Bên cạnh các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm đến thiên nhiên hay sự đa dạng văn hóa trong đời sống, ẩm thực cũng chính là một nét đặc sắc thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam. Trong đó, có những món đặc sản hương vị thơm ngon, là đặc sản vùng miền với cách chế biến độc đáo khiến những vị "khách Tây" phải trầm trồ.
Món ăn trong video sau đây, được 1 hướng dẫn viên với tài khoản tên "Hướng dẫn viên nghèo vượt khó" là một ví dụ. Nó được chính chàng hướng dẫn viên này chiêu đãi 2 vị khách nước ngoài sau chặng đường leo núi, trekking rừng.
Đây đều là những món đặc sản dân dã, mộc mạc của đồng bào dân tộc miền núi - gà đồi, lợn bản. Tận mắt chứng kiến món ăn được nướng nóng hổi trên bếp củi đỏ lửa, du khách nước ngoài nhận xét: "Ở Mỹ chúng tôi không thể làm thế này. Chỉ có một số nhà hàng nướng BBQ ở New York nướng thịt thế này nhưng sau 1 thời gian họ cũng phải ngừng vì khói ảnh hưởng tới không khí trong đô thị".
Ảnh Hướng dẫn viên nghèo vượt khó
Tên gọi “lợn bản” và “gà đồi” xuất phát từ chính môi trường sống và tập quán chăn nuôi truyền thống của người dân vùng cao. Cụ thể, chúng vẫn là những chú lợn, gà bình thường, nhưng Khác với các giống vật nuôi công nghiệp phổ biến ở đồng bằng, gà đồi và lợn bản được nuôi theo hình thức hoàn toàn tự nhiên, gần gũi với phương thức canh tác truyền thống của người dân tộc thiểu số.
Gà đồi là loại gà ta được thả rông trên các triền đồi, ăn côn trùng, rau cỏ, thóc ngô, vận động nhiều nên thịt săn chắc, da vàng, ngọt thịt. Gà thường được nuôi từ 4 đến 6 tháng – đủ thời gian để thịt phát triển tự nhiên, thơm ngon.
Trong khi đó, lợn bản – còn gọi là lợn cắp nách – có kích thước nhỏ, chỉ từ 10 đến 20 kg, được thả rông quanh nhà, ăn rau củ, cám ngô, gần như không dùng thức ăn công nghiệp. Thịt lợn bản chắc nịch, lớp da dày giòn, mỡ dày nhưng không ngấy, đặc biệt thơm khi nướng hoặc quay cả con. Tên gọi “lợn cắp nách” xuất phát từ hình ảnh quen thuộc ở chợ phiên vùng cao, nơi người dân cắp gọn con lợn dưới tay, đem bán như một thức quà quý.
Những mâm đặc sản lợn bản - gà đồi du khách sẽ thường được thưởng thức trong chuyến du lịch vùng núi phía Bắc Việt Nam (Ảnh minh họa)
Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn này tại các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc nước ta - nơi gà đồi và lợn bản được xem là linh hồn ẩm thực địa phương. Từ món gà hấp lá chanh, gà nướng than hoa, đến lợn bản nướng mắc khén, lợn quay lá móc mật – tất cả đều mang hương vị khó quên.
Trong video được hướng dẫn viên chia sẻ, cũng có thể thấy công đoạn chế biến - nướng trên bếp than, bếp củi là điều khiến du khách ấn tượng với món lợn bản, gà đồi. Được nướng trên trên thứ bếp đặc biệt này không chỉ vì điều kiện sống của người dân vùng cao mà còn bởi chính phương pháp này giúp giữ trọn hương vị tự nhiên của thịt.
Ở các bản làng miền núi, bếp than, củi là hình thức nấu nướng truyền thống phổ biến. Không phải lúc nào người dân cũng có bếp gas hay lò nướng hiện đại, nên việc nướng lợn, gà trực tiếp trên than hồng, củi rừng là cách làm vừa tiện lợi, vừa phù hợp với điều kiện sống.
Ảnh minh họa
Nhưng không chỉ là "nấu vì có gì dùng nấy", nướng bằng bếp củi, bếp than còn giúp lớp da gà, da lợn vàng ruộm, giòn rụm, thịt bên trong chín từ từ, thơm đậm đà. Mùi khói, đặc biệt là khói củi quyện vào từng thớ thịt, tạo nên hương thơm đặc trưng không thể có được nếu nướng bằng lò điện hay gas. Đặc biệt, nhiều nơi còn ướp thịt với gia vị rừng như mắc khén, hạt dổi, lá móc mật, khi nướng trên bếp than, bếp củi sẽ dậy mùi hơn, hấp dẫn hơn.
Với du khách, thưởng thức lợn bản quay, gà đồi nướng trên bếp củi giữa không gian núi rừng không chỉ là trải nghiệm ẩm thực, mà còn là cách cảm nhận rõ nét nhịp sống mộc mạc, chậm rãi và chân thành của vùng cao.
Du khách có thể thưởng thức lợn bản - gà đồi cùng nhiều loại gia vị đặc trưng khác của địa phương (Ảnh minh họa)
Chính sự độc đáo trong nguyên liệu nuôi tự nhiên và cách chế biến truyền thống – như nướng trên bếp củi, tẩm ướp bằng gia vị rừng – đã khiến lợn bản, gà đồi trở thành nét chấm phá đặc biệt của ẩm thực Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Không cần cầu kỳ, món ăn dân dã ấy vẫn chinh phục vị giác bằng sự nguyên bản, mộc mạc và tinh tế rất riêng. Với nhiều du khách nước ngoài, đây không chỉ là một bữa ăn, mà còn là trải nghiệm văn hóa sâu sắc – nơi họ cảm nhận được sự gắn bó giữa con người Việt với thiên nhiên, giữa ẩm thực và lối sống bản địa nơi họ đặt chân tới.