"Messi Thái" nói tiếng Nhật cực nuột khi phiên dịch cho đồng đội: Lời giải cho thành công ở xứ sở mặt trời mọc

HIẾU LƯƠNG, Theo Trí Thức Trẻ 18:58 12/03/2020

Tiền vệ Chanathip Songkrasin mới đây đã trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho đồng đội trong một cuộc phỏng vấn nội bộ tại CLB Consadole Sapporo, Nhật Bản.

Chanathip Songkrasin làm phiên dịch Nhật - Thái cho đồng đội tại Consadole Sapporo. Nguồn: CS.

Nhân vật được phỏng vấn là thủ môn Kawin Thamsatchanan của đội tuyển Thái Lan, người vừa mới chuyển từ OH Leuven (Bỉ) sang CLB vùng Hokkaido. Chanathip Songkrasin vì thế được truyền thông Consadole Sapporo nhờ làm phiên dịch Nhật – Thái.

Buổi trò chuyện kéo dài gần 10 phút nhưng không gây khó cho Chanathip. Anh thể hiện khả năng nói tiếng Nhật cực nuột giúp kết nối tốt Kawin và người hỏi.

"Messi Thái" đặt chân tới Nhật Bản thi đấu từ mùa hè năm 2017 với bản hợp đồng cho mượn từ Muangthong United có thời hạn 18 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 12 tháng, anh đã chứng minh được giá trị và nhận được bản hợp đồng có thời hạn 5 năm trị giá 2,5 triệu USD (khoảng 57,5 tỷ đồng).

Messi Thái nói tiếng Nhật cực nuột khi phiên dịch cho đồng đội: Lời giải cho thành công ở xứ sở mặt trời mọc - Ảnh 2.

Không chỉ được đánh giá cao về chuyên môn, tính cách, Chanathip Songkrasin còn được đối đầu với những ngôi sao thế giới như Iniesta ở Giải VĐQG Nhật Bản. Ảnh: CS.

Trước khi sang Nhật Bản thi đấu, Chanathip Songkrasin đã tự tìm cách học tiếng Nhật. Khi tới Consadole Sapporo, anh cũng thuê một gia sư riêng để học tiếng. Việc gắn bó với nước Nhật tới năm 2023 càng làm Chanathip có động lực để trau dồi thêm ngôn ngữ bản địa. Việc làm phiên dịch viên bất đắc dĩ cho đồng hương Kawin là dẫn chứng cho thành quả sau gần 3 năm nỗ lực học ngoại ngữ của tiền vệ 27 tuổi. Anh thậm chí còn khuyên Kawin nên học tiếng Nhật sớm để thích nghi.

Chanathip Songkrasin đã quen cuộc sống ở Nhật Bản, không còn gặp khó khăn khi giao tiếp. Ở Consadole Sapporo, việc kết nối tốt với các đồng đội người Nhật được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Chanathip thi đấu gắn kết hơn. Anh trở thành nhân tố được đánh giá cao trong lối chơi của đội. Anh cũng dần chiếm được cảm tình của các CĐV Nhật Bản.

Hình mẫu thành công của Chanathip dẫn đến những so sánh với việc Công Phượng, Tuấn Anh chỉ có 1 năm chơi bóng tại Nhật Bản nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Ngoài vấn đề chuyên môn, ngoại ngữ rõ ràng là một rào cản với cả hai cầu thủ khi ấy mới 21 tuổi.

Không nói tiếng Nhật tốt như đồng đội nhưng thủ môn Kawin Thamsatchanan lại có vốn tiếng Anh không tồi. Anh có hơn 2 năm chơi bóng ở Bỉ và giờ có thể nói thông thạo tiếng Anh. Cũng trong đoạn video mà CLB Consadole Sapporo, Kawin lại trở thành người phiên dịch cho Chanathip khi nói chuyện với các ngoại binh khác.

Ngoại ngữ vẫn luôn là vấn đề được đặt ra với những cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu. Lứa cầu thủ Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh hay mới đây là Văn Hậu luôn nhận được nhiều câu hỏi về trình độ ngoại ngữ. Hiện tại, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Lâm được xem là những cầu thủ Việt nói tiếng Anh tốt nhất.

Messi Thái nói tiếng Nhật cực nuột khi phiên dịch cho đồng đội: Lời giải cho thành công ở xứ sở mặt trời mọc - Ảnh 3.

Văn Hậu (phải) đang là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu nhờ chuyên môn tốt. Ảnh: Pro Shots.

Với trường hợp Văn Hậu, ngoại ngữ với anh khi sang Hà Lan được xem là trang giấy trắng. Hậu vệ sinh năm 1999 được cho là đang cố gắng cải thiện khả năng tiếng Anh. Một đoạn video vào cuối tháng 2 cho thấy Văn Hậu trao đổi với đội trưởng của Jong Heerenveen trong trận. Đó được xem là cơ sở để cho rằng tiếng Anh của Văn Hậu đã tốt hơn trước.

Ngoại ngữ không phải nguyên nhân chính quyết định thành công hay thất bại của cầu thủ khu vực Đông Nam Á khi ra nước ngoài chơi bóng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong môi trường tập thể, cầu thủ cần trao đổi với đồng đội để hiểu nhau hơn ở cả trong và ngoài sân bóng.

Văn Hậu tự tin trao đổi với đồng đội trong trận đấu của Jong Heerenveen.