Vậy là bộ phim Tình khúc Bạch Dương do VTV sản xuất đã lên sóng đến tập thứ 2. Nếu gạt qua một bên những tranh cãi về tính xác thực của tình hình du học sinh Liên Xô những năm cuối thập niên 80 thì Tình khúc Bạch Dương cũng gây ấn tượng bởi những cảnh quay đầy hoài niệm về vẻ đẹp của nước Nga qua các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cùng với dàn diễn viên trẻ trung, năng động.
Khác với những bộ phim nói về sự giao lưu văn hoá khác như Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời hay Mátxcơva mùa thay lá, cách chọn bối cảnh và mốc thời gian táo bạo là Liên Xô và Việt Nam những năm cuối thập niên 80 – một thời điểm mang nặng dấu ấn kinh tế bao cấp - của Tình khúc Bạch Dương đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng hơn về bối cảnh cũng như kịch bản để tái hiện lại chi tiết cuộc sống của các nhân vật ở cả 2 nước cách đây gần 30 năm. Tuy bị đánh giá là còn nhiều hạn chế nhưng dưới đây là những chi tiết phản ánh bối cảnh thời kỳ Liên Xô trong phim mà khán giả trẻ có thể ít ai biết đến.
1. Đạo diễn Karen Shakhnazarov
Mở đầu tập 2 của Tình khúc Bạch Dương có xuất hiện chi tiết nhân vật An rủ Hùng (Huỳnh Anh) đi xem bộ phim Kuryer của đạo diễn Karen Shakhnazarov. Có thể giới trẻ hiện nay vẫn còn khá xa lạ với điện ảnh Nga nhưng ở thời điểm đó, những bộ phim do Nga sản xuất được giới trẻ Việt Nam theo dõi và ủng hộ rất nhiều, trong đó có Kuryer.
Đạo diễn Karen Shakhnazarov là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất thời bấy giờ với những bộ phim như Chúng tôi từ ban nhạc Jazz, Người tuỳ phái, Kẻ ám sát Nga hoàng... Hiện nay, ông đang là tổng giám đốc của hãng Mosfilm, đây đã từng là nơi sở hữu xưởng phim lớn nhất Châu Âu và cho ra đời vô số những tuyệt tác điện ảnh kinh điển như Khi đàn sếu bay qua (1957), Số phận một con người (1959), Thời thơ ấu của Ivan (1962), Đến mà xem (1985), Chiến tranh và hòa bình (1966)...
Đạo diễn Karen Shakhnazarov
Cảnh giới thiệu kinh điển của hãng Mosfilm
2. Ca khúc "Em bay trong đêm pháo hoa"
Ngay ở những cảnh đầu tiên về Hà Nội những năm cuối thập niên 80, tiếng nhạc loa phường nơi Quyên (Minh Trang) sinh sống đã phát lên ca khúc "Em bay trong đêm pháo hoa". Đây là một bài hát thiếu nhi không xa lạ gì với những người đã từng trải qua cuộc sống thời bao cấp và những năm sau giải phóng của đất nước.
Lời lẽ trong ca khúc cũng nói rất rõ về không khí tưng bừng ở cả 2 miền sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, nói về cảm xúc khi nhận tin chiến thắng bất ngờ như mơ và những giấc mơ đó đã trở thành giấc mơ bay, không chỉ của trẻ em mà cả người lớn. Ngày 30/4/1975 đất nước được hoàn toàn thống nhất nhưng phải nửa tháng sau mới đủ thời gian để làm lễ mừng chiến thắng.
Cả dân tộc chờ ngày này suốt mấy chục năm nên đêm diễn ra lễ mít-ting rất đông người. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích và vợ bế con trai đầu lòng mới 1 tuổi đi xem bắn pháo hoa và đó chính là thời khắc được ông lấy cảm hứng để viết nên ca khúc này.
Ca khúc Em bay trong đêm pháo hoa được phát trên loa phường
3. Phong trào nuôi chó Nhật
"Muốn đi Dream thì nuôi chó Nhật" là thành ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong quán bia hơi vỉa hè Hà Nội đầu thập niên 1990. Thực ra trước đổi mới, một vài gia đình ở Hà Nội đã nuôi chó cảnh, họ nuôi vì thích, nuôi chơi nhưng lén lút vì ở các đô thị có lệnh cấm chó, sợ bệnh dại, dịch dại. Thế nên mỗi khi thấy chủ về, những chú cẩu lông trắng muốt mà sủa nhặng xị là chủ nhà tái mặt, cán bộ phường mà biết thì họ sẽ cho nó đi…Văn Điển (theo cách nói của người Hà Nội tức là đi chôn).
Năm 1989, chó cảnh nhập về chủ yếu từ Liên Xô. Mỗi chuyến bay của hãng không Aeroflot từ Matxcova về sân bay Nội Bài chở năm bảy chục chú chó là chuyện thường xuyên. Về Hà Nội, dù là giống gì ở vùng nào trên thế giới thì tất cả đều được gọi là chó Nhật, chỉ có chó Nhật mới có giá. Trong phim, nhân vật anh Đoàn do Công Lý thủ vai cũng nuôi một "em" chó Nhật để cải thiện kinh tế gia đình.
Anh Đoàn cũng nuôi chó Nhật theo phong trào
4. Tổng bí thư Gorbachev
Trong tập 2, nhân vật bố của Quyên (Văn Báu) đã nhắc đến quyết định cải tổ lớn trong kỳ triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ 27 của Đảng Cộng Sản Liên Xô. Trên thực tế, Mikhaili Gorbachev được bầu làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô vào tháng 3 năm 1985 và Đại hội đại biểu lần thứ 27 là kỳ Đại hội đầu tiên được thành lập sau khi ông lên cầm quyền. Những cải cách của Gorbachev đã chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô với Mỹ nhưng cũng khiến cho Liên Bang Xô Viết bị tan rã sau đó. Rất có thể đây chính là tác nhân khởi đầu của những biến cố gây ra cho những nhân vật trong phim.
Bố Quyên có nhắc đến cuộc đại cải tổ năm 1985 của Gorbachev
5. Những mẫu giày cũ
Vì là một bộ phim mang tính hoài cổ và nói về thời kỳ bao cấp, Tình khúc Bạch Dương đương nhiên phải chăm chút phần phục trang cho các nhân vật. Một trong những điều đầu tiên gây ấn tượng với khán giả là đôi giày khá lạ mà nhân vật Hùng đang mang trong những cảnh đầu tập 1.
Nhìn qua thiết kế, người xem chỉ nhận định được rằng đây là một đôi giày Adidas kiểu dáng cổ qua nhãn hiệu 3 sọc đặc trưng. Nhưng đối với dân mê giày, họ nhận ra được ngay đây chính là mẫu Adidas ZX700 ra mắt vào năm 1985. Còn đôi giày của anh chàng buôn đồ bên cạnh Hùng nhìn rất giống mẫu Skechers OG85 ra mắt vào cùng năm.
Có thể nói đây là một chi tiết khá thú vị, giúp cho nhiều du học sinh Liên Xô năm xưa hoài niệm lại mốt thời trang thời trẻ của mình, vừa khiến cho khán giả ngày nay phải trầm trồ với mẫu mã lạ lẫm chưa từng có dịp nhìn thấy của một hãng thời trang nổi tiếng.
Là một "bom tấn" truyền hình nói về nước Nga thời Liên Xô - một đất nước có mối quan hệ đặc biệt không thể diễn tả hết bằng lời đối với nhiều thế hệ người dân ở Việt Nam cũng như những du học sinh Liên Xô được tạo điều kiện ra nước bạn học tập nên việc bị đem ra bàn tán, tranh luận nhiều hơn các bộ phim khác là chuyện có thể hiểu được.
Tuy nhiên, ekip làm phim cũng thể hiện được sự cầu thị, dụng tâm qua những chi tiết về bối cảnh, lời thoại thu nhặt được của những cựu du học sinh từng gắn bó với nước Nga. Dù còn cách rất xa mức toàn diện nhưng thiết nghĩ, nhìn theo góc độ là một phim tâm lý xã hội, khán giả cũng nên châm chước những yếu tố về tính xác thực và cho bộ phim một cơ hội để kể câu chuyện tình yêu lãng mạn trên trên bức nền xinh đẹp và thơ mộng của nước Nga - đất nước mà tất cả chúng ta đều yêu quí.
Tình khúc Bạch Dương lên sóng vào lúc 21h45' thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần trên VTV1.