao dịch bằng khuôn mặt (Face ID) như sau:
Đối tượng cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần để khóa tài khoản ngân hàng bị khóa ("Khóa": tình trạng tài khoản không thể đăng nhập do sai mật khẩu quá 05 lần).
Ngân hàng MSB cảnh báo người dùng không chia sẻ giấy tờ tùy thân, hình ảnh gương mặt hoặc thực hiện cuộc gọi video với người lạ. (Ảnh minh hoạ)
Sau đó, kẻ gian giả danh nhân viên ngân hàng, liên hệ để "hỗ trợ" mở khóa, dụ dỗ khách hàng truy cập link giả, tải app độc hại để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, OTP và tin nhắn SMS. Đối tượng sẽ lợi dụng sinh trắc học (khuôn mặt) để xác nhận giao dịch trái phép.
Để bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản, MSB khuyến cáo khách hàng:
- Chỉ tải ứng dụng MSB mBank từ Google Play (Android) hoặc App Store (iOS).
- Tuyệt đối không cung cấp OTP, mã PIN Soft Token, mật khẩu cho bất kỳ ai.
- Không chia sẻ giấy tờ tùy thân, hình ảnh gương mặt hoặc gọi video với người lạ.
MSB nhấn mạnh, cảnh giác cao độ là cách tốt nhất để khách hàng bảo vệ tài khoản ngân hàng và tài sản của mình trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Cách nhận biết các thủ đoạn lừa đảo qua cuộc gọi khác để cảnh giác:
Tình trạng lừa đảo qua điện thoại hiện nay diễn ra rất phổ biến. Sau đây là một số thủ đoạn quen thuộc thường thấy như:
- Giả mạo shipper: Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là gọi điện tự xưng shipper, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu khách thanh toán trước qua chuyển khoản. Sau khi tiền được gửi đi, người mạo danh viện lý do nhầm lẫn số tài khoản thường là tài khoản hội viên hoặc gói dịch vụ và yêu khách hàng truy cập đường link giả mạo để hoàn tiền. Khi nạn nhân nhập thông tin vào các đường link này, tài khoản ngân hàng lập tức bị chiếm đoạt.
- Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện gây sức ép, yêu cầu nộp tiền. Kịch bản lừa đảo trong tình huống này là: Giả làm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… liên hệ với nạn nhân thông báo vi phạm không có thật, khai thác thông tin cá nhân của người nghe. Sau đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra.
- Giả danh ngân hàng gọi điện mời chào vay tiền online: Thủ đoạn này thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.
- Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
Cơ quan công an tại các địa phương khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu từ những cuộc gọi giả danh cán bộ thuộc các cơ quan thực thi pháp luật. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng qua điện thoại hay mạng xã hội. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi lừa đảo, người dân nên nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.