Mỹ cảnh báo sự gia tăng của loại virus lây lan qua đường hô hấp có thể gây liệt ở trẻ em

XT, Theo Tổ quốc 08:00 30/09/2022

CDC Hoa Kỳ đã phát hiện 260 trường hợp nhiễm enterovirus D68, một loại virus lây lan qua đường hô hấp nhưng cũng có thể gây biến chứng viêm tủy cấp với triệu chứng giống bệnh bại liệt cho dù hiếm gặp.

Cảnh báo về sự gia tăng của virus có thể gây liệt ở trẻ em

Trong một báo cáo được công bố ngày 27/9/2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đang cảnh báo về sự lây lan của một loại virus phổ biến có tên là enterovirus D68 (EV-D68) ở trẻ em, có thể gây yếu cơ hoặc tê liệt trong những trường hợp hiếm gặp. Theo báo cáo, CDC đã ghi nhận 260 trường hợp nhiễm enterovirus D68 trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 - 20/9/2022. Con số này nhiều hơn số ca mắc trong 3 năm cộng lại (năm 2019 là 6 trường hợp, năm 2022 là 30 trường hợp và năm 2021 có 16 trường hợp).

Những đứa trẻ nhiễm enterovirus D68 trong năm nay trung bình dưới 3 tuổi. Các ca nhiễm được phát hiện tại các trung tâm y tế nhi khoa liên kết với Mạng lưới Giám sát Vaccine của CDC.

Mỹ cảnh báo sự gia tăng của loại virus lây lan qua đường hô hấp có thể gây liệt ở trẻ em - Ảnh 1.

Những đứa trẻ nhiễm enterovirus D68 trong năm nay trung bình dưới 3 tuổi (Ảnh Getty)

Tại sao các trường hợp nhiễm EV-D68 tăng trong năm nay?

Trong quá khứ, CDC đã ghi nhận sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm EV-D68, đó là vào năm 2014, 2016 và 2018. Tiến sĩ Benjamin Greenberg, một nhà thần kinh học tại Viện Não O'Donnell của UT Southwestern, người điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sức khỏe Trẻ em ở Dallas, cho biết khi khả năng miễn dịch suy yếu, số ca bệnh lại tăng lên.

Tiến sĩ Sarah Hopkins, một bác sĩ thần kinh nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho biết các chuyên gia nghĩ rằng "sẽ có sự gia tăng đột biến vào năm 2020, theo mô hình này". Nhưng sau đó với việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của virus đường hô hấp Sars-Cov-2 mà không có sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm EV-D68 như dự kiến.

Greenberg cho biết các trường hợp rất có thể đang tăng trở lại trong năm nay vì trẻ em đã trở lại trường học và các không gian công cộng được mở cửa.

Enterovirus D68 là gì?

Các nhà khoa học lần đầu tiên xác định enterovirus D68 vào năm 1962. Vào thời điểm đó, virus không lưu hành nhiều và các trường hợp nhiễm thường nhẹ hơn so với hiện nay, tiến sĩ Greenberg nói.

CDC bắt đầu thực hiện nhiều thử nghiệm hơn đối với EV-D68 vào năm 2014, khi các nhà khoa học nhận thấy có sự thay đổi trong cách thức hoạt động của virus. "Virus đã thay đổi theo thời gian để có được khả năng tiêu diệt các tế bào thần kinh làm tổn thương tủy sống" Greenberg nói.

Enterovirus D68 là một loại trong họ enterovirus, có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và gây yếu cơ. Đôi khi, EV-D68 có thể dẫn đến một tình trạng gọi là viêm tủy cấp tính (AFM), được đặc trưng bởi viêm ở vùng cổ của tủy sống. Một số người trải qua AFM gặp khó khăn trong việc di chuyển cánh tay của họ, trong khi những người khác gặp phải điểm yếu ở cả bốn chi - triệu chứng giống bệnh bại liệt .

Mỹ cảnh báo sự gia tăng của loại virus lây lan qua đường hô hấp có thể gây liệt ở trẻ em - Ảnh 2.

Cậu bé 4 tuổi này cần vật lý trị liệu để phục hồi lại sức mạnh và sự cân bằng (Ảnh: .Kayana Szymczak/The New York Times)

Các triệu chứng phổ biến khi nhiễm Enterovirus D68

"Có thể khó phân biệt các triệu chứng EV-D68 với các triệu chứng của các loại virus đường hô hấp khác", Greenberg nói. "Giống như cảm lạnh thông thường, EV-D68 có thể gây sổ mũi, hắt hơi, đau nhức cơ thể hoặc đau nhức cơ bắp. Vì vậy, trẻ em cần nhập viện khi bị ho, khó thở, thở khò khè và sốt".

Nhìn chung, người nhiễm enterovirus D68 có thể gặp triệu chứng hô hấp từ nhẹ đến nghiêm trọng, hoặc không có biểu hiện nào. Các triệu chứng nhẹ bao gồm chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau nhức cơ thể và cơ bắp. Các biểu hiện nghiêm trọng là khó thở.

Theo tiến sĩ Keith Van Haren, trợ lý giáo sư thần kinh học tại Đại học Stanford, một trường hợp nhiễm EV-D68 phát triển thành AFM thường là mất 4 tuần, kết quả là người bệnh khó di chuyển các chi và đôi khi thậm chí cần hỗ trợ hô hấp kéo dài. Bệnh nhân thường bắt đầu hồi phục sau các triệu chứng hô hấp của họ trước khi các triệu chứng thần kinh xuất hiện.

"Các triệu chứng thần kinh có thể bắt đầu khá đột ngột. Chúng có thể đạt đỉnh trong vòng vài giờ", ông nói.

Trẻ em phát triển AFM thường phải nhập viện. Mặc dù chưa hoàn toàn tìm ra nguyên nhân nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những đứa trẻ có nguy cơ cao nhất bao gồm những đứa trẻ có tiền sử mắc bệnh hen suyễn.

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh AFM. Các bác sĩ chỉ có thể cung cấp liệu pháp kháng thể để cải thiện phản ứng miễn dịch của bệnh nhân hoặc thực hiện chăm sóc hỗ trợ, như máy thở hoặc chất lỏng.

Enterovirus D68 lây lan thế nào?

CDC cho biết, EV-D68 có thể lây truyền qua nước bọt và chất nhầy của người bị nhiễm bệnh và có khả năng lây lan khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt sau đó bị người khác chạm vào.

Nhìn chung, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều khả năng bị nhiễm enterovirus và bị bệnh hơn. Đó là bởi vì họ chưa có khả năng miễn dịch từ những lần phơi nhiễm trước đó với những loại virus này. Trong khi đó, người lớn có thể bị nhiễm enterovirus, nhưng có nhiều khả năng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Mỹ cảnh báo sự gia tăng của loại virus lây lan qua đường hô hấp có thể gây liệt ở trẻ em - Ảnh 3.

CDC cho biết, EV-D68 có thể lây truyền qua nước bọt và chất nhầy của người bị nhiễm bệnh (Ảnh: Ncbnews)

Biện pháp phòng tránh Enterovirus D68

Hiện tại không có vắc-xin nào có sẵn để bảo vệ chống lại EV-D68. Các quan chức y tế đề nghị người dân thực hiện các bước để bảo vệ chống lại virus này cũng giống như phòng ngừa bệnh do virus khác, bao gồm tiêm phòng và dùng thuốc tăng cường.

Tiến sĩ Robert Kim-Farley, một nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trường Y tế Công cộng UCLA Fielding, cho biết các chiến thuật để bảo vệ chống lại nhiễm trùng EV-D68 phổ biến nhất là "rửa tay và ở nhà nếu bị bệnh".

Ngoài ra, CDC cũng đưa ra lời khuyên phòng bệnh cho người dân như: Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng; Tránh tiếp xúc gần gũi như hôn, ôm và dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với người bị bệnh; Che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy; Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào, như đồ chơi và tay nắm cửa...

Theo Nbcnews, Latimes , Nytimes