Theo đơn trình báo của ông H.H.T, vào khoảng 10 giờ ngày 4/11, có số điện thoại di động gọi tới nói đến Công an huyện làm lại định danh điện tử VNeID; ông T nói đang bận sẽ sắp xếp thời gian làm sau.
Lúc sau đối tượng tiếp tục điện thoại nói sẽ hỗ trợ ông T làm trực tuyến, không phải đến Công an huyện. Sau đó đối tượng gửi vào Zalo của ông T một đường link (mạo danh cổng dịch vụ công) và yêu cầu ông T dùng điện thoại đăng nhập và điền thông tin cá nhân đồng thời tải, cài đặt ứng dụng vào điện thoại.
Sau đó đối tượng hướng dẫn ông T thực hiện các bước để xác thực lại định danh điện tử như: Đăng nhập, lấy dấu vân tay, chụp hình cá nhân qua ứng dụng… tiếp đó, đối tượng thông báo dịch vụ này phải đóng phí 12 nghìn đồng.
Để nộp phí thì đối tượng yêu cầu ông T phải sử dụng tài khoản của 2 ngân hàng khác nhau và đăng nhập thông tin số tài khoản, mật khẩu, mã OTP vào đường link (giả mạo cổng dịch vụ công), sau đó mới được thực hiện chuyển khoản nộp phí.
Đối tượng yêu cầu tài khoản để nộp phí theo quy định có số dư phải dưới 200.000 đồng, nếu nhiều hơn thì phải chuyển hết tiền qua tài khoản ngân hàng thứ 2 của ông T; lúc này ông T nghĩ chuyển từ tài khoản ngân hàng này của mình qua tài khoản ngân hàng khác cũng của mình thì an toàn.
Nên tài khoản dùng để nộp phí có số dư hơn 47 triệu đồng, ông T đã chuyển hết tiền vào số tài khoản thứ 2 của mình và chỉ để lại số dư 200.000 đồng để thực hiện nộp phí.
Ông H.H.T cho biết: sau khi chuyển tiền, tôi nghĩ lại thấy cơ quan nhà nước không yêu cầu nộp phí mà phải sử dụng 2 tài khoản ngân hàng, tài khoản nộp phí phải dưới 200 ngàn, nếu hơn phải chuyển qua tài khoản khác. Đồng thời, không yêu cầu phải đăng nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP… lên ứng dụng.
Nghi ngờ bị tội phạm lừa đảo, tôi đã điện thoại cho ngân hàng hỏi về thông tin số tiền trong tài khoản ngân hàng thì được trả lời là chủ tài khoản vừa thực hiện 4 lệnh chuyển tiền với số tiền 19,8 triệu đồng, biết đã bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo nên tôi yêu cầu ngân hàng đóng tài khoản và đến cơ quan công an trình báo.
Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hình thức lừa đảo này. Lực lượng Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại, mạng xã hội để kích hoạt lại ứng dụng VNeID. Tất cả các cuộc gọi điện, liên lạc qua các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo… yêu cầu, hướng dẫn người dân kích hoạt lại VNeID đều là giả mạo với mục đích lừa đảo.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: gần đây, cơ quan công an ghi nhận nhiều trường hợp lừa đảo bằng hình thức giả danh công an, yêu cầu người dân xác thực lại định danh điện tử VNeID mức độ 2 qua các liên kết không rõ nguồn gốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng đánh vào tâm lý ngại trực tiếp đến cơ quan nhà nước của một số người dân để hỗ trợ làm trực tuyến. Chúng gửi đường link mạo danh cơ quan nhà nước có giao diện gần giống với ứng dụng thật để người dân tải ứng dụng giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Khi người dân cài đặt xong ứng dụng cũng là lúc đối tượng chiếm quyền kiểm soát điện thoại, đánh cắp thông tin cá nhân có liên quan đến tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Sau đó, thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến một tài khoản khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Qua đây, cơ quan công an khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ App Store (đối với hệ điều hành IOS cho điện thoại Iphone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn khác, từ các đường link lạ; không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hay đường link, ứng dụng lạ.
Mọi thắc mắc có liên quan kích hoạt lại định danh điện tử VNeID, hay có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân hãy liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao theo số điện thoại: 069.3460505 để kịp thời ngăn chặn và hướng dẫn giải quyết.