Không ít người lớn lên với lời khen: "Con ngoan lắm", "Hiền lành dễ thương", "Gặp ai cũng quý"... Họ sống ôn hòa, tránh va chạm, biết nhường nhịn và giữ gìn các mối quan hệ. Nhưng đến một lúc nào đó, chính họ lại thấy mình bị lấn lướt, bị tổn thương hoặc không thể thiết lập những mối quan hệ sâu sắc và lành mạnh.
Một người trẻ từng chia sẻ: "Tôi rất sợ làm người khác không vui. Đi làm, bạn bè nhờ gì tôi cũng nhận, đồng nghiệp góp ý tôi chỉ biết gật đầu. Nhưng dần dần, tôi thấy mình đang bị đè ép đến mức mệt mỏi".
Khi trò chuyện với chatbot AI để hỏi rằng: "Tôi đâu có tệ, tôi sống tử tế, tôi đâu làm gì sai, vậy vì sao tôi vẫn thường xuyên thấy áp lực trong các mối quan hệ?", câu trả lời được đưa ra rất rõ ràng.
"Vì tử tế không đồng nghĩa với có trí tuệ cảm xúc. Nếu bạn không biết cách bảo vệ ranh giới của mình, không hiểu cảm xúc của chính mình và không biết cách giao tiếp một cách thẳng thắn, bạn đang thiếu những năng lực quan trọng nhất của EQ", chatbot này đáp.
AI cũng chỉ ra 3 biểu hiện rất phổ biến ở những người tưởng như "hiền lành, dễ mến", nhưng thực chất lại đang gặp vấn đề với trí tuệ cảm xúc:
Họ quen với việc che giấu cảm xúc tiêu cực, hoặc không dám thừa nhận mình đang tổn thương. Khi buồn, họ cố gắng cười. Khi giận, họ im lặng. Khi thất vọng, họ nói "không sao đâu". Lâu dần, chính họ cũng không còn phân biệt được đâu là cảm xúc thật, đâu là điều mình đang cố gắng giả vờ.
Cần nhớ, khả năng nhận diện cảm xúc là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xây dựng trí tuệ cảm xúc. Nếu bạn không hiểu mình đang cảm thấy gì, bạn sẽ không biết phải làm gì với nó và người khác cũng không thể hiểu được bạn.
Ảnh minh họa
Người "dễ mến" thường sợ bị chê bai là ích kỷ, nên thường xuyên đồng ý với những điều mình không muốn. Họ hay giúp đỡ quá mức, gật đầu dù đang mệt, và cố gắng làm hài lòng người khác, kể cả khi điều đó làm họ không vui.
Đây là "sự đồng thuận bị động". Lời khuyên dành cho mọi người là hãy học cách nói "không" một cách văn minh. Đặt ranh giới không phải là ích kỷ, mà là tôn trọng chính mình. Không ai có thể tôn trọng bạn nếu bạn không cho họ thấy đâu là giới hạn của bạn.
Nhiều người tưởng rằng EQ cao là "biết nhịn", "nhường nhịn", nhưng thực tế, EQ đòi hỏi khả năng truyền đạt cảm xúc một cách trung thực và không gây tổn thương. Người EQ thấp thường dùng im lặng để né tránh, hoặc nói bóng gió thay vì đối thoại thẳng thắn.
Giao tiếp cảm xúc là một kỹ năng phải luyện tập. Bạn không thể kỳ vọng người khác hiểu mình qua ánh mắt hay thái độ. Một người có EQ cao là người biết nói: "Tôi thấy buồn khi chuyện này xảy ra" thay vì im lặng rồi tức giận trong lòng.
Hiền lành là một phẩm chất đẹp nhưng nó không thay thế được EQ. Một người sống tử tế nhưng không biết bảo vệ ranh giới, không thể hiện cảm xúc và không hiểu chính mình, sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi trong các mối quan hệ.
Trí tuệ cảm xúc không phải là thứ bẩm sinh, mà là thứ có thể học, có thể luyện, bắt đầu từ việc dám lắng nghe chính mình một cách trung thực.