Trẻ nhỏ thường từ chối ăn nhiều loại thực phẩm, nhưng có một thứ khiến chúng luôn thòm thèm không gì khác chính là đồ ngọt. Nói 'không' với trẻ nhỏ mỗi khi chúng đòi ăn kẹo hay đồ ngọt luôn là một nhiệm vụ khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ cần nhớ rằng không chỉ bánh kẹo mà nhiều loại thực phẩm khác trong cuộc sống cũng có chứa đường tự nhiên, đường bổ sung.
Khi dạ dày của trẻ chứa đầy đường, chúng sẽ có rất ít chỗ trống cho các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ, chẳng hạn như rau, trái cây, sữa ít béo, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt.
Trong một bài phỏng vấn với OnlyMyHealth, tiến sĩ Anil Bhoraskar (Bác sĩ chuyên khoa bệnh tiểu đường cấp cao, Bệnh viện SL Raheja, Mahim & Thư ký-Hiệp hội bệnh tiểu đường Ấn Độ) đã giải thích tại sao đường lại độc hại đối với trẻ em.
Tiến sĩ Anil Bhoraskar cho biết, lượng đường dư thừa có thể dẫn đến béo phì, tăng cân, nổi mụn và khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Ăn nhiều đường cũng có thể làm trẻ nhỏ tăng nguy cơ mắc một số tình trạng y tế khác ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Có nhiều lý do tại sao ăn quá nhiều đường có hại cho sức khỏe của con bạn:
- Đường có thể gây tăng cân. Đồ uống có đường, chẳng hạn như nước trái cây đóng hộp và nước ngọt có ga, chứa nhiều đường fructose, đây là một loại đường đơn.
- Các nghiên cứu được thực hiện trên động vật cho thấy rằng tiêu thụ đường fructose làm tăng cảm giác đói và thèm ăn của bạn. Tiêu thụ quá nhiều fructose đã được chứng minh là phát triển tình trạng kháng leptin. Leptin là một loại hormone quan trọng điều chỉnh cơn đói và cho cơ thể bạn biết khi nào nên ngừng ăn.
- Một đứa trẻ tiêu thụ đồ uống nhiều đường sẽ tăng làm lượng chất béo nội tạng, có liên quan đến bụng mỡ và một số bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch. Có thêm bằng chứng cho thấy rằng lượng đường cao và bệnh tiểu đường có thể dẫn đến viêm cũng như chất béo trung tính cao và tăng huyết áp.
Đặc biệt, vị tiến sĩ cảnh báo tiêu thụ dư thừa đường có thể gây trầm cảm cho trẻ nhỏ. "Nếu con bạn đang ăn một chế độ ăn nhiều đường bổ sung và thực phẩm chế biến sẵn thì điều đó có thể dẫn đến những bất thường về tâm trạng và cảm xúc cũng như làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Một nghiên cứu được thực hiện trên 8.000 người cho thấy những người tiêu thụ hơn 67 gam đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 23%", tiến sĩ Anil Bhoraskar nói.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Vinay Dhir (Chủ tịch Viện Chăm sóc Tiêu hóa & Gan, Bệnh viện SL Raheja, Ấn Độ): Những người tiêu thụ nhiều đường có thể phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (gan nhiễm mỡ). Ăn quá nhiều đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ăn quá nhiều đường có thể gây sâu răng ở trẻ em, và quan trọng nhất, lượng đường cao có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ (suy giảm trí nhớ).
Đáng nói, nhiều loại kẹo được quảng cáo rằng không chứa đường, vì thế nhiều cha mẹ tin tưởng rằng chúng sẽ không làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của các con. Tuy nhiên đó là quan điểm sai lầm. Ông Lokendra Tomar (Nhà giáo dục chế độ ăn kiêng tại Ấn Độ) khẳng định: Ngay cả khi các món ăn vặt được quảng cáo không đường, chúng vẫn có thể làm tăng đường huyết. Chất làm ngọt trong chế biến không được nhiều hơn 20-25% tổng số thành phần của nó, do đó 75-80% thành phần còn lại có thể làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, phụ huynh luôn luôn cần đọc kỹ về các thành phần sản phẩm trước khi cho con ăn.
Vị Tiến sĩ khuyến cáo, trong khi chế biến thức ăn phục vụ cho trẻ em, cha mẹ cần phải hết sức cẩn thận trong việc nêm nếm và phải để ý xem con mình có ăn vặt nhiều không. Cần hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó hãy cho con ăn ăn thực phẩm tươi và tự chế biến.
Theo Tổ chức y tế thế giới, lượng đường sử dụng hàng ngày không nên quá 10% lượng năng lượng (calo) hàng ngày, hoặc tốt hơn - không quá 5%. Riêng đối với trẻ em, cần nhớ không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày.
Nguồn: Onlymyhealth