Nhộn nhịp các bảo tàng tư ở Huế

Hạnh Đỗ, Theo Tiền Phong 07:54 13/07/2025
Chia sẻ

Trong bối cảnh các bảo tàng công lập vẫn đang gặp khó trong việc thu hút khách tham quan, Huế lại xuất hiện một hướng đi khác: hệ thống bảo tàng tư nhân đa dạng về nội dung, linh hoạt trong cách vận hành, đang thu hút cả du khách lẫn giới nghiên cứu.

Những bảo tàng nhỏ này cho phép người xem tiếp cận Huế qua lăng kính cá nhân, khác với sự trang nghiêm quen thuộc của các quần thể di tích lớn.

Những bảo tàng đắt khách

Nằm khuất sau một cánh cổng gỗ đậm màu thời gian ở đường Nguyễn Phúc Nguyên, rất gần chùa Thiên Mụ, bảo tàng Gốm cổ Sông Hương được đặt trong khuôn viên Vườn tổ họ Thái (còn có tên gọi là Lan Viên cố tích), một quần thể kiến trúc nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi đời. Đình trà, giếng cổ, chùa nhỏ, ao hoa, các khối nhà ngang dọc nối nhau bằng những hành lang gỗ mang ký ức cổ xưa.

Không khí ẩm và thoang thoảng mùi đất nung, mùi gỗ lâu năm. Trên các kệ trưng bày, được làm từ chính gỗ tái sử dụng từ ngôi nhà cũ, là hơn 2.400 hiện vật gốm, sành, đất nung, đá… được khai quật hoặc vớt lên từ đáy sông Hương trong nhiều năm qua.

Nhộn nhịp các bảo tàng tư ở Huế- Ảnh 1.

Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam chuyên về gốm cổ vớt từ sông. Theo chủ nhân Thái Kim Lan, bảo tàng là “trường tiểu học về văn hóa Huế”, là một nơi để người đến thăm có thể chạm tay, ngửi, nghe và trò chuyện với di sản.

Những hiện vật ở đây hầu như đều không toàn vẹn, từ những chiếc bát men trắng vỡ, bình vôi thời Trần, đĩa sứ Chu Đậu đến cả những mảnh gốm thời tiền Sa Huỳnh đều được đánh số, phân loại, kèm ghi chú rõ ràng về niên đại, đặc điểm kỹ thuật và cả địa điểm trục vớt.

“Ở Việt Nam, chúng ta hay nói đến “di sản sống”, nhưng thường chỉ dừng ở biểu tượng, mà thiếu những không gian cụ thể để người ta sống cùng nó”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế, nhận xét.

Ông Hoa cho rằng sự khác biệt của bảo tàng Gốm cổ Sông Hương chính là nằm ở cách tiếp cận công chúng. Khác với mô hình bảo tàng công truyền thống chỉ cho ngắm, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương khuyến khích du khách cầm, sờ vào hiện vật để trực tiếp cảm nhận những lớp trầm tích còn lưu lại.

Bộ sưu tập được hình thành qua quá trình sưu tầm kéo dài gần 40 năm từ các thành viên gia đình họ Thái và nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, nó mang theo ký ức cá nhân của nhà sưu tập đan xen với câu chuyện sử thi sông nước của Huế. Để tăng sự kết nối với cộng đồng, bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về triết học, văn hóa, mời các nghệ sĩ địa phương tới biểu diễn tại đình trà, kết hợp chiếu phim, đọc thơ, trình diễn ký họa.

Nhộn nhịp các bảo tàng tư ở Huế- Ảnh 2.

Hiện, ngoài du khách lẻ, các công ty du lịch lớn từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã đưa điểm đến này vào hành trình tham quan văn hóa tại Huế. Trong một buổi chiều tháng 6, chúng tôi gặp một nhóm sinh viên Mỹ đang ngồi vẽ lại các hiện vật với sự dẫn dắt của một tình nguyện viên.

Emily Rosen (theo học ngành Đông Nam Á học), chia sẻ: “Chúng tôi từng đến nhiều bảo tàng lớn ở Đông Nam Á, nhưng chưa nơi nào cho phép được tiếp xúc gần đến vậy. Việc tự tay ký họa, được sờ vào hiện vật và nghe kể chuyện giúp tôi hiểu văn hóa Việt qua cả xúc giác và không gian”.

Cùng chuỗi tham quan những bảo tàng cổ vật, chúng tôi còn được dẫn đến Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn ở số 114 Mai Thúc Loan. “Không lúc mô vắng khách”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khoa làm nhiệm vụ hướng dẫn viên nói với tôi.

Bảo tàng này do ông Trần Đình Sơn, cháu nội của Thượng thư triều Nguyễn, bỏ nhiều năm sưu tầm và đầu tư để đưa hàng trăm hiện vật sứ ký kiểu (là những đồ gốm sứ được người Việt, đặc biệt là triều đình hoặc giới quý tộc Việt Nam thời phong kiến, đặt làm tại các lò gốm Trung Quốc theo mẫu mã, họa tiết, chữ viết, hoặc biểu tượng do người Việt thiết kế hoặc yêu cầu) từ thời Gia Long đến Bảo Đại về trưng bày trong chính ngôi nhà rường gia tộc.

Không bán vé tham quan, bảo tàng mở cửa linh động và trở thành địa chỉ quen thuộc cho những ai quan tâm đến nghệ thuật đồ sứ cung đình.

Ở Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh, có lẽ đúng dịp nghỉ hè, tôi gặp liên tiếp hai đoàn học sinh được các cô giáo dẫn đi “thực tế”. Theo chia sẻ của các bảo vệ ở đây, từ khi mở cửa đến nay, bảo tàng liên tục tiếp những đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan và học tập.

Tương lai của bảo tàng tư nhân

Trong một hội thảo về di sản văn hóa, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đưa ra một nhận định đáng chú ý: “Tương lai của bảo tàng tư nhân ở Việt Nam rất sáng sủa. Đây không chỉ là xu hướng phát triển toàn cầu mà còn tạo điều kiện tốt hơn cho công chúng tiếp cận những giá trị di sản văn hóa dân tộc đang được cộng đồng bảo tồn”.

Nhộn nhịp các bảo tàng tư ở Huế- Ảnh 3.

Một thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương là trong khi nhiều bảo tàng công lập gặp khó khăn trong việc thu hút khách tham quan, thì các bảo tàng tư nhân với quy mô nhỏ, chủ đề rõ ràng, phong cách trưng bày linh hoạt lại ngày càng chứng tỏ vai trò thiết thực trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Riêng ở Huế, chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm, địa phương đã chứng kiến sự ra đời của ít nhất năm bảo tàng tư nhân với các định hướng nội dung khác nhau: từ khảo cổ học (Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương), mỹ thuật tôn giáo (Bảo tàng Cecile Lê Phạm), đến nghệ thuật dân gian (Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ), lịch sử hiện đại (Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) và nghệ thuật cung đình (Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn). Điều đáng nói là hầu hết các bảo tàng này mặc dù không được tài trợ ngân sách, nhưng vẫn hoạt động ổn định, đón khách đều đặn và giữ được bản sắc riêng trong cách kể chuyện với công chúng.

Có nhiều năm nghiên cứu về mô hình bảo tàng tư nhân, tiến sĩ Nguyễn Thái Hà cho rằng: “Lợi thế của loại bảo tàng này nằm ở khả năng linh hoạt về mô hình hoạt động, phương thức trưng bày và cách tiếp cận khách tham quan.

Thay vì theo đuổi quy trình hành chính phức tạp và nội dung khô cứng như nhiều bảo tàng công, các bảo tàng tư nhân thường hướng đến trải nghiệm cá nhân hóa, tương tác và kể chuyện bằng hình ảnh, không gian, thậm chí là các hoạt động nghệ thuật đi kèm”.

Hiện, 3/5 bảo tàng tư nhân ở Huế gồm: Bảo tàng – XQ, bảo tàng Mỹ thuật Cecile Lê Phạm và bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng thực hiện chính sách miễn phí vé tham quan, giúp tiếp cận rộng rãi các nhóm đối tượng: người dân, du khách, học sinh, nghiên cứu sinh. Đây là điểm cộng trong việc phát triển hệ sinh thái bảo tàng không chỉ dựa vào doanh thu vé mà dựa vào nguồn lực từ xã hội hóa (đóng góp cá nhân, doanh nghiệp), cùng chính sách hỗ trợ từ tỉnh (truyền thông, cơ sở vật chất, miễn phí thuê mặt bằng).

“Mô hình này thể hiện sự năng động của bảo tàng tư nhân, đồng thời đặt ra gợi ý về hướng phát triển bền vững cho hệ thống bảo tàng Việt Nam: đa dạng nguồn lực, linh hoạt vận hành và hướng tới cộng đồng”, ông Khoa nhận xét.

Nhộn nhịp các bảo tàng tư ở Huế- Ảnh 4.

Khi được hỏi về kinh phí vận hành bảo tàng, tôi được biết, Bảo tàng thêu XQ tọa lạc trên phố đi bộ ven sông Hương có nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách tỉnh và xã hội hóa. Theo thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Huế, từ 2021 đến 2030, chính sách hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập được cấp khoảng 8 tỷ đồng để trợ giá thuê đất, trưng bày, sản xuất lưu niệm, bồi dưỡng nhân lực và quảng bá văn hóa.

Bảo tàng mỹ thuật Cecile Lê Phạm do chính chủ nhân chịu trách nhiệm về kinh phí xây dựng và vận hành, không có khoản thu từ vé. Bảo tàng này cũng được cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ bằng chính sách hỗ trợ trưng bày, quảng bá và đào tạo theo đề án phát triển bảo tàng ngoài công lập.

Bảo tàng tư nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do gia đình Đại tướng đóng góp xây dựng và vận hành, không xin ngân sách Nhà nước và không thu phí tham quan. UBND tỉnh hỗ trợ về nghiệp vụ và liên kết phát triển hệ thống, nhưng không tham gia tài chính trực tiếp.

Để xu hướng bảo tàng tư nhân phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ rõ ràng hơn từ phía chính quyền và ngành văn hóa. Các chính sách về cấp phép, bảo hộ hiện vật, hỗ trợ truyền thông và quảng bá du lịch cần được điều chỉnh theo hướng khuyến khích cá nhân, tổ chức phi chính phủ đầu tư vào thiết chế văn hóa. Những bảo tàng nhỏ nhưng độc đáo, gắn với bản sắc địa phương nên được đưa vào các chương trình tua tuyến, sự kiện văn hóa lớn thay vì chỉ để tự xoay xở. Đặc biệt, việc công nhận giá trị học thuật của các bộ sưu tập tư nhân cũng cần được thực hiện qua cơ chế giám định và đối thoại khoa học công bằng.

PGS.TS Đặng Văn Bài

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày