Có một người đàn ông Trung Quốc sống trong tình cảnh vô cùng đáng thương. Ông ấy đã ngoài 70 tuổi, không thấy có vợ con, ngày ngày lầm lũi một mình. Thời còn trẻ, ông ấy cũng một tổ ấm nhưng không biết quý trọng, thường xuyên đánh đập vợ con. Sau khi người vợ qua đời, con trai ông không chịu nổi sự dày vò trước việc nhiếc móc, đánh đập nên bỏ nhà đi.
Nhiều người hàng xóm chỉ trích hành động của cậu con trai là bất hiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, những đứa con bất hiếu thường xuất phát từ nguyên nhân sâu xa, đó là môi trường sống, là lời nói và hành động của cha mẹ. Để con trưởng thành trở nên hiếu thảo, cha mẹ hãy lưu ý 3 điều dưới đây.
Cha mẹ là người trao sự sống và nuôi dưỡng con nên người. Đây là công ơn trời biển mà những đứa con luôn khắc ghi và tìm cơ hội báo đáp lúc trưởng thành. Tuy nhiên, cũng đừng vì vậy mà cho rằng đó là nghĩa vụ của con, bắt con phải có trách nhiệm với bản thân mình. Điều này vô tình ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ tuyệt đối không được coi con là cỗ máy kiếm tiền (Ảnh minh hoạ)
Với sự phát triển xã hội như hiện nay, ngành công nghiệp người mẫu nhí đang nhận được quan tâm của mọi người. Một số cha mẹ ban đầu đăng tải hình ảnh của con với mục đích chia sẻ kỷ niệm. Thế nhưng, khi được hưởng lợi từ tiền bạc, sự nổi tiếng thì họ trở nên mù quáng biến con thành công cụ kiếm tiền. Tất cả những điều này đều thoả mãn sự ích kỷ của cha mẹ, ngang nhiên lấy đi tuổi thơ hồn nhiên của con cái.
Cha mẹ nên để con sống đúng với lứa tuổi, dành nhiều thời gian cho việc học tập và có những hoạt động thể chất phù hợp.
Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ kiểm soát luôn có nỗi buồn phiền trong lòng. Khi cha mẹ can thiệp quá mức vào cuộc sống sẽ khiến trẻ cảm thấy như bị giam cầm. Lúc này, trẻ trở nên ủ rũ, thiếu sức sống và sẵn sàng tìm cơ hội nổi loạn.
Để kiểm soát con cái tốt nhất mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư, cha mẹ nên thảo luận với con về vấn đề này và đặt ra một số quy tắc, ranh giới. Những điều này có thể thay đổi khi trẻ lớn lên. Cha mẹ cũng có thể nói với con về những tình huống khẩn cấp cần vượt ranh giới đã thoả thuận để bảo vệ con.
Cha mẹ đừng đọc tin nhắn của con khi chưa được phép (Ảnh minh hoạ)
Để không can thiệp quá mức vào cuộc sống của con, cha mẹ nên tránh những điều sau: Gọi điện thoại kiểm tra trẻ mọi lúc, đọc trộm nhật ký và tin nhắn, tìm cách thăm dò trẻ trên mạng xã hội,… Việc theo dõi tốt nhất là dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau. Khi thường xuyên nói chuyện và chia sẻ, con sẽ nói ra những điều thầm kín trong lòng.
Trên thực tế, muốn con cái hiếu thảo khi lớn lên thì bản thân cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con. Trước tiên, hãy học cách kính trọng người lớn tuổi, nhất là đấng sinh thành.
Có nhiều đứa trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ mình đi làm về không làm gì cả, nằm dài trên ghế sô pha nghịch điện thoại, xem ti vi rồi phó mặc việc nhà cho ông bà làm. Họ sống dựa dẫm vào bố mẹ của mình, hiển nhiên coi việc nuôi nấng dạy dỗ con là việc của người già. Đứa trẻ lớn lên trong gia đình như vậy vô tình bị nhiễm tính xấu.
Cha mẹ hãy là tấm gương sáng về lòng hiếu thuận (Ảnh minh hoạ)
Vì vậy, để con noi theo và học tập những điều tốt, cha mẹ cần là người tôn trọng người lớn tuổi. Đừng ỷ lại vào người già, hãy cố gắng giúp đỡ cha mẹ của mình nhiều nhất có thể. Hãy đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho cha mẹ chứ đừng bắt cha mẹ làm mọi việc nhà.