Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 14/12/1914, tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình giàu có bậc nhất Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Mặc dù quê ở Tiền Giang, Nguyễn Hữu Thị Lan mang quốc tịch Pháp với tên Pháp là Mariette Jeanne, sống và học tại Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux (Paris) - một trường do các nữ tu dòng Đức Bà điều hành, đào tạo học sinh nghiêm ngặt. Trong quá trình học tập tại đây, bà nhận được sự hậu thuẫn mạnh về tài chính từ người cậu Denis Lê Phát An. Cứ cuối tuần được nghỉ học, bà được cậu An đánh xe tới trường đón về nhà ăn cơm với gia đình. (Ảnh: Bảo tàng Hamburg)
Tháng 9/1932, sau khi đỗ tú tài toàn phần (tương đương tốt nghiệp THPT hiện nay), bà về Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Hữu Thị Lan gặp vua Bảo Đại trong cuộc yến tiệc tại Đà Lạt. Nổi tiếng xinh đẹp, nên ngay từ lần gặp đầu tiên, bà khiến nhà vua say đắm. Trong cuốn "Con rồng Việt Nam", nhà vua viết: "Lan có vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê". Vua quyết định hỏi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan, bất chấp khác biệt tôn giáo và sự ngăn cản từ gia đình. Khi kết hôn cùng vua Bảo Đại, bà mới vừa ngoài 20 và được phong hoàng hậu ngay sau lễ cưới. (Ảnh: Bảo tàng Hamburg)
Theo sách "Nam Phương hoàng hậu: Vị Quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí", suốt khoảng thời gian tại vị, Nam Phương hoàng hậu ảnh hưởng lớn đến công cuộc trị vì của vua Bảo Đại, góp phần giúp đỡ người dân lúc bấy giờ. Bằng học thức và tài năng, bà hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Nếu Bảo Đại lo chính trị, hoàng hậu giữ vai trò là quốc mẫu với công tác từ thiện xã hội. Bà cho xây dựng trường học, hỗ trợ về y tế cho phụ nữ. (Ảnh tư liệu)
Sau nhiều năm chung sống, hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại có với nhau 5 người con, 2 hoàng tử và 3 công chúa. Tình vợ chồng giữa vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu chỉ thắm thiết những năm đầu, sau đó Bảo Đại ham chơi và trăng hoa, mải miết đuổi theo những bóng hồng khác. (Ảnh: Bảo tàng Hamburg)
Khi Vua Bảo Đại thoái vị, năm 1947 Nam Phương hoàng hậu cùng các con rời Việt Nam sang Pháp. Ở đây, bà được nhận khối tài sản lớn do cha đẻ trao cho gồm một chung cư lớn tại Neuilly và Đại lộ Opera, cùng nhiều nhà đất khác… Bà chia cho các con, chỉ giữ lại trang trại ở Chabrignac. (Ảnh tư liệu)
Nam Phương hoàng hậu bị bệnh tim nặng và ra đi năm 1963 sau lần bị cảm lạnh, sốt cao, khó thở. Lúc lâm chung, các con ở xa, Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp, bên cạnh bà chỉ có hai người giúp việc. Ngôi mộ đơn sơ của bà được đặt tại nghĩa trang nhà thờ Chabrignac, kết thúc câu chuyện đẹp về vị hoàng hậu tài sắc, đức hạnh của chế độ phong kiến Việt Nam. (Ảnh tư liệu)