Cha mẹ luôn kỳ vọng rất nhiều vào con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Khi con bắt đầu đi học, cha mẹ mong muốn con mình học hành xuất sắc, đạt thành tích cao. Khi con vào cấp 2, cấp 3, áp lực học tập càng lớn hơn, đặc biệt với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, họ sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục để con không bị tụt lại phía sau. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục chất lượng cao thường được kỳ vọng sẽ có một tương lai rực rỡ.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện tài chính để đầu tư mạnh mẽ vào việc học của con cái. Đa phần cha mẹ dù không dư dả vẫn mong muốn con có thể vượt lên, thi đỗ vào trường đại học tốt, kiếm được công việc lương cao để vươn lên một tầng lớp mới trong xã hội. Họ mong muốn con cái có thể hỗ trợ tài chính cho gia đình và làm cha mẹ tự hào trước bạn bè, họ hàng. Nếu con cái chưa đạt được điều đó, nhiều cha mẹ cảm thấy thất vọng, thậm chí cho rằng con cái chưa thực sự hiếu thuận - đây chính là một dạng "bất hiếu kiểu mới".
Ảnh minh họa
Minh Anh, một sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng, từng mong muốn tiếp tục học lên cao để nâng cao trình độ. Thế nhưng, gia đình lại khuyên cô nên nhanh chóng đi làm để kiếm tiền, phụ giúp cha mẹ. Cuối cùng, Minh Anh đành từ bỏ ước mơ học tập và ở lại thành phố tìm việc.
Dù đã có công việc, nhưng mức lương khởi điểm của Minh Anh không cao. Cô phải tự lo chi phí thuê nhà, ăn uống và sinh hoạt tại thành phố đắt đỏ. Dù khó khăn, cô vẫn cố gắng gửi tiền về nhà mỗi tháng. Nhưng cha mẹ cô lại không hài lòng, liên tục nhắc nhở rằng số tiền cô gửi về quá ít, nhất là khi so với con cái của những gia đình khác. Họ cũng bày tỏ mong muốn được mua thực phẩm chức năng vì tuổi đã cao và thường xuyên cảm thấy không khỏe, nói chung muốn cô cho họ một điều kiện sống tốt hơn bởi vì họ đã nuôi cô khôn lớn.
Cảm giác bất lực và tủi thân khiến Minh Anh phải lên tiếng. Cô giải thích rằng bản thân đang chật vật trong môi trường công việc khắc nghiệt, không có mối quan hệ, không có sự hỗ trợ từ gia đình, thậm chí vẫn đang phải trả khoản vay vốn sinh viên chưa trả hết. Ngay cả khi ốm đau, cô cũng không dám nghỉ làm.
Điều không ngờ là lời nói của Minh Anh khiến cha mẹ cô rất tức giận, họ mắng cô càng lớn càng hư. Cha mẹ đã vất vả nuôi cô ăn học, giờ đây cô đã có một công việc tốt nhưng lại không muốn báo đáp gia đình, thực sự là bất hiếu.
Câu chuyện của Minh Anh không phải là trường hợp hiếm gặp. Những người trẻ như Minh Anh, một mặt chữa lành bản thân, mặt khác hòa giải với cha mẹ và bảo vệ gia đình của mình.
Nhiều bạn trẻ ngày nay đang gồng mình để tồn tại trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt. Bằng đại học không còn là tấm vé vàng để có được một công việc tốt. Cùng lúc đó, thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao, các doanh nghiệp ưu tiên nhân viên có kinh nghiệm. Vì vậy, sinh viên mới ra trường khó có thể đạt ngay mức lương cao như cha mẹ mong muốn.
Ảnh minh họa
Chưa kể, nếu làm việc xa nhà, họ còn phải đối mặt với vô số chi phí sinh hoạt. Việc dành dụm tiền gửi về cho gia đình thực sự là một thử thách không nhỏ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại không hiểu được điều đó, vô tình tạo thêm áp lực cho con cái.
Cha mẹ đã hy sinh rất nhiều để nuôi con trưởng thành nên họ mong muốn con báo hiếu là điều dễ hiểu. Nhưng thay vì thúc ép con phải sớm thành công, hãy kiên nhẫn hơn một chút. Hãy để gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc, là nơi con cái có thể trở về sau những ngày tháng vất vả ngoài xã hội.
Khi con cái có đủ thời gian tích lũy kinh nghiệm và xây dựng sự nghiệp vững vàng, chắc chắn chúng sẽ không quên công ơn cha mẹ. Vì vậy, thay vì thất vọng quá sớm, hãy tin tưởng vào con và cho chúng thêm thời gian để phát triển.
Theo Jianshu