Chị Nguyễn Thị Hoài Nga (trú tại TP.HCM) tìm tới bác sĩ vì bị liệt một bên mặt. Chị cho biết khi tắm xong đi ngủ như mọi ngày nhưng sáng ngủ dậy đứng trước gương chị thấy mặt méo. Mắt không khép được và đặc biệt không ăn uống được như bình thường.
Quá sợ hãi, chị tìm tới bác sĩ khám. Bác sĩ cho biết Nga bị chứng liệt dây thần kinh số 7 và giới thiệu chị về điều trị theo y học cổ truyền.
Suốt hai tuần điều trị lúc nào Nga cũng sợ hãi bệnh sẽ không khỏi. Công việc của Nga là order và livestream bán hàng Mỹ nên khi bị bệnh chị phải gác lại tất cả.
Vào bệnh viện điều trị, Nga gặp rất nhiều người giống mình, có cả trẻ con. Nguyên nhân do quá nóng nên bật quạt hoặc máy lạnh phả thẳng vào mặt cho mát.
Anh Ngô Văn N. 28 tuổi, trú tại Đà Nẵng khổ sở vì chứng liệt mặt. Anh N. cho biết anh bị từ mùa hè năm ngoái, do bật điều hòa quá lạnh. Sau 1 năm ròng rã điều trị hiện tại khi anh cười miệng vẫn méo, không cải thiện được. Anh N. vô cùng tự ti và từ đó ít cười hơn.
Bệnh nhân liệt đang điều trị châm cứu
Từ khi bị liệt mặt, anh N. đi vào các bệnh viện lớn chiếu chụp nhưng bác sĩ cũng không thể cho thuốc gì mà chỉ khuyên điều trị bằng y học cổ truyền.
Theo ThS BS. Ngô Thị Kim Oanh- Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khi thời tiết dần chuyển sang mưa, lạnh hoặc những ngày trời nóng đổ lửa phải ngủ dưới máy lạnh và quạt với cường độ cao, là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên liệt mặt ngoại biên dẫn đến mất thẩm mỹ, ảnh hưởng công việc, tâm lý người bệnh và chất lượng sống.
Liệt mặt ngoại biên do lạnh mức độ nhẹ 80% sẽ tự lành trong vòng vài tuần sau đó. Tuy nhiên, người bệnh ở mức độ nặng có tổn thương sợi trục thì rất khó khăn trong việc điều trị hồi phục.
Bệnh khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, liệt nửa mặt hoàn toàn xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ. Liệt toàn bộ cơ mặt một bên. Ở trạng thái tĩnh: mặt mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nếp nhăn vùng trán, ranh mũi má mắt, nhân trung lệch, miệng méo. Ở trạng thái động: dấu hiệu charles bell (+): Mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân không làm được hay khó khăn khi thực hiện các động tác: nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo,…Triệu chứng phụ: có thể có ù tai, chảy nước mắt bên liệt,…
Theo BS Oanh, khi có những biểu hiện trên người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để khám tìm ra nguyên nhân, tầm soát mức độ tổn thương của dây thần kinh bằng các triệu chứng lâm sàng và điện cơ vùng mặt. Người bệnh bị liệt mặt ngoại biên mức độ nặng nếu không được điều trị và hướng dẫn đúng cách sẽ dẫn đến nhưng biến chứng nặng nề như xuất hiện dấu giật ở mặt (tic), viêm loét giác mạc, liệt cứng.... Điều trị thường phải kết hợp nhiều phương pháp.
Đa số người bệnh sẽ hướng tới y học cổ truyền để hồi phục như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động vùng mặt, thuốc y học cổ truyền, thủy châm... việc điều trị phải liên tục và kiên trì trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, một bộ phận người bệnh vì tính chất công việc nên không thể đến cơ sở y tế mỗi ngày để điều trị. Hiện tại có một phương pháp điều trị mới, an toàn, hiệu quả và phù hợp với người bận rộn. Đó là phương pháp cấy chỉ điều trị.
Cấy chỉ là một phương pháp nhu châm hiệu đang được áp dụng rộng rãi ngày nay, người châm sẽ đưa sợi chỉ tự tiêu vào huyệt và tạo hiệu quả lên huyệt đó. Tùy loại chỉ được cấy vào huyệt có độ tan lâu hay nhanh mà sẽ có liệu trình cấy nhất định, ví dụ như chỉ catgut thường có thời gian tan là 10 – 20 ngày nên người bệnh sẽ được chỉ định cấy lại sau 1 – 2 tuần. Cấy chỉ có tác dụng giống như hào châm và có thêm tác dụng riêng của cấy chỉ.