(Ảnh: Thắng Lê)
Và suốt cả ngày hôm ấy, không hiểu sao tôi cứ lặp đi lặp lại mãi một câu: “Dễ thương thiệt đó!”.
Huế nhẹ nhàng và ấm áp
Huế chào đón tôi bằng một buổi sáng trong lành đến ngỡ ngàng. Không khí mát rượi ùa vào khi mở cửa sổ, nhịp sống nhẹ nhàng như một làn gió, và tâm trạng tự nhiên dịu lại, như thể được ai đó vỗ về. Tôi bắt đầu ngày mới với một niềm mong mỏi giản dị nhưng “rất Huế”: cơm hến. Từ lâu, cơm hến không còn đơn thuần là một món ăn. Nó là một biểu tượng, một linh hồn ẩm thực nhà nghèo ngay giữa xứ kinh kỳ.
Tôi dừng lại bên một xe cơm hến nhỏ ven đường. Không biển hiệu, không bàn ghế cầu kỳ, chỉ một gánh hàng, vài chiếc ghế thấp và một o Huế nhẹ nhàng mời gọi. Cơm hến ở Huế không giống với bất kỳ nơi nào khác: cơm nguội được đánh tơi, rau sống thái chỉ, dọc mùng (bạc hà) cho cảm giác giòn xốp, hến xào thơm lừng, thêm mắm nêm, ớt xay, mè trắng, đậu phộng và một chén nước hến nóng hổi. Một “bản giao hưởng” mộc mạc nhưng đầy màu sắc của ẩm thực. Mỗi thành phần nhỏ bé là một mảnh ghép trong một câu chuyện ẩm thực dài lâu.
Cơm hến siêu rẻ ở Huế.
Sau hai tô cơm hến, tôi vẫn thấy bụng còn chỗ cho vài điều Huế khác. Thế là lại có thêm bánh canh chả cua, lại có nước đậu ván. Một bữa sáng nhẹ nhàng mà đầy ắp niềm vui, không phải vì ăn nhiều mà vì ăn ngon, ăn trong không khí an lành, và ăn với sự tò mò đầy hào hứng. Và tất nhiên là rất rẻ! Tôi không chỉ thưởng thức bữa sáng, mà đang nếm trải cả một phần linh hồn của Huế, một phần quá khứ vẫn sống sót trong thìa cơm mộc mạc, một phần ký ức tập thể được nêm bằng tình yêu xứ sở. Giống như cách người Huế ăn nói nhẹ nhàng, lịch thiệp, món ăn ở đây cũng như một lời thì thầm, không quá đậm đà nhưng sâu sắc, để lại dư vị dài lâu.
Sau bữa sáng, tôi chậm rãi đi bộ qua những con phố cũ. Trên những con đường lát đá cũ kỹ, âm thanh của Huế bắt đầu len lỏi vào tôi như một bản nhạc không lời. Huế có một kiểu âm thanh rất riêng: nhẹ, thưa và trầm. Tiếng chuông chùa ngân vang đâu đó, lẫn với tiếng xe đạp lộc cộc của mấy cô nữ sinh áo dài tím đi học muộn. Tiếng rao buổi sáng của o bán xôi, mệ bán bánh bột lọc, tất thảy đều được thốt ra bằng một chất giọng chậm rãi và từ tốn như thể cả thành phố đang thì thầm với tôi.
Những con phố ở Huế.
Tôi nghe cả tiếng gió rì rào trên hàng cây long não, tiếng lá rơi khẽ khàng chạm mặt đất, và cả tiếng thở nhẹ của chính mình khi dừng lại trước một bức tường rêu phủ. Có một điều gì đó trong âm thanh Huế khiến người ta sống chậm hơn. Nơi đây dạy ta phải dịu dàng với mọi khoảnh khắc đi qua. Tôi từng mê Huế qua những trang sách, những lời hát về dòng Hương, về áo tím Đồng Khánh, về trường Quốc Học, về mưa Huế rả rích. Ngày xưa, có lần tôi tự viết thư tay gửi cho bạn ở Huế - dù chưa hề gặp mặt - chỉ vì muốn nghe bạn kể cho tôi nghe tiếng mưa ở đó thế nào. Bây giờ, tôi đang bước giữa thành phố ấy, để lắng nghe không chỉ mưa mà cả những âm thanh không lời của một vùng đất có hồn.
Tôi rảo bước ra biển Thuận An ngay giữa trưa. Nắng gắt nhưng không hề oi ả. Con đường nhỏ uốn quanh các ngôi làng cổ kính dẫn tôi ra bãi biển vắng. Cát Thuận An không trắng tinh, mà óng vàng, gợi nhớ vẻ đẹp mộc mạc của miền Trung. Nước biển không quá trong, nhưng có một chiều sâu khó diễn tả. Tôi đứng đó khá lâu, để cho những suy nghĩ rối ren được gỡ ra từng chút một trong tiếng sóng.
Huế dịu dàng bước vào lòng mình…
Huế thật lạ. Người ta không cần phải có kế hoạch để cảm nhận nó. Bạn chỉ cần buông lỏng và Huế sẽ tự tìm cách đi vào lòng bạn bằng những cách bất ngờ nhất. Một ly chè bình dị. Một câu nói thân tình. Một ánh mắt cười hiền. Tôi đi bộ đến trường Đồng Khánh - cái tên cũ của ngôi trường Hai Bà Trưng nổi tiếng. Trường vắng, mùa hè đang đến. Những cây phượng vẽ nên gam màu rực rỡ, còn ngôi trường thì cổ kính, nghiêm trang, dịu dàng như một thiếu nữ Huế đang ngồi học trong ký ức. Tôi nhớ đến câu hát: “Đường vô trường Đồng Khánh, mùa thu áo tím”.
Sân trường Đồng Khánh.
Và quả thật, cảm giác đứng trong sân trường vào một chiều hè không người, nghe tiếng ve vang râm ran, là một cảm giác đặc biệt. Nó khiến người ta nhớ những điều đã cũ. Những điều mình chưa từng trải qua, nhưng lại cảm thấy thân quen như một phần của mình. Tôi ngồi khá lâu ở bậc thềm lớp học cũ, tay mân mê những vệt thời gian trên mặt gạch. Ở nơi này, tôi như thấy được những cô nữ sinh áo dài tím lướt qua, thấp thoáng trong nắng. Huế có một quyền năng lạ: khiến quá khứ không biến mất, mà chỉ lùi lại một bước, để bạn chạm vào nó bất kỳ lúc nào.
Đường về chùa Bảo Quốc, tôi bỗng nhớ đến tác phẩm Thung lũng tuổi thơ của nhà văn Lương Tố Nga - nơi nhân vật chính tên Hoàng lang thang khắp các địa danh Huế. Trong truyện ấy, chùa Bảo Quốc hiện lên như một nơi trú ngụ, một không gian để chữa lành, để trốn khỏi thế giới xô bồ và trở lại là chính mình. Tôi đi bộ qua các bậc đá, những rặng cây, vòng ra phía sau chùa để nằm nghỉ trưa dưới tán cây rợp mát. Tiếng chim, mùi nhang và tiếng gió hòa vào nhau thành một bài kinh nhẹ nhàng.
Tôi nghĩ đến những ngày tuổi thơ khi đọc truyện, mơ về một Huế mà mình chưa từng đặt chân đến. Bây giờ, ở đây, tôi chợt hiểu ra rằng, Huế là một giấc mơ có thật. Một giấc mơ dịu dàng không đánh thức ta bằng tiếng động, mà bằng sự tĩnh lặng.
Buổi chiều, tôi lang thang đến chợ Đông Ba. Đơn giản là để xem người ta sống. Chợ đông, nhưng không quá ồn ã. Mọi thứ đều vận hành trong trật tự riêng của nó. Tôi dừng chân ở một gánh bún bò. Mệ bán hàng múc một tô đầy ắp chả cua, rau sống, và nước dùng đỏ au. Ngon đến mức khiến tôi ngỡ ngàng không hiểu sao một món đơn giản thế lại có thể mang nhiều cảm xúc như vậy. Không khí chợ mang đến một nhịp điệu khác. Nhanh hơn, thực hơn và đầy ắp mùi vị của cuộc sống. Nhưng cũng trong nhịp điệu đó, vẫn có sự nền nã và dịu dàng đặc trưng của Huế. Như thể ngay cả tiếng rao hàng cũng cố ý không phá vỡ không gian nhẹ nhàng xung quanh.
Khi trời ngả về chiều, tôi hướng về phá Tam Giang. Con đường chạy dài về phía biển mở ra một không gian rộng lớn, hoang vắng và sâu thẳm. Phá Tam Giang mênh mông, rợn ngợp. Tôi nhớ câu ca dao: "Ai vô xứ Huế thì vô/Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Giữa tiếng sóng và tiếng gió, tôi cảm thấy mình nhỏ bé như một hạt cát trong vũ trụ. Một vùng đất luôn mang trong mình những nỗi buồn đẹp đến nao lòng. Ở đây, nỗi buồn không phải thứ để tránh né, mà để sống cùng. Để hiểu rằng chính những cảm xúc ấy mới làm nên con người mình. Tôi ngồi bên bờ, nhìn mặt nước loang ánh chiều tà, bất giác thấy lòng mình nhẹ hơn rất nhiều.
Chiều buông xuống, tôi đến đầm Chuồn - nơi những chiếc ghe nhỏ lướt nhẹ giữa sóng nước yên ả, ánh hoàng hôn nhuộm vàng phía chân trời. Những nhà hàng nổi lênh đênh giữa đầm, không điện, không ồn ào, mọi hoạt động diễn ra theo nhịp điệu của Mặt trời và Mặt trăng. Tôi nhìn theo những chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ trôi về phía xa và tự nhủ: Mình sẽ quay lại đây. Vì Huế không phải là nơi để đi cho biết. Huế là nơi để trở về, khi tâm hồn cần một chỗ để lặng yên.
Một ngày ở Huế, với nhiều người có thể là quá ít. Dĩ nhiên, ai đi du lịch cũng mong có nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu chỉ có 1 ngày ở Huế, bạn hãy cứ thả lỏng để thấy mình đã sống trọn vẹn trong từng nhịp thở của một thành phố. Từ món cơm hến buổi sáng đến chè chiều và ánh hoàng hôn trên đầm nước, Huế là nơi mà mỗi chi tiết đều chứa đựng tình cảm và sự chỉn chu. Không phô trương, chỉ là sự tử tế âm thầm, làm nên một bản giao hưởng dịu dàng của đời sống.