Mua bảo hiểm nhân thọ sau bao lâu thì có hiệu lực?

Nguyễn Minh (t/h), Theo An ninh tiền tệ 09:27 30/11/2024
Chia sẻ

Bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm tài chính quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi tài chính của người tham gia và gia đình trước những rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về thời điểm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực cũng như các trường hợp có thể dẫn đến mất hiệu lực hợp đồng.

Mua bảo hiểm nhân thọ bao lâu thì có hiệu lực?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 67/2023/TT-BTC, thời điểm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể:

1. Khi bên mua bảo hiểm nộp đầy đủ hồ sơ và phí bảo hiểm tạm tính

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực khi bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm còn sống tại thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chấp thuận bản yêu cầu bảo hiểm. Ngày hiệu lực hợp đồng được tính từ ngày bên mua bảo hiểm hoàn tất việc nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và đóng đủ phí bảo hiểm tạm tính theo thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Khi giấy chứng nhận bảo hiểm được phát hành

Trường hợp này xảy ra khi bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm còn sống tại thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm.

Ngày hiệu lực hợp đồng được tính từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm phát hành giấy chứng nhận và bên mua bảo hiểm đã thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm theo hợp đồng.

3. Ngày ký kết hợp đồng

Nếu hợp đồng được ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoặc chi nhánh công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, ngày hiệu lực bảo hiểm chính là ngày ký kết hợp đồng.

Khi nào hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực?

Trong một số trường hợp, hợp đồng bảo hiểm có thể bị mất hiệu lực, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia. Các trường hợp mất hiệu lực phổ biến bao gồm:

Không đóng phí bảo hiểm đúng hạn

Đối với sản phẩm bảo hiểm truyền thống: Nếu người tham gia không đóng phí bảo hiểm đến hạn, hợp đồng sẽ mất hiệu lực.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết: Khi giá trị tài khoản hợp đồng xuống dưới 0 đồng, hợp đồng cũng sẽ chấm dứt hiệu lực.

Khoản tạm ứng và lãi phát sinh vượt quá giá trị hoàn lại của hợp đồng

Nếu người tham gia đã tạm ứng tiền mặt từ hợp đồng bảo hiểm và không hoàn trả, khoản nợ và lãi phát sinh vượt quá giá trị hoàn lại của hợp đồng, hợp đồng sẽ mất hiệu lực.

Khoản vay đóng phí bảo hiểm tự động (APL) vượt giá trị hoàn lại

Tương tự, nếu khoản vay tự động để đóng phí và lãi suất phát sinh vượt giá trị hoàn lại của hợp đồng, hiệu lực hợp đồng sẽ bị chấm dứt.

Có thể khôi phục hiệu lực hợp đồng hay không?

Nếu hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực, người tham gia có thể yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng. Việc này thường được thực hiện theo các quy định cụ thể trong Bản Quy tắc và Điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, người tham gia có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp bảo hiểm để được hỗ trợ chi tiết.

Trong quá trình khôi phục hợp đồng, người tham gia cần đáp ứng một số yêu cầu từ doanh nghiệp bảo hiểm, chẳng hạn như:

Hoàn thành việc thanh toán các khoản phí còn nợ: Bao gồm phí bảo hiểm chưa đóng và các chi phí phát sinh liên quan.

Cung cấp lại thông tin sức khỏe (nếu cần): Tùy thuộc vào thời gian mất hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm có thể yêu cầu người tham gia cung cấp thêm thông tin sức khỏe để đánh giá lại hợp đồng.

Hiểu rõ thời điểm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực và các trường hợp mất hiệu lực không chỉ giúp người tham gia bảo hiểm bảo vệ quyền lợi của mình mà còn giúp tối ưu hóa giá trị của hợp đồng. Việc duy trì hợp đồng bảo hiểm một cách hiệu quả cũng là cách để bảo đảm sự an tâm tài chính cho bản thân và gia đình trước những rủi ro không mong muốn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày